Cô bé trả tiền mua xăng cho ông giáo đêm hôm ấy và cậu bạn của cô như công chúa và hoàng tử khuyết tật trong truyện cổ tích, sinh ra để cứu giúp những người lương thiện cơ nhỡ và nhắc nhủ lương tri cho những người lành lặn.
Đêm mùa đông. Trời giá rét. Đã gần 23 giờ. Đường phố Hải Phòng vắng vẻ người qua lại. Vợ chồng ông giáo già mới bán nhà hì hụi chở các đồ vặt của gia đình trên chiếc xe máy, về căn nhà mới mua.
Trên xe, ông giáo mắc mấy cái túi to nhỏ đựng đồ. Bà ngồi sau xe ông, cầm thêm vài thứ đồ nhẹ. Mỗi tối khá khuya, chở vài chuyến, tránh lúc phố xá đông người. Những thứ đồ lặt vặt, gọn nhẹ, dễ vỡ thì chở bằng xe máy cho tiện, cho nhanh, lại đỡ tiền thuê xích lô. Mà thuê thì nhiều ông xích lô cũng làm cao lắm. Có ông xích lô ế dài ế rạc, nhưng khi có khách, nhiều khi lại không thèm chở cho người ta, thà ngồi chơi, ngủ gật trên xe, hay đánh bạc với nhau còn hơn. Thế mới lạ. Có ông xích lô thì lại “hát giá”, bắt chẹt khách đến phát sợ, chỉ mấy thứ gọn nhẹ, như bộ máy vi tính, mấy chậu cây cảnh, cái tủ con đựng giầy dép, mấy cái xoong nồi, đi khoảng hai, ba cây số, mà đòi tới hai trăm nghìn đồng, chưa kể vào đêm khuya, họ còn phát giá cao hơn. Còn những thứ đồ nặng, cồng kềnh, như giường, tủ, bàn ghế, … thì ông bà giáo phải thuê một chuyến ô tô tải loại nhỏ.
Căn nhà ông bà giáo vừa bán một cách chật vật nằm trong một khu dân cư khá … điển hình, có tên là Xóm Liều. Hồi mới mua căn nhà này, mấy bạn đồng nghiệp của bà bảo:
- Sao vợ chồng bà dại dột thế. Mua nhà ở đâu không mua, lại mua ở khu Xóm Liều nổi tiếng, thì khó sống lắm đấy.
Thảo nào, mới dọn đến được một ngày, bọn trộm “nhí” đã trèo tường vào nhà ông bà giáo, lấy cắp mâm đồng gia truyền và nhiều vật dụng khác. Có người trông thấy, nhưng không dám nói, sợ chúng trả thù, chỉ dám mách nhỏ với ông bà. Khu dân cư này tập trung những người buôn bán lặt vặt, những công nhân làm tạp vụ, đội đất đội đá của một công ty nhà nước, những người lao động tự do, thợ xây, nhiều người làm nghề xe ôm, xích lô và những người không có việc làm hoặc không chịu đi làm. Cũng có một vài gia đình cán bộ viên chức, quân nhân, người về hưu, nhưng họ sống biệt lập, suốt ngày đóng cửa nhà im ỉm, như cái tổ chim sâu, không giao du với ai. Phần lớn cư dân ở đây nghèo, vô công rồi nghề, không ai đỗ đạt thành tài, nhiều người suốt ngày la cà quán xá, hoặc những kẻ chuyên nhòm ngó, tăm tia nhà người khác, rồi đâm bị thóc chọc bị gạo, hay những kẻ chuyên thu thập tin tức vỉa hè, trộm cắp. Họ hay tìm cách trêu tức, cô lập những người mà họ không ưa, thường là một vài gia đình có học và kinh tế ổn định.
