Cổ tích alô, lướt web trên biển đã trở thành hiện thực. Ông lớn di động tiếp tục nhiệm vụ “ra khơi”, giúp cuộc sống của cư dân biển an toàn và tiện ích hơn khi tung ra gói cước mới với nhiều tiện ích.

Lần đầu tiên có gói cước riêng cho ngư dân


Ngày 16/8/2011 Viettel chính thức giới thiệu gói cước Sea+ dành riêng cho nhóm đối tượng đặc biệt: những cư dân sống trong phạm vi 3.200 km vùng biển gần bờ.

Gói cước Sea+ được thiết kế với những tính năng đặc biệt giúp cuộc sống của người dân ven biển và trên biển được an toàn và tiện ích hơn.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Công ty Viễn thông Viettel giới thiệu về gói cước Sea+

Khi đăng kí gói Sea+, người sử dụng sẽ được cung cấp miễn phí bản tin thời tiết biển (gồm bản tin hàng ngày, cảnh báo lốc xoáy, báo bão khẩn cấp), các số điện thoại cứu hộ (đồn biên phòng, lực lượng cảnh sát biển. đội cứu hộ, cứu nạn).

Điểm nhấn của gói cước là tính năng thông báo khẩn cấp bằng tin nhắn qua đầu số 1111. Sử dụng tính năng này, khách hàng được đăng kí tối đa 10 số điện thoại nhận tin nhắn khẩn cấp. Khi gặp sự cố, khách hàng chỉ cần nhắn tin tới đầu số 1111, tin nhắn sẽ tự động chuyển tới danh sách số điện thoại trong nhóm đã đăng kí.

Ngư dân thường ra khơi đánh bắt theo ngư đội và thời gian đi biển có khi kéo dài 2-3 tháng. Bởi vậy, Viettel giảm 50% cước gọi cho nhóm 10 số nội mạng (khách hàng đăng kí trước) đồng thời không giới hạn thời gian sử dụng gói Sea+ giúp việc liên hệ với bạn tàu, người thân dễ dàng và thuận tiện hơn.

Khách hàng có thể hòa mạng gói cước Sea+ không kèm máy hoặc đăng kí gói Sea+ kèm điện thoại Sumo V6202.

V6202 có các tính năng phù hợp với điều kiện sử dụng trên biển như pin lâu, sóng khỏe, phím bấm đơn giản, dễ sử dụng.

Từ chính sách tới hạ tầng công nghệ, tới việc cung cấp dịch vụ, gói cước Sea+ là bước cuối cùng hoàn thiện dự án viễn thông phục vụ biển đảo của nhà mạng quân đội Viettel.

Nỗ lực âm thầm, quyết tâm sắt đá

Thực hiện triết lý mạng lưới đi trước, để tiến tới việc cung cấp gói cước riêng phục vụ người dân ven biển và trên biển, Viettel đã tiến hành chuẩn bị hạ tầng công nghệ từ cách đây 5 năm.

Ông Tào Đức Thắng, Giám đốc Công ty Mạng lưới Viettel cho biết: “Năm 2004 vừa khai trương mạng di động thì ngay sang năm 2005, lãnh đạo Viettel đã tính tới việc phủ sóng ra biển đảo. Tuy nhiên việc triển khai lúc ấy gặp rất nhiều khó khăn nên dự định này phải tạm hoãn.

Đến đầu 2007, với quyết tâm mang sóng điện thoại đến với các cán bộ, chiến sỹ ở Trường Sa và thực hiện chỉ đạo của ban giám đốc, công ty Mạng lưới Viettel đã cử cán bộ ra khảo sát vị trí, điểm đặt các trạm BTS. Đây là nỗ lực của Viettel nhằm đưa đảo và biển ngày càng gần đất liền, vừa trực tiếp góp phần phát triển kinh tế biển, vừa tham gia bảo đảm quốc phòng - an ninh.”

Một trạm BTS biển đảo của Viettel
Song song với việc đặt trạm BTS tại các đảo, công ty Mạng lưới Viettel cũng được giao nhiệm vụ nghiên cứu tìm giải pháp phát sóng tầm xa để phủ sóng vùng ven biển. Sau hơn 2 năm nghiên cứu và thử nghiệm, tháng 7/2009, Viettel đã thành công nâng tầm phát sóng các trạm BTS. Tháng 9/2009, Viettel phủ sóng được vùng biển trong phạm vi 35km gần bờ. Và đến tháng 6/2010, nhà mạng này đã phủ sóng thành công trong phạm vi 100km ra phía biển. Đến thời điểm này, Viettel là nhà mạng duy nhất tại Việt Nam có hệ thống các trạm phủ biển, đảo và nhà giàn (phát sóng tầm xa 60-100km).

Trong suốt 2 năm, Viettel đã lặng lẽ trồng những cột BTS tầm xa, xây dựng những nhà giàn trên biển, không khai trương rầm rộ, truyền thông rộng rãi. Chỉ những người lính đảo, những người dân đi biển vào vùng sóng, thấy sử dụng được di động mới biết Viettel đã phủ sóng đến đây.

“Đến thời điểm này, chúng tôi mới ra mắt gói cước Sea+ và giới thiệu rộng rãi vì muốn đảm bảo người dân phải được sử dụng một dịch vụ ổn định, đi kèm các tiện ích thiết yếu trên biển như dự báo thời tiết, số máy của các trung tâm cứu hộ… Điều này chỉ có thể có được khi hạ tầng công nghệ đã hoàn thiện”, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Công ty Viễn thông Viettel cho biết.

Hướng tới hỗ trợ tìm kiếm trên biển

Năm 2006, sau khi cơn bão Chan-chu làm hàng trăm ngư dân thiệt mạng, nhiều vấn đề về an toàn, an ninh trên biển đã được nhìn nhận lại một cách cấp thiết. Làm thế nào để xác định được các ngư dân đang ở đâu, cần sự trợ giúp như thế nào, nhất là khi trời giông bão?

Sau đợt đó, chiếc máy Icom kết nối, trao đổi, tiếp nhận thông tin trực tiếp từ hệ thống đài duyên hải đã được trang bị trên mỗi tàu cá. Và giờ đây, sóng điện thoại di động phủ rộng trên vùng biển Việt Nam là một tầm cao mới của hệ thống thông tin liên lạc trên biển. Bởi về mặt công nghệ, có thể dò qua sóng di động để xác định tọa độ của thuê bao, từ đó đề ra phương án hỗ trợ kịp thời cho ngư dân.

  • Huyền My