- 27 tuổi, ít ai nghĩ chàng trai trẻ Trần Mạnh Cường lại sở hữu một vốn kiến thức phong phú, sâu sắc về lịch sử và văn hóa dân tộc. Đặc biệt, Cường đam mê nghiên cứu những tư liệu cổ, trong đó có những tài liệu quý về chủ quyền đất nước.

‘Ông đồ’ trẻ nhất xứ Nghệ

Rất khó khăn để chúng tôi có được cuộc hẹn với Trần Mạnh Cường (SN 1988, huyện Con Cuông, Nghệ An) tại phòng làm việc. Dù cận tết, chàng cán bộ thư viện trẻ vẫn tất bật với tập tài liệu đã ố vàng.

“Mình đang tiếp tục theo học lớp chữ Thái để nghiên cứu các tài liệu cổ”, nói đoạn Cường giới thiệu về 2 cuốn sách cổ bằng chữ Phạn viết trên vỏ cây, thứ ngôn ngữ mà anh đang phải ‘bó tay’.

{keywords}
“Ông đồ’ 8x Trần Mạnh Cường bên kho tư liệu quý với hơn 700 sách cổ, trong nó chừng 1 nửa là do Cường tham gia sưu tầm.

Xuất thân từ một gia đình trí thức ở huyện miền núi Con Cuông, từ nhỏ Trần Mạnh Cường đã nung nấu niềm say mê với các tư liệu lịch sử. Tốt nghiệp loại giỏi ngành Hán Nôm, Đại học Khoa học Huế, Cường được nhận về công tác tại thư viện Nghệ An theo diện thu hút của địa phương.

Tại đây, anh có cơ hội thực hiện niềm đam mê ‘khác người’ của mình. Chỉ với chiếc xe máy hạng xoàng và đồng lương ít ỏi, Trần Mạnh Cường vẫn rong ruổi khắp các làng quê ở xứ Nghệ, và cả nhiều nơi khác khắp đất nước.

Hễ ‘đánh hơi’ biết nơi đâu lưu giữ các tư liệu cổ, chàng trai trẻ lập tức tìm đến thu thập, giải mã.

Công việc tưởng như nhỏ bé, đơn giản, thế nhưng anh cán bộ thư viện ‘quèn’ đã nhiều lần khám phá ra những cứ liệu có giá trị lớn. Từ những mẩu tư liệu nơi các dòng họ, trong đền chùa, miếu cổ, Cường đã có những phát hiện đầy bất ngờ!

Một trong số đó là việc Cường phát hiện và khẳng định về bức thư ngoại giao đầu tiên giữa Việt Nam – Nhật Bản.

Năm 2013, Bảo tàng quốc gia Kyusu (Nhật Bản) phát hiện một bức quốc thư cổ, niên đại 423 năm của Việt Nam gửi đến Nhật Bản. Trong quá trình biên dịch, nghiên cứu, Cường tìm ra danh tính của nhân vật chính là Phúc Nghĩa Hầu Nguyễn Cảnh Đoan, con trai thứ 8 của Thái phó Nguyễn Cảnh Hoan (có mẹ người xã Đại Đồng, Thanh Chương, Nghệ An).

{keywords}
Để thực hiện niềm đam mê, Trần Mạnh Cường đã điền dã khắp trong và ngoài tỉnh Nghệ An, tìm đến những đền chùa, miếu cổ nơi còn lưu giữ những dấu tích văn hóa.

Để xác nhận lại thông tin, Cường tìm đến dòng họ Nguyễn Cảnh nghiên cứu sơ đồ phả hệ và bộ tiểu thuyết lịch sử Hoan Châu Kí. Chàng trai trẻ còn tìm đến tận Hội An (Quảng Nam) và Phố Hiến (Hưng Yên) để tìm hiểu thêm về mối quan hệ lịch sử giữa Nhật Bản – Việt Nam.