Vợ chồng ông giáo giữ nền nếp gia đình trí thức, giao tiếp với mọi người đều rất khiêm nhường. Một vài gia đình có người ốm đau, ông bà giáo thường mang đường, sữa đến thăm hỏi. Mấy cháu học sinh lớp 8, lớp 9 thường đến hỏi bà giáo về môn Văn, được bà ân cần chỉ bảo. Thế mà ngay hôm sau, ra ngõ trông thấy ông bà, họ đều không có một lời chào hỏi. Có lần, ông giáo đi mượn một cái thang, nhưng người ta nhất quyết không cho mượn. Ấy thế nhưng nhiều người lại hay đến nhà ông bà giáo để mượn thứ nọ, thứ kia, hoặc vay tiền. Vợ chồng anh chị thợ may mấy hôm trước nhất quyết không cho ông giáo mượn đoạn ống nhựa bơm nước, nay đến nhà ông giáo mượn cái áo vét- tông ông giáo mặc trông giống ký giả để cắt áo làm mẫu. Mấy người khác, khi thì mượn ông bà giáo bộ bàn ghế và bát đĩa để làm lễ cưới hỏi cho con, khi thì mượn cái chậu thau, cái làn nhựa đi chợ, đến cả cái bút bi, bút xóa. Mượn xong, thường quên trả. Lại có nhiều người tự nhiên kiếm cớ gây khó chịu cho vợ chồng ông. Mấy gia đình sửa chữa nhà cửa, họ cứ tự tiện để đồ đạc, nguyên vật liệu chất đống trước cửa nhà vợ chồng ông giáo, nhiều khi khiến ông bà không có chỗ để dắt xe máy, xe đạp đi ra đi vào. Biết ông bà giáo ưa yên tĩnh để đọc sách, soạn bài, nhiều người xúi giục bọn trẻ tụ tập trước nhà ông bà để đá bóng thình thịch vào cửa, vào tường, cả trưa và tối, hoặc chơi cờ bạc ăn tiền, hò hét ầm ĩ. Nhiều người đi ăn sáng về, tiện tay vứt những giấy chùi miệng trắng xóa vào cửa nhà ông giáo. Có anh hàng xóm quyết tâm tiêu diệt con chó Đô của nhà ông giáo, vì không hiểu tại sao, cứ trông thấy anh ta, là con chó được xích trong nhà lại sủa dữ dội. Thế là, nhân lúc vợ chồng ông giáo vắng nhà, anh ta liền nhét nắm cơm có tẩm bả chó vào khe cửa phía sau nhà, may mà nắm cơm mắc kẹt vào cửa, không thì con Đô đã sùi bọt mép. Lại mấy lần sáng dậy mở cửa, ông bà đã thấy bãi cứt to tướng kẻ nào đó bậy ra đường ngõ ngay sát cửa nhà mình, thật ra là có kẻ trộm đạo chuyên đi rình mò ban đêm, rồi đại tiện ra đấy, nhưng cũng là việc trêu tức vợ chồng ông giáo. Ghen ăn tức ở, người ghét của yêu, bạc tình bạc nghĩa, ma cũ bắt nạt ma mới có lẽ là những bản tính cố hữu của nhiều khu dân cư tạp pí lù.
Mười lăm năm ở trong khu dân cư như thế, quả thật ông bà giáo có xách đèn giữa ban ngày cũng không tìm thấy ai là người có thể kết thân. Ông giáo nhớ đến chuyện bà mẹ của Mạnh Tử ở Trung Quốc thời cổ đại, đã phải bẩy, tám lần thay đổi chỗ ở của gia đình, mới chọn được nơi ở tốt có nhiều người nhân hậu, tử tế, học hành thành đạt. Từ đấy, gia đình Mạnh Tử mới được sống yên vui. Mạnh Tử lớn lên ngày càng chăm học, là một học trò rất giỏi của đức Khổng Tử, rồi trở thành một nhà triết học nổi tiếng của Trung Quốc thời xưa. Thôi thì mình cũng đã già, không trở thành nhà triết học lừng danh như Mạnh Tử, chỉ muốn được sống yên. Nghĩ vậy, ông bà giáo bàn với hai người con đều ở xa, bán nhà tìm mua nhà nơi khác.
Khổ nỗi, căn nhà của ông bà giáo đã lạc vào Xóm Liều, lại ở khu dự án treo gần hai chục năm nay chưa động tĩnh gì, nên không có sổ đỏ, ít người hỏi mua. Có vài ba khách đến mua nhà, thì hàng xóm đều phá quấy, dựng ra đủ điều dèm pha, khiến người ta đâm nản. May có đôi trai gái sắp cưới, chàng trai là sĩ quan quân đội, thấy nhà ông bà giáo hai tầng, vuông hòm sắc cạnh, cao ráo, sạch sẽ, sáng sủa, không khí ấm cúng, gương mặt ông bà hiền lành, thế là anh chẳng cần sổ đỏ sổ hồng gì hết, cứ mua là được. Ông bà giáo chật vật lắm mới bán được nhà. Đôi uyên ương chọn ngày lành tháng tốt mới dọn đến ở, nên ông bà giáo cứ chuyển dần đồ đạc trên chiếc xe máy.
