Hoạt động sôi nổi của thị trường khách sạn Việt Nam đã lôi cuốn hàng loạt tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế đổ về đây, trong đó có không ít tên tuổi hàng đầu thế giới.
Intercontinental Hotels Group (IHG) đang quản lý 8 khách sạn, khu resort cao cấp tại những khu vực đắc địa nhất của 3 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Thời gian qua, để mở rộng thị phần của mình, IHG đã bắt tay với Sungroup để trở thành nhà quản lý InterContinental Danang Sun Peninsula Resort tại Đà Nẵng. Ngoài ra, tập đoàn này còn hợp tác cùng BIM Group để quản lý dự án InterContinental Phú Quốc tại đảo ngọc. Đây là dự án condotel đầu tiên mà IHG quản lý, vận hành trên thế giới.
Việt Nam được đánh giá cao về tiềm năng du lịch |
Cùng với IHG, AccorHotels, tập đoàn đang quản lý gần 4.000 khách sạn tại 92 quốc gia với các thương hiệu như Sofitel, Pullman, Novotel, Mgallery, đang quản lý hơn 20 khách sạn tại Việt Nam. Đây cũng được xem là đối tác lớn của Sungroup khi quản lý một loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng như Premier Village Danang Resort, Novotel Danang Premier Han River,... của tập đoàn này.
Tập đoàn BIM Group hợp tác với Regent Hotels Group phát triển dự án Regent Hotels & Resorts Phú Quốc. Regent là thương hiệu khách sạn đầu tiên đưa ra khái niệm phòng tắm 5 quy chuẩn, khu biệt thự nghỉ dưỡng và các dự án tổ hợp khách sạn. Đây là một trong số ít những tập đoàn khách sạn quốc tế có trụ sở tại châu Á nhưng thực sự thành công khi chiếm lĩnh được hai thị trường trọng điểm là châu Âu và châu Mỹ.
Thị trường khách sạn Việt Nam còn ghi nhận sự xuất hiện của Movenpick hợp tác với Eurowindow Holdings thực hiện dự án nghỉ dưỡng Movenpick Cam Ranh Resort. Wyndham Hotel Group hợp tác với PPC An Thịnh Việt Nam để triển khai Wyndham Soleil Đà Nẵng.
Trước đó, Hyatt quản lý, vận hành hai khách sạn cao cấp là Park Hyatt Sài Gòn và Hyatt Regency Đà Nẵng Resort&Spa.
Nhiều thương hiệu quản lý ngoại vào Việt Nam |
Đánh giá về tiềm năng du lịch Việt Nam, ông Steven Pan, Chủ tịch của Regent Hotels Group, cho biết, châu Á đóng vai trò vô cùng quan trọng trong kế hoạch mở rộng của tập đoàn này ra toàn cầu, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Theo các số liệu thống kê, số lượng du khách đến Việt Nam đã tăng từ 5 triệu lên 8 triệu lượt khách, cho thấy tiềm năng rất lớn cho ngành du lịch khách sạn.
Theo ông Nguyễn Minh Thái, đại diện một công ty chuyên về du lịch, những thương hiệu khách sạn thế giới thường có bề dày kinh nghiệm hàng trăm năm, nên có lượng khách hàng thường xuyên rất lớn. Vì thế, gắn thương hiệu quốc tế cho khách sạn là một trong những yếu tố hấp dẫn khách thuê, từ đó đảm bảo doanh thu bền vững.
Lựa chọn các tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới quản lý khách sạn, rõ ràng, là một tính toán khôn ngoan của các doanh nghiệp trong nước.
Ông Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch tập đoàn BIM Group, dẫn chứng, Regent là thương hiệu khách sạn quốc tế có gốc rễ phát triển từ châu Á nhưng lại có được thành công nổi bật tại các thị trường khó tính như châu Âu và châu Mỹ, đặc biệt uy tín và được du khách các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ yêu thích. Đây cũng là nhóm khách hàng trọng điểm của thị trường du lịch Việt Nam.
Theo thống kê của các đơn vị tư vấn, trong tương lai, thị trường khách sạn của Việt Nam đón nhận số lượng lớn các dự án nghỉ dưỡng đi vào hoạt động. Nhiều đơn vị quản lý khách sạn quốc tế đang lần lượt xuất hiện tại Việt Nam, góp phần nâng tầm du lịch Việt.
Duy Anh