0h27 sáng 9/10, PGS Văn Như Cương qua đời sau 3 năm chống chọi với căn bệnh ung thư gan. Gắn cả đời mình với sự nghiệp giáo dục, sự ra đi của ông đã để lại khoảng trống không nhỏ đối với bạn bè, người thân và nhiều thế hệ học trò…
Cuối năm 1988, thầy Cương khi đó đang là một giảng viên tại Khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nảy ra ý định mở trường tư.
Vào thời điểm đất nước mới mở cửa được vài năm, khi quan điểm “ở đâu có phi quốc lập chứ giáo dục thì không” vẫn được quán triệt như một thành trì vững chãi, thì hành động của ông chẳng khác gì đánh nhau với cối xay gió.
Nhớ lại những ngày tháng thai nghén ấy, ông và người đồng sự của mình khi ấy là Nguyễn Xuân Khang (sau này thành lập Trường Marie Curie) vẫn nói đùa, đấy là một “ca đẻ khó”. Có lẽ, ông cũng không ngờ rằng “đứa trẻ” sinh ra từ “ca đẻ khó” ấy lại rất mau chóng trở thành hình ảnh mẫu mực của giáo dục phổ thông tư thục.
Không chỉ thế, sự ra đời của Trường Lương Thế Vinh (và Trường Marie Curie 4 năm sau đó) đã mở ra một giai đoạn phát triển mạnh mẽ của giáo dục ngoài công lập như hiện nay.
Thành công ấy không đến từ may mắn. Ngay từ những ngày đầu thành lập, PGS Văn Như Cương đã coi chất lượng và nề nếp là những yếu tố quan trọng nhất tạo nên một ngôi trường chứ không phải cơ sở vật chất.
Dù chưa bao giờ tuyên bố Trường Lương Thế Vinh là phi lợi nhuận, nhưng ông luôn kiên trì theo đuổi mức học phí trung bình để học sinh có hoàn cảnh kinh tế bình thường cũng có thể học tập.
Giờ đây ở tuổi 28, "đứa trẻ" ngày nào đã có được cơ ngơi riêng khang trang, và cũng đang đứng trước những đòi hỏi mới về triết lý giáo dục để tiếp tục duy trì sự bền vững của mình.
Với tư duy sắc sảo của dân Toán, với tâm niệm “giáo dục không phải là chuyện làm ăn bình thường”, tiếng nói phản biện trên các diễn đàn giáo dục của PGS Văn Như Cương luôn được đón nhận.
Vào năm 2011, khi được mời tham gia góp ý cho dự án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015”, ông đã lên tiếng phản biện trước khoản kinh phí ước tính 70 ngàn tỉ đồng.
Vài năm sau, khi dư luận tiếp tục tranh cãi về một dự án tương tự với khoản kinh phí giảm còn một nửa là 34.000 tỉ, ông lại thẳng thắn khẳng định, nếu tính riêng tiền chi cho viết sách giáo khoa chỉ cần 34 tỷ đồng, phóng khoáng là 50 tỷ đồng, tương đương 1% của số tiền 5.000 tỷ đồng mà thôi.
PGS Văn Như Cương cũng là người kiên trì với quan điểm đổi mới chương trình, sách giáo khoa làm theo cách nào, mô hình nào cũng nên nhanh chóng và không tạo nên sự tốn kém. Ông cũng là người tuyên bố, chương trình hiện nay quá nặng, nhiều phần kiến thức là thừa, thậm chí vô bổ.
Trong những vấn đề “nóng” nhất của giáo dục, từ việc chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm tới việc tổ chức kỳ thi “2 trong 1”, ông cũng đưa ra những kiến giải thẳng thắn và không ngại động chạm.
Những người làm báo vẫn rỉ tai với nhau rằng thầy Cương là tâm huyết đến mức “chỉ cần gọi thầy là có bài”. Bất kể khi đó là ngày hay đêm, ngày thường hay ngày nghỉ, thậm chí là khi khỏe hay lúc đang nằm viện…
Từ Pháp, TS Toán học Nguyễn Tiến Dũng (ĐH Toulouse) viết những dòng vĩnh biệt: "Có những quan điểm về giáo dục hay về chuyên môn của thầy mà tôi không đồng ý. Nhưng có điều chắc chắn là thầy để lại một dấu ấn lớn đối với cộng đồng toán học và giáo dục của Việt Nam".
Sự ra đi của ông sẽ khiến các diễn đàn giáo dục bớt đi một tiếng nói thẳng thắn nhưng cần thiết với các nhà hoạch định chính sách.