Tối ấy, ông bà giáo chuyển được hai chuyến rồi. Đến chuyến thứ ba, đi được một đoạn đường thì xe máy hết xăng. Đường còn khá xa mới đến nhà mới. Trời thì đã về khuya, ông bà giáo đã thấm mệt. Đồ đạc lủng củng, ông giáo hì hụi dắt xe, trời đêm trở rét đậm rét hại mà ông giáo đẫm mồ hôi. Còn bà giáo vốn đi chậm, cứ vừa cầm túi đồ, vừa ì ạch chạy theo. May quá, đến cây xăng rồi. Còn khoảng mười phút nữa là 23 giờ, họ sắp đóng cửa. Ông giáo hỏi mua xăng, nhưng khốn nỗi cả hai ông bà đều để quên ví tiền ở nhà. Nếu không có tiền, thì phải để chứng minh thư lại, người ta mới bán. Nhưng chứng minh thư cũng để trong ví. Ông giáo lại dắt xe đi một quãng nữa, gặp một hiệu tạp hoá có bầy mấy chai xăng ở rìa đường. Ông nói tên mình, nghề nghiệp, chỗ ở, để cho người ta tin, rồi nằn nì hỏi mua chịu chai xăng, nhưng vợ chồng ông chủ hiệu nhất quyết không bán, buông một câu:
- Người đi đường biết đâu mà lần.
Lúc này, bà giáo vốn bị bệnh huyết áp cao, lại thấp khớp, mệt quá phải ngồi xuống vỉa hè để nghỉ. Ông giáo dựng xe, chờ vợ hồi sức, lại động viên bà đi tiếp.
Ảnh minh họa |
Đêm khuya khoắt. Hì hụi đẩy xe, ông bà dường như phải kéo lê từng bước trên con đường vắng lạnh. Khoảng nửa tiếng sau, ông bà đến chân cầu vượt Lạch Tray. Một đoàn xe container lấy hàng xong ở cảng Chùa Vẽ, chạy ầm ầm hướng về Hà Nội. Dưới gầm cầu vượt, có mấy hàng bán quà vặt, nước chè nóng, thuốc lá cho những người đi chơi khuya. Trong ánh đèn đường, lố nhố những bóng người, phần nhiều là những đôi trai gái và mấy đứa trẻ mà người ta hay gọi là trẻ bụi đời. Ông bà giáo đẩy xe đến ngồi nghỉ, chợt nhận ra một hàng bán nước có bán thêm mấy chai xăng. Ông giáo cất lời hỏi mua một lít xăng, hứa về nhà sẽ lấy tiền mang đến trả ngay, nhưng bà hàng nước cũng không bán chịu.
Ông bà giáo nén tiếng thở dài. Thôi thì nghỉ một lúc cho lại sức, rồi tiếp tục dắt xe vậy. Đường còn khoảng hai cây số nữa. Càng về đêm, giá rét càng tăng. Sức lực tuổi già có hạn.
Bỗng một cô gái khoảng 16 tuổi, dáng người thon thả, mặt mũi xinh xắn, tóc ngang vai nhuộm màu phơn phớt vàng như “hot girl Hàn Quốc” ngồi gần đấy nghe biết chuyện, liền đến chỗ bà bán xăng. Cô bé phải chống nạng, một chân cô không bình thường. Đi theo cô bé là cậu bạn khoảng 17, 18 tuổi, gương mặt dễ coi, nhưng tay phải của cậu bị teo, để rủ tay áo. Cô bé nói, giọng trong trẻo, hồn nhiên:
- Hai bác mua xăng phải không ạ? Hai bác cứ mua đi, cháu trả tiền cho.
Vợ chồng ông giáo hết sức ngạc nhiên, cứ trân trân nhìn cô bé mà không nói được gì. Cô bé quay sang nói với bà bán xăng:
- Bà đổ xăng cho hai bác ấy! Cháu trả tiền.
Cô đưa cho bà bán xăng hai mươi nhăm nghìn đồng, rồi nói với vợ chồng ông:
- Hai bác về nhà đi, khuya lắm rồi. Trời rét lắm, không khéo hai bác lại bị cảm lạnh đấy.
