- HLV Lê Thụy Hải cho rằng, việc để xảy ra trò hề sân Thống Nhất lỗi là ở người cầm trịch, sao lại kỷ luật cầu thủ. Ông đề nghị, phải xem lại công tác trọng tài, xem lại công tác của VFF.
Rất nhiều án phạt nặng đã được Ban kỷ luật VFF đưa ra với các cá nhân cũng như tập thể CLB Long An sau sự cố trên sân Thống Nhất. Theo ông, những án phạt này có hợp lý, đúng người đúng tội?
HLV Lê Thụy Hải: - Theo tôi, án phạt dành cho đội Long An, nếu đúng ra phải xử xuống hạng. Nhưng đây là giải đấu chuyên nghiệp nên ta phải xử theo đúng quy định, điều lệ. Vậy theo điều lệ thì phải phạt người làm chủ. Đầu tiên, ông Võ Thành Nhiệm phải chịu trách nhiệm và anh ấy đã chịu trách nhiệm rồi. Sau đó thì ông Nhiệm cũng đã bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá trong 3 năm.
Còn các HLV, cầu thủ, vì sao lại phạt họ nặng như thế? Không có HLV nào tự nhiên chỉ đạo cầu thủ không được đá, mà phải là từ trên. Anh Nhiệm đã xin lỗi công luận, người hâm mộ tức là đã chịu trách nhiệm về mình.
- Đừng có kỷ luật cầu thủ. Cầu thủ không có lỗi gì cả. Lúc đó cầu thủ cũng không thể nói “chú Nhiệm ơi chú bảo thế chúng cháu không nghe”. Chẳng cầu thủ nào dám nói thể cả.
Theo ông Hải, cầu thủ chỉ là con tốt thí của người cầm trịch |
Một trận đấu được xem như trò hề ở V-League đã để lại hình ảnh rất xấu về bóng đá Việt Nam. Chúng ta cần nhìn nhận vụ việc theo hướng như nào để tìm ra nguyên nhân, qua đó rút kinh nghiệm cho những trận đấu sắp tới, nhưng dường như cầu thủ đã trở thành con tốt thí trong cuộc chơi này?
- Tại sao trận đấu bị vỡ phải tìm ra đâu là nguyên nhân chứ. Nhưng cuối cùng những người có trách nhiệm xử lý vụ việc lại không nhìn ra ai cả. Trọng tài đúng, giám sát đúng, lãnh đạo đúng, vậy thì ai là người sai?
Vậy thì cầu thủ là người sai chứ còn ai. Họ trở thành con tốt trên bàn cờ. Con tốt có đi lên, đi xuống hay đi ngang là do người cầm trịch.
Nói như ông thì cầu thủ mới là người chịu thiệt nhất, nhưng họ lại không đáng phải như vậy?
- Đúng vậy. Quan điểm của tôi là không nên kỷ luật với các cầu thủ, mà chỉ nên răn đe bằng hình thức cảnh cáo hoặc có thể treo giò 1 trận, như vậy thôi. Chứ một cầu thủ đang thi đấu mà cấm họ 2 năm thì có làm ăn gì nữa không? Mà cầu thủ đã nghỉ thì nói như nào cho đúng đây, nếu nói quá thì họ chết đói đấy!
|
Cầu thủ khi đó đố dám không nghe lời ông Nhiệm đang hăng máu. Ảnh: Gia Khánh |
Các cầu thủ làm gì? Cả cuộc đời cầu thủ từ trẻ đến giờ đam mê, thích chơi, giờ mình cắt cái chơi cũng chẳng khác nào cắt cuộc sống của họ.
Tại sao mình làm thế, hóa ra mình thí một con tốt để dàn hòa mọi cái. Như vậy là không nên. Bóng đá có một cái khổ là nhiều người nhìn thấy, nhiều người nghe thấy, rất ầm ĩ theo cách nhìn mỗi người. Thế nhưng trong xã hội còn có rất nhiều thứ lớn hơn nhiều và người ta không nhìn thấy hay im lặng.
Chúng ta phải xem tổng thể xã hội, làm sao để cầu thủ yên tâm chơi. Tôi khẳng định lại một điều là không cầu thủ nào dám làm nếu không có chỉ đạo.
Còn về công tác trọng tài, rõ ràng là Long An đã bị ức chế rất nhiều mới phản ứng như vậy?
- Đây là lỗi hệ thống và từ rất lâu rồi. Cầu thủ cũng như lãnh đạo các đội bóng họ mất niềm tin.Từ chỗ mất niềm tin và thường xuyên bị như vậy, sẽ dẫn đến ức chế.
Đây là cơ hộ để các đội bóng bùng phát lên. Cơ hội ấy do trọng tài gây ra.
Chúng ta phải nói như thế cho đúng chứ đừng xem một, hai tình huống đội Long An bị thổi phạt đền, mà hãy nhìn cả trận đấu, xem trọng tài thổi như nào, có ép đội Long An hay không, có bênh đội kia không. Phải có sự công bằng chứ đừng đổ lỗi cho ai cả.
Tình huống dẫn đến trò hề trên sân Thống Nhất:
Ví dụ trường hợp thổi phạt đền ở phút 80, nhiều trọng tài nước ngoài nói đúng, nhưng quả bóng không rơi vào chỗ hai cầu thủ. Quả bóng ấy chưa dẫn đến bàn thắng được, thì đương nhiên không thể thổi phạt đền. Hai cầu thủ đều dùng sức va chạm lẫn nhau chứ không phải người kia nhảy lên còn người này đẩy. Cả hai cùng chạy vào chỉ khác đường thôi. Đó là lỗi nhận định của trọng tài.
Nói đến công tác trọng tài yếu kém chúng ta cũng cần phải nói tới cả bộ máy quản lý, điều hành, thưa ông?
- Tôi xin nhắc lại là nguyên nhân trận đấu bị vỡ phải do người cầm trịch. Bóng đá Việt Nam phải học thế giới. Hai cầu thủ tranh bóng trên sân mới để người ta xem, chứ chẳng ai xem mấy ông trọng tài. Trọng tài chỉ là người cầm cân nảy mực, nhưng cán cân công lý làm sao phải chính xác, đúng lỗi, để cho người ta được chơi.
Chúng ta phải xem lại công tác trọng tài, xem lại công tác của Liên đoàn. Đây là hệ thống lâu rồi và bây giờ mới xảy ra như vậy. Nói cho thật lòng là “thượng bất chính hạ tắc loạn”.
Khán giả Việt Nam đã phí tiền khi mua vé vào sân xem một giải đấu như vậy? Ông cho rằng chúng ta đã mất niềm tin vào bóng đá nước nhà?
- Đấy là điều đương nhiên. Tất cả những người xem bóng đá, họ cũng như tôi, đều mong muốn bóng đá tốt lên, bắt nhịp với thế giới. ĐTVN hay U23 Việt Nam rất nhiều người xem, rất nhiều người háo hức nên niềm tin vào bóng đá rất lớn.
Nhưng vì ban lãnh đạo VFF, VPF làm cho người hâm mộ mất niềm tin, chứ không phải do cầu thủ.
Trước đây bầu Kiên nói phải thay đổi, Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức cũng nói phải thay đổi. Bản thân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đang ốm đau muốn thay đổi lắm chứ. Chúng ta cần phải thay đổi nhưng chưa thấy gì. Vậy thì cần phải có công luận bóng đá mới đi lên được.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Song Ngư (thực hiện)