Quyết liệt trong chống tham nhũng
Tôi gặp ông Lê Khả Phiêu khi ông còn đương kim Tổng bí thư. Lúc đó chúng tôi công tác ở bộ phận A47 chuẩn bị cho việc thành lập Ban nghiên cứu của Bộ Chính trị về An ninh quốc gia do ông Nguyễn Đình Hương phụ trách và ông là người trực tiếp chỉ đạo (sau này Ban đó do ông Lê Minh Hương làm trưởng ban).
Ấn tượng của tôi về ông là con người cởi mở, dễ gần.
Với việc chống tham nhũng, ông là người rất quyết liệt, cả khi còn đương chức và khi ông đã về nghỉ.
Câu nói về chống tham nhũng của ông làm tôi nhớ nhất: “Đã tắm thì phải gội đầu”, tức là phải bắt đầu từ cấp cao nhất, khi ông trả lời phỏng vấn của chúng tôi.
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 13, tháng 7/2011. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa 8 là minh chứng cho sự quyết liệt đó khi ông còn đương chức.
Trước yêu cầu mới ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, trong Đảng bộc lộ một số yếu kém: Sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ không nghiêm; bộ máy tổ chức Đảng và Nhà nước chậm củng cố và đổi mới.
Ban chấp hành Trung ương Đảng đã triệu tập hội nghị lần thứ 6 (lần 2), nhấn mạnh đến tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng thực hiện tự phê bình và phê bình. Tập trung chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu có hiệu quả.
Sau này, khi trả lời phỏng vấn báo chí, ông nhấn mạnh rằng tình hình thực tiễn lúc đó đòi hỏi phải tiến hành chỉnh đốn Đảng, phải chống cho bằng được tình trạng tham nhũng, suy thoái của một bộ phận đảng viên.
Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng từ khi có Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều thời kì chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
Và Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là sự tiếp nối Nghị quyết hội nghị Trung ương 6 (lần 2).
Quan trọng nhất phải hành động
Khi ông về nghỉ, chúng tôi có nhiều lần gặp phỏng vấn về vấn đề tổ chức cán bộ, tham nhũng và chống tham nhũng. Ông cho rằng công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng quan trọng nhất phải hành động, bắt đầu từ cấp cao nhất là Bộ Chính trị, để mọi việc không phải là “khẩu hiệu”.
Ông nói, nếu một đảng viên cấp cơ sở suy thoái, hư hỏng sẽ chỉ ảnh hưởng đến cơ sở nhưng một người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, người giữ trọng trách cao trong Đảng, trong bộ máy nhà nước mà hư hỏng thì hại cho Đảng, hại cả quốc gia, dân tộc.
“Bệnh đã chẩn. Thuốc đã bốc. Nhưng thuốc kê giải bệnh phải uống để chỉnh đốn Đảng không phải là khẩu hiệu. Tôi cũng đã nêu nhiều lần rằng vai trò tiên phong ‘uống thuốc giải bệnh’ phải là Bộ Chính trị, cần sinh hoạt dân chủ, thẳng thắn tự phê bình và phê bình những yếu kém, tồn tại để làm gương cho cấp dưới”.
Bộ Chính trị làm trước, rồi đến Trung ương
Ông nói: “Đã tắm phải biết gội đầu. Bộ Chính trị làm trước, báo cáo trước Trung ương đã phê bình, tự phê bình đến đâu, Trung ương có ý kiến, rồi đến lượt Trung ương làm”.
Trung ương 4 nêu thực trạng suy thoái nhưng theo ông, cần làm rõ suy thoái về tư tưởng chính trị là gì, nghiêm trọng như thế nào. Và Trung ương, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đội ngũ cán bộ chủ chốt của các Ðảng bộ trực thuộc Trung ương cần tự phê bình và phê bình để làm rõ có hay không có sự mơ hồ, dao động về CNXH và con đường đi lên CNXH.
Vì sao có sự phai nhạt lý tưởng? Sự suy thoái về tư tưởng chính trị dẫn đến sự suy thoái trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đạo đức, lối sống. Phải chăng đó là sự suy thoái từ ý thức hệ, là sự phai nhạt lý tưởng XHCN?
Không có cơ chế giám sát đồng bộ đầy đủ sẽ khó, khi mà đồng tiền vẫn có thể len lỏi, chi phối. Chống tham nhũng đã trở nên quá cấp bách rồi.
Ông cũng chỉ ra rằng tình trạng “bầu bán hiện nay” khó chọn được người tài. Tình trạng "mua lòng nhau để kiếm phiếu" vẫn còn.
Nói về công tác cán bộ, những ý kiến của ông vẫn còn nguyên giá trị. Ông cho rằng Đảng phải đổi mới trong công tác cán bộ, từ việc bố trí, sắp xếp, đề bạt, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo ở Trung ương, các đoàn thể cho đến các địa phương.
Cán bộ Đảng, nhà nước các cấp là cán bộ của nhân dân, cho nên phải thực hành dân chủ rộng rãi trong việc tham khảo ý kiến nhân dân, đánh giá, giới thiệu, đề cử, ứng cử, kiểm tra, thảo luận và bầu cử từ đại hội chi bộ lên đến Đại hội Đảng toàn quốc.
Nhất thiết không giới thiệu, không đưa vào danh sách, không bầu cử những người tham nhũng và thiếu trách nhiệm trong chống tham nhũng, những người không kiên định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, không có khả năng thực tế, thiếu gắn bó với nhân dân, không dũng cảm tự phê bình và phê bình. Đấu tranh loại bỏ tệ chạy chức, chạy quyền, mua lòng nhau để kiếm phiếu.
Với ông, làm cán bộ là phải gương mẫu, gương mẫu trong lời nói, trong hành động, có như vậy mới làm gương và lôi kéo được quần chúng, mới tạo ra được phong trào cách mạng.
Nguyễn Đăng Tấn
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu: Đảng không để ‘người trung mắc nạn, kẻ gian vui mừng’
Quần chúng không sợ hi sinh, chỉ sợ hi sinh không được tổ chức biết. Đảng dứt khoát không làm “người trung mắc nạn, kẻ gian vui mừng” - nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nói.