Ông Hiệp “khùng" là tên thân mật người dân chỉ đường tới nhà ông Nguyễn Thế Hiệp (ngõ 879 Đê La Thành, Hà Nội) gọi ông. Từ khoảng 300m nhìn vào sân, chúng tôi ngỡ như chuẩn bị họp xóm - sân có bàn nước, ghế xếp hai hàng, người dân ngồi bao quanh...
rò chuyện mới hay, họ đều là những người có gia cảnh khó khăn được ông "dẫn" về trọ. Lần đầu chúng tôi đến, ông đi Sài Gòn thăm bà con. Trong câu chuyện không đầu không cuối, những người ở trọ nhà ông đồng thanh: "Ông ấy tốt lắm. Chúng tôi có người nhà nằm viện có phước mới gặp được ông. Ông cho chúng tôi ở miễn phí, cho mượn đồ đạc sinh hoạt nếu cần...". Sao lại miễn phí? - Mỗi ngày ông lấy 10.000 - 15.000 đồng/ người, nhưng được dùng mọi tiện ích nên chúng tôi coi như miễn phí.
Gương mặt họ ai cũng niềm nở, dù sau nụ cười đầy lo toan. Mỗi người một cảnh: Người từ Nghệ An có con bị bại não, người có cháu mổ tim, người từ Lào Cai đưa con xuống mổ lần hai được ông coi như người nhà...
Đầu giờ sáng lần 2 chúng tôi quay lại khu trọ của "ông Hiệp khùng". 15 phút sau ông xuất hiện với túi quà. Bọn trẻ đi viện nhìn thấy ông vào bật dậy nhận quà. Ông cho mỗi đứa cái bánh rán rồi động viên "mau khỏe ông cho đi thăm sở thú"
Nói rồi ông quay sang chúng tôi: "Đã có trẻ đi viện lần 2 mà xuống xe là chạy vào nhà ông Hiệp, đòi ở với ông Hiệp chứ không đi đâu!".
Bà Lương Thị Thuần (64 tuổi ) vợ ông Hiệp cho hay, ngay từ khi chồng mới bắt đầu mở khu trọ cả nhà không chút phân vân. "Bản thân ăn chay niệm Phật nên việc chồng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn tôi một lòng ủng hộ" - bà nói.
Khu trọ do ông quán xuyến vì thế không tránh khỏi những lúc ông không chăm lo được cho gia đình. Có khi cả tuần mới về ăn cùng gia đình được bữa cơm...
"Tôi và chồng đã phân chia rõ ràng, ông lo khu trọ giúp đỡ các cháu bệnh nhi, làm việc thiện. Tôi là hậu phương ở nhà chăm lo cho gia đình, nên ông không phải suy nghĩ gì nhiều" - bà chia sẻ.
Ông Nguyễn Thế Hiệp sinh năm 1947 trong gia đình trí thức nông thôn, 5-6 đời làm nghề dạy học. Đã có thời gian đi bộ đội năm 1979. Năm 1985 xây dựng gia đình ở Thái Nguyên, công việc không thuận nên nghỉ.
"Năm 1995 về Hà Nội, tôi mua được căn nhà 36m2. Khi đó tôi đã dành 1-2 buồng cho những người khó khăn ở" - ông cho biết.
Năm 2008, khu trọ được mở rộng ra, đến nay mỗi ngày có hàng trăm lượt khách tới trọ. Những nhà gần kề có đất không ở hết, tôi thuê lại để thực hiện ước mơ "giúp được nhiều hoàn cảnh khó khăn càng tốt".
Hàng trăm lượt khách tới trọ hàng ngày, không chỉ riêng người nhà có bệnh nhân nằm viện, người khó khăn vùng sâu vùng xa - mà cả những hoàn cảnh khó khăn cơ nhỡ (đi đánh giày, xe ôm, cắt tóc).
Nhiều người hỏi tôi sao lại theo đuổi mô hình này - vì hàng ngày tôi tiếp xúc với rất nhiều hoàn cảnh khó khăn lang thang, cơ nhỡ, vỉa hè, ghế đá... Có những người đi xin cháo từ thiện ăn qua ngày... Xuất phát từ tâm và tình thương của mình - hạnh phúc của tôi là làm được nhiều việc giúp cho nhiều người...
