Theo The Hill, trong ngày 28/2, Thẩm phán Anil Singh của tòa phúc thẩm New York đã từ chối đề xuất nộp 100 triệu USD bảo lãnh trong thời gian kháng cáo từ cựu Tổng thống Mỹ, bắt buộc ông Trump phải nộp đủ 454,2 triệu USD theo phán quyết.
Tuy nhiên, Thẩm phán Singh cũng chấp nhận tạm dừng thi hành một phần phán quyết của tòa sơ thẩm. Theo đó, ông Trump và các con trai có thể tiếp tục điều hành hoạt động kinh doanh ở New York, đồng thời được vay từ các ngân hàng của bang trong vòng 3 năm.
Phán quyết của tòa thúc phẩm New York cần được toàn thể hội đồng phúc thẩm cấp trung thông qua, và các cuộc tranh luận dự kiến sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Quyết định cuối cùng về đơn kháng cáo của ông Trump có thể sẽ được công bố vào ngày 18/3.
Trước đó, nhóm luật sư của ông Trump đã đề xuất nộp 100 triệu USD trong thời gian kháng cáo, bởi cựu Tổng thống không thể huy động số tiền cao hơn nếu không bán bớt một số bất động sản. Tài sản của ông Trump được ước tính lên tới hàng tỷ USD, nhưng phần lớn là bất động sản, không phải tiền mặt.
Đội ngũ pháp lý của ông Trump lập luận rằng việc bán tài sản có thể gây ra những thiệt hại tài chính không thể khắc phục nếu kháng cáo thành công. Bên cạnh đó, số tiền 100 triệu USD và sự theo dõi liên tục của cơ quan giám sát do tòa án chỉ định với tập đoàn Trump Organization là đủ căn cứ để đảm bảo khả năng thi hành án.
Vào ngày 16/2, Thẩm phán Arthur Engoron đã yêu cầu ông Trump nộp phạt 355 triệu USD với cáo buộc thổi phồng giá trị tài sản, cộng với tiền lãi, số tiền mà cựu Tổng thống Mỹ phải nộp lên tới hơn 454 triệu USD. Trên thực tế, việc trì hoãn nộp phạt sẽ làm số tiền liên tục tăng lên. Hiện tại, mỗi ngày ông Trump phải chịu hơn 110.000 USD tiền lãi.
>> Đọc tin tức thế giới trên báo VietNamNet