Sinh ra trong một gia đình dạy chữ Hán ở vùng quê Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An) PGS Văn Như Cương còn được người ta biết tới như một trí thức đậm chất “Đồ Nghệ” – tài hoa và có chút kiêu, gàn.
TS Toán học Phan Thị Hà Dương xúc động chia sẻ ký ức về người cậu “như một ông tiên đẹp nhất của mình”: “Cậu là con trai trưởng. Năm sinh nhật một tuổi, ông bà tổ chức lễ để cậu lựa chọn các đồ vật xem sau này cậu sẽ theo nghề gì. Cả nhà lại mừng vui khi cậu chọn ngay cây bút viết. Cứ như thế, như thể tất cả những điều đẹp đẽ đều đã chờ đợi cậu. Trong những bức ảnh gia đình xưa, cậu còn nhỏ nhưng đã mặc áo sơ mi quần sooc rất đẹp”.
Dù sau này chọn Toán và dạy Toán, nhưng ông cũng là loại “hay chữ”, giỏi thơ và câu đối. Một học trò là TS Lê Thống Nhất chia sẻ rằng “ông mê nhất là làm thơ Đường luật và điều nổi bật trong những bài thơ của ông là chất hài hước, hóm hỉnh”.
PGS Văn Như Cương từng viết những câu thơ được rất nhiều người thuộc:
“Em cắm hoa tươi đặt cạnh bàn/ Mong rằng toán học bớt khô khan/ Em ơi! Trong toán nhiều công thức /Cũng đẹp như hoa lại chẳng tàn".
Không chỉ giỏi thơ, cái chất “hay chữ” của ông còn thể hiện ở việc chơi câu đối. Ông Võ Đăng Thiên, Tổng biên tập Báo Bưu Điện, kể PGS Cương từng có một vế đổi nổi tiếng mà cho tới nay chưa ai đối được về tình cảnh khốn khó, thiếu thốn đủ bề của các giáo viên thời bao cấp: “Thầy giáo tháo giày, tháo cả ủng, thủng cả áo, lấy giáo án dán áo”.
Người ta nói, một ông thầy toán giỏi thơ, hay chữ như Văn Như Cương là hiếm gặp. Còn ông thì tự hoạ: “Toán Như Cương, Văn cũng Như Cương”.
Cũng vì hay chữ, ông có nhiều bạn bè là văn nghệ sĩ. Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên bồi hồi nhớ lại “người bạn văn, vừa là nhà giáo, vừa là nhà Nho – một Đồ Nghệ nhưng cũng là một nghệ sĩ” của mình.
Lần cuối PGS Cương gặp bạn là một buổi chiều mưa cách đây một tháng.
“Hôm ấy, ông Đoàn Tử Huyến rủ ông Cương chơi một ván cờ nhưng ông Cương bảo trong người mệt, nhà lại có việc nên xin cáo hôm khác. Ván cờ ấy vẫn còn nợ đấy mà ông đã ra đi”.
Tài hoa thế, nhưng ông cũng gàn.
Nhiều cái “gàn” của ông từ lâu đã trở thành giai thoại. Từ một cán bộ giảng dạy ở đại học, bỏ ra ngoài lập trường tư, thời ấy đã là “gàn”.
Thế rồi, ông bổ nhiệm vợ làm kế toán nơi mình làm hiệu trưởng. Cấp trên không cho. Ông lý sự: “Cái đáng lo ngại nhất là giám đốc cặp bồ với kế toán chứ chồng hiệu trưởng, vợ làm kế toán thì có gì các anh phải lo? Nếu các anh không thuận thì tôi về ly dị với bà ấy. Xong, bổ nhiệm bà ấy làm kế toán là được chứ!?”.
Giai thoại nổi tiếng nhất về Văn Như Cương có lẽ là câu chuyện nuôi lợn. Sau khi đi học ở Liên Xô về (năm 1971), đã là phó tiến sĩ nhưng lương chẳng đủ ăn, ông liền quây sân nhà... nuôi lợn!
Một con lợn, trừ tiền cám, mỗi tháng ông cũng kiếm được 70.000 đồng, bằng đúng lương ông phó tiến sĩ. Ông vẫn nói đùa với với khách đến chơi, nhà có hai phó tiến sĩ vì cả hai cùng kiếm được 70.000 đồng. Nhiều người hỏi: "Sao ông không cho nó làm tiến sĩ?", thì ông bảo “Mình hết đề tài, tức hết tiền mua rau cám, nên phải cho nó "bảo vệ" sớm”.