Rồi ông dẫn tôi tới căn nhà ông ở: Tầng 1, 2 đều dành cho người ở trọ. Chỗ ngủ của ông chỉ còn lại một ô nho nhỏ đủ để duỗi chân lúc mỏi mệt. Đồ dùng: xoong, nồi cơm điện, bếp ga, phích nước, móc quần áo, sân phơi... dành hết cho người ở trọ. Họ cần mượn gì ông cho mượn cái đó. Họ muốn gửi tiền (vì người nhà nằm viện lâu) ông ký biên nhận và giữ giúp....
Nói đoạn ông leo thoăn thoắt lên trần nhà phơi đồ cho người ở trọ.
Cô Thúy (Thanh Hóa) kể: Ông hơn tôi gần 20 tuổi mà leo cầu thang thoăn thoắt. Cứ 5h sáng, ông leo lên phơi đồ cho cả khu trọ. Trời mưa thì ông lại gom đồ cất giúp... Ở trọ ông chỉ lấy 15.000 đồng/ngày, được dùng nước nóng thoải mái, wifi miễn phí, cần đồ gì ông cho mượn. Thậm chí hết gạo nấu cơm ông cho gạo nấu.
Bởi vậy mà hai mẹ con cô Nguyễn Thị Hương (Nghệ An) đã ở trọ nhà ông được 2 năm nay. Năm đầu ông lấy giá như mọi người. Sang năm thứ hai, ông không lấy tiền vì con gái cô phải nằm viện trường kỳ do căn bệnh não phát triển. Cô bảo: Con gái nằm viện lòng tôi rối bời, gặp được người tốt như ông Hiệp tôi thấy ấm áp.
Ông "khoe" tại buổi tổng kết xây dựng gia đình văn hoá, ông đã tạo scandal vì phường mời lên khen thưởng.
"Họp xong tôi xin gặp Bí thư đảng ủy 15 phút để nêu ý kiến cá nhân: Tôi làm không phải để được khen thưởng, tôi rất trân trọng quyết định của phường. Lý do, khi đưa ra Hội đồng khen thưởng vẫn còn một số ý kiến trái chiều cho rằng tôi làm là vì thành tích. Hơn nữa, khi báo có những phản ánh về việc làm của tôi thì phường chưa một lần vào nhà xem tôi làm ăn như thế nào. Không phải tôi không nhận khen thưởng mà xin gửi lại để bảo lưu khi nào phường xuống kiểm chứng tôi là người tốt thật, tôi sẽ nhận giấy khen" - ông nói.
Ở nhà trọ khác có tiền thì ở không có thì chào, nhà trọ của tôi không có tiền vẫn cho ở, cho ăn, thậm chí cho tiền tàu xe.... “Tôi cho cả trăm người vay rồi, không bao giờ lấy lãi. Tôi tin rằng người tốt còn rất nhiều. Chưa có ai quỵt nợ của ông già này cả” - ông niềm nở.
Hiện có 42 buồng, có 2 buồng của tôi. Còn lại 40 buồng đi thuê - 30 triệu/tháng. 15.000 đồng/người hay 80.000 đồng/buồng đều được đối xử như nhau, tiện ích bình đẳng như nhau.
Khu trọ tồn tại được bao nhiêu năm nay là bởi khu trọ không khi nào trống phòng. Hàng ngày có 100 người đến. Hơn nữa, họ đến ở qua 1 đêm, hay vài tiếng giá cũng không hơn.
Mọi người vẫn thường thấy một người đàn ông mang tờ rơi đi khắp Bệnh viện Nhi "quảng cáo” về khu trọ 15.000 đồng của mình. Có người không tin, có người nghi ngờ ông là “cò mồi”, lôi kéo khách ăn tiền. Nhưng ông quan niệm: “Muốn giúp người trước hết phải có cái tâm cái đức, sau là tùy vào điều kiện mình có. Tôi không giàu có về tiền nhưng giàu cái tâm. Tôi mở khu trọ chẳng lãi lời bao nhiêu, giúp người theo cách tất cả đồng giá 15.000 đồng, người ở ít bù cho người ở nhiều, lá lành đùm lá rách”.
Hơn 20 năm, ông từng chứng kiến hàng nghìn số phận đi ở khu nhà trọ. Giúp đỡ không biết bao nhiêu cảnh đời khó khăn... nhiều người bảo ông là khùng khi cứ lo việc thiên hạ, tự lấy dây buộc mình. Nhưng với ông, san sẻ được phần nào cùng người nhà bệnh nhi, người khó khăn cơ nhỡ thì ông đều gắng hết sức.