Ảnh minh họa |
Vợ chồng ông giáo cảm ơn cô bé và nói:
- Chốc nữa, hai bác sẽ quay lại trả cháu tiền.
Cô bé cười rất tươi:
- Không phải thế, hai bác ạ.
Cậu bạn của cô mỉm cười:
- Hai bác không phải bận tâm.
Rồi đôi bạn trẻ vẫy tay chào hai ông bà già.
Về đến nhà, ông giáo vội dỡ mấy túi đồ, rồi tìm ví tiền phóng xe đến chân cầu vượt Lạch Tray. 12 giờ đêm, phố xá lặng ngắt như tờ. Gió rét căm căm. Những người bán quà vặt dưới gầm cầu đã dọn hàng về. Không một bóng người.
Mấy tối hôm sau, ông bà giáo lại đến gầm cầu vượt tìm cô bé và cậu bạn của cô để trả tiền và cám ơn, nhưng đều không gặp. Ông hỏi bà hàng nước. Bà bảo:
- Chúng nó lại chuyển chỗ đi đâu, tôi cũng không biết nữa.
Ông giáo bèn gửi bà năm mươi nghìn đồng, nhờ bà chuyển giúp tới cô bé hôm nọ. Bà nói bỗ bã:
- Cái nhà ông này đến lạ, gửi với gắm cái con khỉ! Trẻ bụi đời chúng nó nay chỗ nọ, mai chỗ kia, lang bạt kỳ hồ, tôi biết đâu mà đưa với chuyển.
Mấy tối hôm sau nữa, vợ chồng ông giáo lại đến gầm cầu vượt Lạch Tray, rồi đến mấy gầm cầu ở nội thành Hải Phòng, nhưng đều không tìm thấy cô bé, cậu bé khuyết tật.
Cô bé trả tiền mua xăng cho ông giáo đêm hôm ấy, và cậu bạn của cô, như cô công chúa và chàng hoàng tử khuyết tật trong truyện cổ tích ngày xưa, sinh ra là để cứu giúp những người lương thiện cơ nhỡ và ban phát, nhắc nhủ lương tri cho những người lành lặn. Trong thời buổi người đời tôn thờ đồng tiền và đầy rẫy những chuyện đố kỵ, nhỏ nhen, thì cô bé, cậu bé lang thang ấy, đúng là hai kẻ khuyết tật tốt bụng!
Thế đấy, thưa bạn đọc! Trời đã ban ân cho ta đôi mắt để nhìn đời và nhìn người, thì hãy nhìn bằng con mắt chân thật, có chiều sâu. Khi nhìn nhận mỗi con người, thì cái vẻ bề ngoài và lời nói của họ là điều không quan trọng; mà cái chính là phải nhìn vào hành động của họ trong đời sống, trong cách họ đối nhân xử thế.
Đào Ngọc Đệ - MS 122
(Bài dự thi Đôi mắt và Cuộc sống)
Được sản xuất bởi công nghệ hiện đại từ Canada, pms-Super MaxGo có công thức ưu việt cung cấp dưỡng chất đồng bộ cho các bộ phận của mắt, là một liệu pháp khoa học cần thiết để hỗ trợ điều trị các bệnh về mắt một cách hữu hiệu, giúp cung cấp các vitamin và dưỡng chất thiết yếu cho sức khỏe mắt, ngăn ngừa tiến trình lão hóa mắt và tăng cường thị lực, hỗ trợ các chứng bệnh về mắt. Là sản phẩm uy tín của nhà sản xuất và phân phối lớn với số lượng và hàm lượng các chất trong công thức phù hợp pms-Super MaxGo là sản phẩm phù hợp với các đối tượng như người thường xuyên sử dụng máy vi tính, các thiết bị điện tử, người làm việc trong môi trường ô nhiễm khói bụi, người trung niên và người già, người ăn uống thiếu dưỡng chất cần thiết cho mắt, người hay thức khuya, tư thế làm việc không hợp lý, học sinh, sinh viên học nhiều với cường độ cao Viên bổ mắt pms-SuperMaxGO hân hạnh tài trợ cuộc thi Đôi mắt và cuộc sống. Mọi thông tin về sản phẩm, truy cập: www.pms-supermaxgo.comhoặc liên hệ Hotline 1900.5555.79. Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
|