Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này nhưng chủ yếu là do các doanh nghiệp nhà nước chưa sẵn sàng chấp nhận việc mất quyền quản lý sau khi cổ phần hóa, trong khi các cơ quan chịu trách nhiệm thúc đẩy, đôn đốc không làm hết nhiệm vụ cần thiết.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa ký quyết định ban hành nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 cho Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.
Theo đó một trong những nhiệm vụ chính của cơ quan này trong năm 2015 là đẩy nhanh việc cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước.
Việc cổ phần hóa số doanh nghiệp nói trên, vốn được đề ra cho giai đoạn 2013-2015, đã bị chậm lại đáng kể. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này nhưng chủ yếu là do các doanh nghiệp nhà nước chưa sẵn sàng chấp nhận việc mất quyền quản lý sau khi cổ phần hóa, trong khi các cơ quan chịu trách nhiệm thúc đẩy, đôn đốc không làm hết nhiệm vụ cần thiết. Cho đến nay chỉ 76 trong số 432 doanh nghiệp nhà nước đã hoàn thành cổ phần hóa.
Dưới mắt các nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước thì kế hoạch cổ phần hóa của Chính phủ là đáng hoan nghênh, tuy nhiên cổ phần hóa cần phải có thực chất nghĩa là phải cải thiện thực trạng quản trị và điều hành làm sao cho được hiệu quả sau khi có sự tham gia từ nhà đầu tư nước ngoài cũng như khu vực tư nhân trong nước. Đây mới là mục đích nhắm đến, mà muốn vậy thì trong môi trường kinh doanh mới phải mạnh dạn loại bỏ các ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước (đặc biệt là ưu đãi về vốn và đất đai) giúp tạo bình đẳng cho khu vực tư nhân hoạt động thuận lợi.
Quyết tâm về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thể hiện qua các văn bản chỉ đạo là chưa đủ mà cần giải quyết nhanh chóng các vướng mắc trong khâu thực hiện.
Một trong những vướng mắc chính vẫn còn làm cho nhà đầu tư băn khoăn là vấn đề định giá tài sản và vướng mắc trong cơ chế khi tham gia đầu tư. Định giá tài sản cao, nhưng tỷ lệ cổ phần bán ra quá ít làm cho các nhà đầu tư nước ngoài khó có vai trò trong quản lý doanh nghiệp, từ quyết định kinh doanh đến chiến lược phát triển, thay đổi nhân sự…
Không những thế, nhiều công ty quốc doanh huy động vốn qua IPO thường mất hàng tháng thậm chí nhiều năm trời để khởi động giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Trường hợp cổ phần hóa ở Vietnam Airlines được cho là điển hình về cánh cửa hẹp với nhà đầu tư nước ngoài trong cổ phần hóa doanh nghiệp ở một số khu vực mà nhà nước vẫn còn muốn nắm giữ.
Khi Chính phủ công bố việc chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO) ở tổng công ty này hồi tháng 11 năm ngoái, người ta hy vọng rằng việc niêm yết cổ phiếu của một trong số ít các công ty được biết đến nhiều ở thị trường nước ngoài có thể giúp cho việc tăng tốc kế hoạch cổ phần hóa hàng trăm doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, IPO của Vietnam Airlines, mà trong đó một tỷ lệ 3,5% vốn được chào bán, đã không hấp dẫn nổi nhà đầu tư nước ngoài nào. Trong khi đó các ngân hàng trong nước, chủ nợ của Vietnam Airlines, là những người mua chính.
Với tỷ lệ chào bán thấp như vậy thì không có nhà đầu tư chiến lược nào quan tâm đến việc mua cổ phần của Hàng không Việt Nam. Các nhà đầu tư chiến lược đã từng bày tỏ muốn có một tỷ lệ cổ phần khoảng 15% để đủ điều kiện tham gia Hội đồng quản trị mới có thể thay đổi được nhân sự và tác động được đến quản trị. Còn nếu mua cổ phiếu của Vietnam Airlines theo điều kiện hiện nay thì đồng nghĩa với việc đưa tiền cho bộ máy cũ của Hàng không Việt Nam kinh doanh. Có lẽ chính vì vậy mà rất ít nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nào có thể chấp nhận được.
Các vấn đề trên đã khiến nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm các công ty tư nhân, nơi mà họ có thể làm chủ tới 100% trong một số tình huống, so với chỉ 49% ở một công ty nhà nước. Cũng đã có chủ trương nâng tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư trong các công ty nhà nước tới mức 60%, nhưng cho tới nay vẫn chưa được thực hiện.
Đây là sự lãng phí cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước.
