Theo đánh giá của các chuyên gia tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ Điện tử 2016 với chủ đề “Hạ tầng hiện đại, dịch vụ công thông minh, tăng cường minh bạch và gắn kết công dân” diễn ra ngày 30/3 tại Hà Nội, thời gian qua, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của bộ máy nhà nước là nhiệm vụ cấp thiết cho sự phát triển của Chính phủ điện tử trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, lộ trình ứng dụng CNTT trong phát triển Chính phủ tại Việt Nam hiện đang gặp phải nhiều khó khăn thách thức như hạ tầng CNTT còn hạn chế khiến việc ứng dụng CNTT còn chậm, dịch vụ công còn chưa thực sự hoàn thiện, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dùng.
Thực tế này dẫn đến chỉ số phát triển CNTT-TT năm 2015 của Việt Nam chỉ xếp thứ 102/167, tụt 8 bậc so với năm 2014 (Theo khảo sát của Liên hiệp Viễn thông Quốc tế năm 2015).
Nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT phát triển chính phủ điện tử, ngày 14/10/2015, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử với kỳ vọng nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, phục vụ người dân cũng như doanh nghiệp tốt hơn cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế hội nhập.
Theo đó, Nghị quyết đặt mục tiêu năm 2015-2017 là giai đoạn trọng điểm trong quá trình phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam, phát triển chính phủ điện tử cần có sự phối hợp cải cách toàn diện 3 nhóm chỉ số bao gồm dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực là điều thiết yếu.
Từ năm 2015 - 2017 tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính…
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh: Nghị quyết 36a đã được ban hành là nền tảng ban đầu cho phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Để thực hiện thành công mục tiêu đặt ra, các địa phương, các bộ ngành cần quyết liệt thực hiện Nghị quyết.
“Nếu chưa có liên thông, chưa có kết nối thì chưa thể có Chính phủ điện tử”, ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh, đồng thời lưu ý vấn đề cấp thiết trong phát triển Chính phủ điện tử đó là cần liên thông toàn bộ hệ thống văn bản điện tử từ cấp xã, tỉnh đến Trung ương; phải phục vụ được người dân, doanh nghiệp, tích hợp lên 1 cổng quốc gia duy nhất để mọi người dân, doanh nghiệp có thể truy cập; cần phải có cơ chế, tài chính để xây dựng, thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT… phục vụ phát triển Chính phủ điện tử.
Cũng theo thông tin các chuyên gia trao đổi tại hội thảo, trong thời gian qua, Chính phủ luôn cố gắng tạo điều kiện phát triển ứng dụng CNTT trong các hoạt động của bộ máy nhà nước, điển hình như xây dựng các dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo dựng một chính phủ minh bạch, thuận tiện và gần dân.
Thực tế đó đã phần nào thể hiện rõ nỗ lực cũng như quyết tâm của các Bộ, ngành trong phát triển ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và phục vụ dân sinh. Tuy nhiên bên cạnh các kết quả tích cực đạt được thì một số tồn tại hạn chế vẫn còn hiện hữu cần các cơ quan chức năng quan tâm phối hợp giải quyết triệt để, hiệu quả hơn nữa như các dịch vụ công chưa được đồng bộ hóa, khả năng tiếp cận chưa cao và tính tương tác chưa đủ đáp ứng nhu cầu người dùng...