Tiệm sách “3 không”

15h mỗi ngày, tiệm sách nhỏ của ông Nguyễn Ngọc Cần (68 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM) lại mở cửa đón bạn đọc. Giữa những căn hộ hạng sang, tiện nghi, sầm uất trên cung đường Nguyễn Hữu Cảnh, tiệm sách nhỏ của ông Cần tĩnh lặng và an nhiên lạ thường.

{keywords}
 ông Nguyễn Ngọc Cần

Nếu người ta lựa chọn mặt phố để kinh doanh thì ông Cần lại dành hẳn không gian phía trước ngôi nhà để mở tiệm sách “3 không”. Cạnh bên, ông cho người ta thuê mở quán cà phê. Hoạt động của quán cũng rất đỗi nhẹ nhàng, thích hợp cho bạn đọc tĩnh tâm đọc sách, chiêm nghiệm sự đời.

Nguồn thu từ việc cho thuê mặt bằng được ông Cần dùng vào việc mua thêm sách, tạo sự phong phú cho cửa tiệm. “Sách ở tiệm của tôi bán rẻ hơn những nơi khác. Khách mua rồi được trả lại, mượn không cần đặt cọc tiền, không cần ghi sổ, không quy định thời gian trả và khách muốn giữ thì tặng luôn cũng chẳng sao”, ông Cần chia sẻ, rồi cười hồn hậu.

Dẫu bạn đọc có lấy trúng cuốn sách quý rồi mang đi “biệt tích”, ông Cần cũng không màng. Bởi, theo lý lẽ của ông, sách quý có mất đi thì sẽ lại có cuốn khác. Ông chỉ mong kiến thức trong những cuốn sách được truyền sang người khác.

Với quan niệm “cho đi là còn mãi”, ông Cần được nhiều người khác ủng hộ, gửi biếu sách cho cửa tiệm. Ông nói: “Nhiều người gửi sách đến cửa tiệm cho tôi. Nếu thấy sách dư nhiều quá, tôi sẽ chuyển đến những vùng sâu, vùng xa cho các em học sinh. Sách văn học, y học, triết học, Phật học… thể loại nào cũng được gửi đi rộng rãi”.

Nhìn từ bên ngoài, tiệm sách của ông trông thô sơ, giản dị đến nghèo nàn. Tuy nhiên, bước vào bên trong, khách sẽ choáng ngợp bởi số lượng sách khổng lồ. Trong không gian chật hẹp, sách ngự trị khắp nơi. Sách hiện diện trên các kệ sắt, vắt vẻo trên thành cầu thang, hành lang, trần nhà…

Ông chủ tiệm kiêm người gỡ rối tơ lòng của sinh viên

Tính đến nay, cửa tiệm nhỏ của ông Cần đã có hơn 10.000 đầu sách, mỗi đầu sách lại có thêm đủ loại sách khác nhau. Sách tại tiệm được ông phân loại, sắp xếp một cách gọn gàng, ngăn nắp theo trình tự nhất định. Số lượng sách phong phú và dồi dào cũng nhờ ông Cần siêng năng đi tầm sách vào thời gian rảnh rỗi. Ngoài giờ làm, ông Cần đều bỏ công đến các hiệu sách lớn nhỏ, tìm loại sách mà cửa tiệm “3 không” của mình còn thiếu.

{keywords}
Thư viện sách của ông Cần. 

Ông bỏ tiền túi mua rồi chở về tiệm sắp xếp gọn gàng. Ông không màng thống kê số sách bị mất đi mà chỉ biết lẳng lặng mua bổ sung. Ông kể: “Lúc còn trẻ, tôi là con mọt sách nhưng nhà nghèo, không có tiền mua để đọc. Tôi chỉ đi vào mấy quầy sách đọc lén. Sau này, có tiền, đi đâu có sách hay, tôi đều cố gắng bằng mọi cách để mua, đổi đem về đọc”.

Thói quen đó đeo đuổi ông mãi đến bây giờ. Dù đã cao tuổi nhưng hễ có tiền, ông Cần lại đi mua sách. Ông nói rằng, nếu không mua sách, ông không thấy thoải mái, không thấy vui trong người. Biết thú vui và công việc đầy ý nghĩa của ông, người nhà không khó chịu, than phiền mà thầm lặng đứng sau vun vén, giúp ông thỏa ước nguyện.

Nhiều người đến mượn sách, đọc sách rồi thành bạn của ông. Trước đây, khách của tiệm chủ yếu là người già, sau này có nhiều bạn trẻ hơn. Ông Cần luôn tạo sự thân mật cho khách. Ông kể rằng, có nhiều bạn trẻ đến tiệm sách của ông mang theo nhiều nỗi niềm, muộn phiền về gia đình, cuộc sống, tình cảm.

Đến lâu thành quen, nhiều bạn trẻ thấy tính ông dễ chịu, thân tình nên mạnh dạn nói lời ruột gan. Những lần như vậy, ông đều lắng nghe rồi tìm cách giúp đỡ các bạn vượt qua khúc mắc. Sau nhiều lần như vậy, ông bỗng nhiên trở thành ông lão gỡ rối tơ lòng của các bạn sinh viên.

Ông nói, tiếp những người yêu sách là sinh viên, ông thấy trong họ có bóng dáng của mình thời trai trẻ. Thế nên, khi được các bạn mạnh dạn chia sẻ những khúc mắc trong lòng, bằng kinh nghiệm sống và lòng chân thành, ông đều có những lời khuyên xác đáng. Nhiều lời khuyên như thế đã giúp không ít bạn sinh viên vượt qua cơn bão lòng.

Hôm PV ghé tiệm sách, ông Cần đang mải mê pha những tách cà phê cho khách xem sách. Ông nói, từ lâu, tiệm sách nhỏ của ông đã chuẩn bị sẵn cà phê, trà, mì tôm… Khách đến tiệm đọc, thuê sách nếu có nhu cầu cứ lấy sử dụng miễn phí.

Ông nói, việc làm này xuất phát từ những lần ông thấy một số sinh viên miệt mài đọc sách mà quên cả ăn uống hoặc nhịn đói để có tiền mua sách, tài liệu để nghiên cứu. Thấy việc làm của ông cần thiết và đầy ý nghĩa, nhiều mạnh thường quân cũng chung tay ủng hộ.

Đến nay, ông không cần phải bỏ tiền túi ra để mua thức uống, mì tôm cho khách nữa. Cũng như sách, được người ta tặng nhiều đồ uống, thức ăn, ông lại phân loại đem tặng lại cho người khó khăn hơn.

Khi được hỏi, ông chỉ cười tươi rồi nói rằng: “Sống ở đời, mình mang nợ nhiều lắm nếu giúp được ai thì nên giúp” rồi kết thúc buổi trò chuyện bằng câu nói “cho đi là còn mãi”.

Cụ ông U90 kể 'tuyệt chiêu' tán đổ người tình năm xưa

Cụ ông U90 kể 'tuyệt chiêu' tán đổ người tình năm xưa

Cụ ông Tô Văn Trạc (88 tuổi) đã tiết lộ "tuyệt chiêu" ông từng dùng để tán tỉnh cô bạn gái dễ thương khiến MC và khán giả "cười ngất".

Nguyễn Sơn