Quá trình cổ phần hóa chậm hơn nhiều so với tiến độ mà Chính phủ đã đề ra là bởi còn không ít vấn đề của doanh nghiệp nhà nước chưa được giải quyết rốt ráo. Chẳng hạn khoản nợ của các tập đoàn và các tổng công ty trong diện cổ phần hóa sẽ như thế nào? Tất nhiên nhà đầu tư không liên can gì đến số nợ mà các doanh nghiệp này đã gây ra trước khi cổ phần hóa, vậy thì ai sẽ gánh chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Cổ phần hóa có một mục tiêu là làm thu hẹp quy mô được cho là nặng nề, kém hiệu quả của khu vực nhà nước, mở rộng không gian kinh doanh cho các khu vực kinh tế khác, trong đó có kinh tế tư nhân phát triển và đóng góp. Tuy nhiên, để quá trình cổ phần hóa diễn ra tốt, nhà nước phải đảm bảo toàn bộ quá trình được minh bạch. Cũng có ý kiến cho rằng, bán doanh nghiệp nhà nước ồạt cùng lúc có thể tạo nên nguồn cung lớn khiến việc định giá tài sản bị thấp. Đây chính là trường hợp của Liên Xô cũ cũng như các nước Đông Âu trước đây. Hậu quả là tài sản nhà nước bị thất thoát quá lớn. Do vậy phải thận trọng trong tiến trình đưa ra cổ phần hóa, đồng thời đi theo sức mua của thị trường tài sản.
Việc minh bạch hóa toàn bộ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, Nhà nước trong vai trò quản lý đã bán một phần tài sản của toàn dân thì người dân phải có quyền được biết không chỉ thông tin danh sách doanh nghiệp được bán mà cả thông tin về người mua và giá bán, đồng thời phải có một cơ chế giám sát để ngăn chặn được tệ nạn đi đêm của những cá nhân và tổ chức liên quan.
Các chuyên gia cho rằng để bảo vệ tài sản nhà nước và minh bạch hóa việc cổ phần hóa này, các quan chức của nhà nước trong các lĩnh vực chức năng liên đới cần công khai lợi ích của mình và tốt nhất là không được tham gia lợi ích vào mọi khâu đoạn, tiến trình của quá trình cổ phần hóa, dưới bất cứ hình thức, danh nghĩa nào.
Góc nhìn nhỏ về môi trường đầu tư Luật Doanh nghiệp 2014 bắt đầu có hiệu lực từ 1-7-2015 sẽ giải quyết được một số hạn chế chưa chặt chẽ và kém tích cực của Luật Doanh nghiệp 2005, nhất là đối với các trường hợp tranh chấp nội bộ ở các công ty cổ phần. Thực tế lâu nay cho thấy có một hình thức giống như “tranh chấp” đang diễn ra phổ biến ở các công ty cổ phần thuộc loại doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nói giống như “tranh chấp”, bởi mâu thuẫn giữa các nhà đầu tư và tổ chức pháp nhân đại diện phần vốn nhà nước có thể gây bế tắc một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là các xung đột về lợi ích cũng như về quyền kiểm soát được ẩn giấu một cách có vẻ rất đúng luật. Nguyên nhân là sự lệ thuộc trong sản xuất kinh doanh khi thu nhập doanh nghiệp chỉ đơn giản là gia công hàng hóa thuộc chuỗi giá trị của doanh nghiệp nhà nước trước đây mà nay là cổ đông sáng lập. Trong khi công ty cổ phần mới thành lập chưa đủ sức tự bươn chải do yếu về nhân lực cũng như thiết bị, công nghệ… thì việc không được hỗ trợ nguồn hàng như lâu nay trong chừng mực phản ánh thái độ tắc trách của cán bộ nhà nước được ủy quyền quản lý, giám sát phần vốn nhà nước ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần làm xấu môi trường đầu tư nói chung và làm nản lòng, lung lay niềm tin các nhà đầu tư. Có đến 97% trong tổng số các công ty cổ phần của cả nước là doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức đóng góp tới 40% GDP trong tài khóa 2014 đủ thấy tầm quan trọng của thành phần này. Thế nhưng trong năm qua không ít các doanh nghiệp nhỏ và vừa có yếu tố nhà nước bị lợi nhuận âm và ngấp nghé bên bờ vực giải thể, thậm chí phá sản. Có thể nêu cụ thể trường hợp một số công ty con thuộc hệ thống Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang lâm vào tình trạng này, trong đó Công ty cổ phần In sách giáo khoa (SAPCO) là một ví dụ. Công ty SAPCO xuất thân từ một xưởng in của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được cổ phần hóa năm 2006 với 32% vốn điều lệ được nhà xuất bản nắm giữ. Trong tám năm hoạt động, lợi nhuận càng ngày càng teo tóp, cho đến gần đây nhất, các quỹ phúc lợi là âm và cổ tức 2014 là 0. Sự lỗ lã của một doanh nghiệp là bình thường, nhưng trong trường hợp cụ thể này, nguyên nhân đình trệ của SAPCO có thể do (1) NXB Giáo dục Việt Nam chỉ định thầu nên SAPCO không thể chủ động để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, (2) Đại hội đồng cổ đông cũng như Hội đồng quản trị SAPCO đã đề nghị NXB Giáo dục Việt Nam cử giám đốc và kế toán trưởng để toàn quyền quyết định sản xuất kinh doanh, điều hành và quản trị công ty. Nhưng những yêu cầu không đúng luật và trái với nguyện vọng của Đại hội đồng cổ đông thì không thể thỏa hiệp được. Chính sự không nhất quán giữa nhà đầu tư và đại diện vốn nhà nước là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trì trệ của doanh nghiệp. Chu Nam Cương
|
Hoàng Hải (DNSGCT)