‘Bức thư đã mở ra thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong mối quan hệ giao thương Việt Nam – Nhật Bản, gọi là thời “Mậu dịch Châu ấn thuyền”. Giai đoạn này, ở Nghệ An có cảng Phục Lễ (Hưng Nguyên ngày nay – PV) rất sầm uất và rất quan trọng”, Trần Mạnh Cường cho biết.

Với đam mê và sự chịu khó, Trần Mạnh Cường đã góp công thu thập, giải mã khoảng 300 tài liệu cổ bằng chữ Hán, Nôm khắp xứ Nghệ và nhiều nơi trong cả nước. Những hiện vật này đang được anh trưng bày trong căn phòng của mình ở thư viện tỉnh.

Phòng làm việc thành nơi trưng bày chủ quyền

Năm 2013, trong quá trình nghiên cứu cuốn ‘Giáp Ngọ niên bình Nam đồ’, Trần Mạnh Cường phát hiện những tư liệu cho thấy địa danh ‘Bãi Cát Vàng’ trên bản đồ này chính là tiền thân của Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay.

{keywords}
Du khách Nhật Bạn ghé thăm căn phòng đặc biệt của Trần Mạnh Cường ở thu viện Nghệ An. Ở đây, Cường đã bài trí thành một nơi trưng bày tư liệu về chủ quyền của đất nước.

Say mê với phát hiện này, Cường đã cho in bản đồ ra khổ lớn rồi dán lên tường. Cùng với đó, ‘ông đồ’ trẻ còn bỏ tiền túi thiết kế biểu ngữ lớn ‘Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam’ treo lên tường đối diện bàn làm việc, phía dưới là những tư liệu, cứ liệu về chủ quyền.

Với nhiều tâm huyết, Trần Mạnh Cường đã bài trí căn phòng làm việc của mình thực sự trở thành một nơi trưng bày tư liệu về chủ quyền, gồm những mộc bản, sách, bản đồ cổ.

“Nhiều học giả, đoàn khách đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản... khi đến thư viện tỉnh đều đã vào thăm căn phòng này”, Cường hào hứng cho biết.

Năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức triển lãm “Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa”, Trần Mạnh Cường chính là người chịu trách nhiệm về nội dung và là người thuyết minh cho triển lãm.

Và vốn hiểu biết của chàng trai trẻ này đã khiến nhiều người bất ngờ.

“Người trẻ hiện nay hầu như đều ít quan tâm đến những vốn cổ của cha ông, nhất là những tư liệu lịch sử. Phần vì do họ khó tiếp cận, giải mã, nhưng chủ yếu do giới trẻ thiếu đam mê.

Với mình, nghiên cứu, lưu giữ những tư liệu cha ông để lại không chỉ là sự say mê, đó còn là trách nhiệm”, Trần Mạnh Cường tâm sự.

Cường cho biết thêm, anh đang nung nấu thực hiện một công trình nghiên cứu về Hoàng Sa – Trường Sa qua tư liệu của những danh nhân xứ Nghệ. Hiên anh đang chuẩn bị tài liệu và... tích cóp tiền.

“Có nhiều cách để thể hiện lòng yêu nước. Bản thân mình sẽ cố gắng vượt qua khó khăn để thực hiện đam mê, cũng góp phần trách nhiệm nhỏ bé với Tổ quốc vậy”, ‘ông đồ’ Cường nhắn nhủ.

“Xứ Nghệ là vùng đất ‘địa linh nhân kiệt’, ở đây vẫn còn cả kho tàng lịch sử, văn hóa cha ông để lại cần người khai phá.

Mình có ước muốn và sẽ cố gắng trở thành một nhà ‘Nghệ An học’ để gợi mở, phát huy mạch nguồn lịch sử quý báu cũng như bảo vệ những dấu tích văn hóa còn lưu lại ở xứ Nghệ”, Trần Mạnh Cường chia sẻ với VietNamNet.

Xem clip:

Cao Thái