Đi dọc theo cầu Long Biên (Hà Nội), có con dốc nhỏ hun hút dẫn vào xóm Phao trên bãi đất nổi ven bờ sông Hồng. Đây là sinh sống của gần 30 hộ dân với hơn 100 người - từ khắp các tỉnh thành đổ về.
Ông Nguyễn Đăng Được |
Trước năm 2000, người dân xóm Phao hầu như không có giấy tờ tùy thân. Những trẻ sinh ra không có hộ khẩu, không có giấy khai sinh, không được đến trường.
Ông Nguyễn Đăng Được (74 tuổi, người Quảng Bình) là một trong những người đầu tiên sinh sống trên bãi đất bồi này. Việc bọn nhỏ không được đi học luôn khiến ông trăn trở.
Xuất phát từ nỗi niềm này, năm 2002 với sự giúp đỡ của các sinh viên tình nguyện, ông Được mở một lớp học để dạy chữ cho trẻ con trong xóm. Nói là lớp nhưng thực chất chỉ là cái lán tạm bợ, căng tạm bằng tấm vải bạt cùng vài chiếc ghế nhựa do ông nhặt nhạnh từ bãi phế thải mang về.
Đều đặn vào mỗi tối cuối tuần, nơi đây lại ê a tiếng đánh vần của sắp nhỏ. Sau một thời gian, các em nhỏ xóm Phao cũng biết viết tên mình, đọc chữ rành mạch mà không còn ấp úng nữa.
Ông Được sau đó còn cất công động viên các gia đình, rồi cùng người dân lặn lội về địa phương xác minh lý lịch, làm cơ sở đăng ký giấy khai sinh cho trẻ con.
Giờ đây, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các em nhỏ xóm Phao đều đã được đến trường. Lớp học của ông Được cũng dừng lại từ đó.
Thư viện đặc biệt
Ở xóm Phao này, còn có một thư viện đặc biệt dưới căn lán rộng hơn 20 m2. Đây là thư viện nhỏ mà ông Được dùng số tiền tích góp ít ỏi của mình sau nhiều năm, thuê đất dựng nên, với mong muốn trẻ con ở đây có thêm niềm vui đọc sách.
Những ngày đầu, số sách thư viện có được chủ yếu đều do ông Được thu gom, nhặt nhạnh từ hàng sách cũ đưa về. Dần dần, số sách lên tới cả trăm cuốn, được xếp ngay ngắn, gọn gàng và phân loại thành nhiều nhóm khác nhau với dòng ghi chú cẩn thận: sách lịch sử, truyện tranh, sách khoa học, tập vở,….
Sau một thời gian họat động, các nhóm tình nguyện đã tặng thêm cho thư viện nhiều cuốn sách khác.
Đây luôn là nơi tập trung đông đúc trẻ con nhất xóm Phao. Buổi chiều hàng ngày, sau khi tan học, những đứa trẻ nơi đây lại tíu tít ghé thư viện để mượn sách về đọc.
“Em thường đến thư viện để mượn sách mang về nhà. Em thích nhất là sách về các nhà khoa học, đọc đi đọc lại mãi không chán” - Nguyễn Đức Phong, học sinh lớp 4A4, Trường Tiểu học Nghĩa Dũng kể.
Ngoài ra, khoảng đất trống trước thư viện cũng được dành làm sân chơi cho bọn nhỏ. Với sự hỗ trợ của kiến trúc sư Chu Kim Đức, một sân chơi di động đã được dựng lên. Những chiếc cầu trượt, xích đu nhiều màu sắc được khéo léo tạo ra từ lốp xe cũ và mảnh gỗ thừa ghép lại. Trẻ có thể tự sáng tạo, tự chơi những trò chơi theo trí tưởng tượng của mình.
“Những thiếu thốn mưu sinh không đáng sợ bằng trăn trở con cháu mai sau lại sống bấp bênh như mình. Chỉ còn cách đi tìm con chữ may ra các cháu nơi đất bãi nghèo này mới mong được cuộc sống ấm no hơn. Đời chúng tôi khổ rồi, mong các cháu được học hành tử tế, đi ra hòa nhập thế giới ngoài kia”, ông Được bộc bạch.
Ngọc Linh
8x người Việt vào top 100 phụ nữ có ảnh hưởng năm 2020
Trong suốt 6 năm qua với nỗ lực xây dựng hơn 180 sân chơi cộng đồng từ vật liệu tái chế cho trẻ em Việt Nam, kiến trúc sư Chu Kim Đức được vinh danh trong top 100 phụ nữ có tầm ảnh hưởng năm 2020 do BBC bình chọn.