- 10,2 tỷ USD vốn Mỹ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam - con số không lớn. 15 tỷ USD từ ký kết các thoả thuận hợp tác, nhưng Việt Nam nhập khẩu là chính. Nhưng đừng nhìn con số, hãy xem doanh nghiệp Mỹ hiện diện như thế nào ở Việt Nam?

Chia sẻ với PV.VietNamNet sau chuyến thăm nước Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN, nhấn mạnh như trên.

Từ bán hàng sang đầu tư

Ngay khi mới nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donal Trump tuyên bố rút khỏi TPP đã gây ra không ít lo ngại về sự chững lại của FDI ở Việt Nam.

Tuy nhiên, mối quan tâm đến từ Mỹ luôn có một sự khác biệt. Câu chuyện của GE (General Electric) có thể là một ví dụ điển hình cho điều này.

Ông Vũ Tú Thành cho hay: "Khi đến Việt Nam, mô hình của GE chủ yếu là thương mại, bán những món hàng lớn cho Việt Nam như động cơ máy bay, tua bin gió cho nhà máy điện, thiết bị y tế,... với giá trị hàng trăm triệu USD đến cả tỷ USD/năm".

"Cách đây 2 năm, đánh giá nội bộ của GE về Việt Nam vẫn chỉ là một thị trường để bán hàng bởi các điều kiện về ổn định chính sách, công khai minh bạch ở Việt Nam chưa đáp ứng được mong muốn của tập đoàn", ông Thành tiết lộ.

{keywords}
Hoạt động sản xuất tại nhà máy sản xuất tua bin điện gió của GE tại Hải Phòng (ảnh: theo baodautu)

Thế nhưng, khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Giám đốc GE Power đã nói: Việt Nam là một địa điểm đầu tư hấp dẫn của GE!

Dẫn lại câu chuyện đó, ông Thành bình luận: "Thị trường Việt Nam trong mắt Tập đoàn GE rõ ràng đã khác, đã lên một cấp mới".

Năm 2010, GE đầu tư 61 triệu USD mở nhà máy sản xuất tua bin điện gió ở Hải Phòng và sau đó 3 năm, tăng vốn lên 100 triệu USD. Số lao động trước đây khoảng 600 công nhân, nay đã tăng lên 2.500 người. Và giờ đây, GE đã bắt tay với Tập đoàn PVN để cùng đầu tư nhà máy điện khí ở miền Trung.

Gần đây nhất, tháng 4, Chủ tịch GE sang thăm Việt Nam cũng đã chia sẻ về kế hoạch gắn bó lâu dài ở lĩnh vực năng lượng, hàng không và y tế.

"Một công ty có doanh số tương đương với GDP của Việt Nam, đầu tư 100 triệu USD chưa là gì với con số 10,2 tỷ USD tổng vốn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, nhưng đó là một bước thăm dò quan trọng, có thể coi là một thành công", ông Thành nhấn mạnh.

Không chỉ GE, trong nửa năm qua, dù TPP không còn là sợi dây kết nối Mỹ - Việt thì những tỷ phú Mỹ vẫn liên tục đến Việt Nam.

Tháng 3, một đoàn 29 doanh nghiệp cấp cao của Mỹ cũng đã đến Việt Nam với nhiều tên tuổi lớn như Google, Uber, Apple, Amway, Coca-Cola, Exxon Mobil, Ford, General Motors, MasterCard và Visa... để tìm kiếm và tăng cường cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.

Ngay tại buổi gặp gỡ báo chí khi đó, ông Marc Mealy, Phó Chủ tịch phụ trách Chính sách, Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN đã khẳng định, các doanh nghiệp Mỹ luôn mong muốn được đóng góp sức mình vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam, cam kết cả trách nhiệm xã hội trong quá trình làm việc tại Việt Nam.

Luồng sinh khí mới

Trở lại kết quả chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã có khoảng 20 hợp đồng hợp tác, biên bản ghi nhớ được ký kết với tổng trị giá gần 15 tỷ USD. Phần lớn trong đó là giá trị phía Việt Nam nhập khẩu các thiết bị của Mỹ.

Tuy nhiên, quan hệ kinh tế Việt - Mỹ không phải chỉ ở việc Việt Nam mua những gì ở Mỹ, hay Mỹ đầu tư vào Việt Nam bao nhiêu tiền mà còn nằm ở mối quan hệ hợp tác trực tiếp giữa doanh nghiệp 2 nước. Và trong đó, hình ảnh doanh nghiệp Việt mang chuông đánh xứ người với vị thế ngày càng được tăng cao hơn.

{keywords}
Lãnh đạo VNG và Phó chủ tịch sàn Nasdaq ký thoả thuận hợp tác

Đó là việc FPT, một đại gia công nghệ thông tin của Việt Nam đã có 2 thoả thuận hợp tác chiến lược với 2 Tập đoàn lớn của Mỹ, một với UPS - công ty dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực logistics nhằm cung cấp dịch vụ, giải pháp công nghệ và hai là xây dựng hệ thống điện toán đám mây cho GE.

Một dấu ấn lớn khác là VNG - một start - up công nghệ ở Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ với NASDAQ- sàn chứng khoán lớn nhất nước Mỹ về dự kiến niêm yết cổ phiếu. Nếu thành công thì đây sẽ là doanh nghiệp Việt IPO đầu tiên ở Mỹ, ghi dấu ấn trên thị trường tài chính thế giới. 

Ông Vũ Tú Thành nói thêm, sự hiện diện của Mỹ ở Việt Nam giờ đây là Google, Facebook, Uber, Apple,... là những thương hiệu của nền kinh tế số, nền kinh tế chia sẻ và sáng tạo của cách mạng công nghiệp công nghệ 4.0.

"Họ vẫn đang theo dõi và chờ đợi. Vấn đề là Việt Nam cần phải làm gì để tăng cường sự hợp tác với các thương hiệu này?", ông Thành nhấn mạnh.

Bình luận về điều này, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, ông Phan Hữu Thắng, chia sẻ, vấn đề cốt lõi chính là quyết tâm cải cách môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển của Chính phủ. Là nguyên thủ quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á tới thăm chính quyền Trump, các cam kết về "Chính phủ kiến tạo", của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thực sự khích lệ thêm niềm tin của nhà đầu tư Mỹ đối với Việt Nam.

Có thể thấy, trong 10 nước ASEAN, Việt Nam là nước đã cho phép Uber của Mỹ hoạt động ở Việt Nam. Với nhu cầu lớn của Việt Nam cần nhập khẩu các thiết bị, máy móc G7 từ Mỹ thì việc Mỹ thâm hụt thương mại 30 tỷ USD với Việt Nam mà ông Trump nêu ra chắc chắc sẽ được khắc phục.

"Trong bối cảnh chính trị khu vực hiện nay thì Việt Nam xứng đáng là một điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư Mỹ", ông Thắng phân tích.

Sau sự kiện Mỹ rút khỏi TPP, một luồng sinh khí đang lan toả và được thổi bùng lên khi hiện nay, hai nước Việt - Mỹ đã nối lại đối thoại về TIFA (Hiệp định Khung về thương mại và đầu tư đã ký năm 2007) và cũng dấy lên kỳ vọng có một FTA (Hiệp định song phương) trong tương lai.

Tháng 11 tới, nếu Tổng thống Trump tới dự Hội nghị APEC tại Việt Nam thì các hoạt động hợp tác doanh nghiệp hai nước sẽ còn diễn ra sôi động hơn nữa.

Phạm Huyền