Rồi chuyện ông Cương nuôi lợn trong căn hộ tập thể bị phản ánh lên phường. Cán bộ phường đến lập biên bản, viết: "Ông Văn Như Cương nuôi lợn ở tầng 4". Ông phản đối, đòi phải ghi là: "Lợn nuôi ông Văn Như Cương ở tầng 4” thì mới chịu ký vào biên bản.
Thế nhưng trong những năm tháng khó khăn nhất ấy, ông vẫn giữ cho mình sự lãng mạn. TS Phan Thị Hà Dương nhớ lại: "Mình đã luôn ngạc nhiên và thán phục khi ngày xưa, vào những năm khó khăn nhất, nhưng nhà cậu lúc nào cũng cắm hoa. Các chị cắm một lọ hoa xinh xinh trên bàn với năm bông hồng bạch, một lọ bé xíu trên giá sách cắm 1 bông, dù chỉ bé nhỏ thôi, nhưng nó làm sinh động cả góc phòng, cả ô cửa sổ”.
Kiêu và gàn với người ngoài là thế, nhưng với những học sinh của mình, ông luôn là một người thầy tận tâm, tận lực, một hiệu trưởng dễ gần, giản dị và yêu thương trẻ.
Đối với học sinh nhiều thế hệ tại Khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng như Trường Lương Thế Vinh, ông luôn là một người thầy truyền cảm hứng và có sức ảnh hưởng lớn, dù không phải là nhà khoa học có những công trình lớn.
Ngày nghe tin ông mất, những người học trò của ông ở Khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cùng nhau nhắc lại câu nói của thầy về nghề giáo:
"Dạy học là một khoa học nên cần phải chuẩn bị kỹ càng, nhưng dạy học cũng là một nghệ thuật nên cần có những lúc ngẫu hứng, chẳng hạn có thể những câu hỏi của học sinh sẽ dẫn bài giảng đi về những hướng đặc sắc và cuốn hút hơn nếu người thầy nổi hứng đúng lúc”, hay “Đầu óc của học sinh phải được xem như là những ngọn đuốc cần phải được thắp sáng lên, những phút giây ngẫu hứng là cần thiết để truyền đi ngọn lửa đó”.
Một học trò ở đại học là TS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học Giáo dục) nhớ lại:
“Ngày này năm ngoái, tôi đón thầy về dự hội khoa. Sau bao cơn đau đớn, thầy xuất hiện và các thế hệ học trò chào đón thầy. Nhiều anh chị khóc. Nhiều anh chị sững sờ. Thầy gầy đi nhiều, nhưng vẫn thế, cứ xuất hiện trước mọi người là mạnh mẽ, dí dỏm, chả còn mảy may đau đớn hay chút phiền não nào”.
Kể từ năm 2014, sau nhiều chục năm gắn bó với Trường Lương Thế Vinh, PGS Văn Như Cương phát hiện mình bị ung thư gan. Cho tới những ngày cuối cùng, dù là nằm trên giường bệnh, ông vẫn mạnh mẽ, vẫn dành sự quan tâm tới học trò và thế sự giáo dục.
Mỗi dịp khai giảng, ông vẫn cố gắng tới để gặp mặt, động viên học sinh và gửi những bài phát biểu lay động. Không có điều kiện nói trực tiếp thì ông viết Facebook, dù đã ở tuổi 80.
Sự tận tâm của ông đối với lũ học trò là lý do khiến những đứa trẻ cũng yêu thương và dành cho ông sự kính trọng. Những ngày ông nằm viện, học trò đã cùng nhau hát đồng ca, gấp hạc giấy mong người thầy đáng kính sớm khỏe lại.
Nhà báo Lương Thị Bích Ngọc, từng là phụ huynh của trường nói rằng những lớp học sinh như con gái chị đã có ấn tượng đẹp đẽ về biểu tượng người thầy ở ngôi trường cuối cùng của đời học sinh phổ thông. Với các em, ông là người thầy râu tóc bạc phơ, dạy giỏi, trọng tài công tâm và... hiện đại - bởi hát hay, đàn giỏi, ăn mặc đẹp, phong cách, dí dỏm.
“Người thành công hoặc giữ gìn đến đâu cũng khó mà dựng được tượng đài toàn bích. Nhà quản trị giáo dục càng khó. Nhưng người nhiệt huyết sống và cống hiến, yêu nghề, yêu người hết lòng như thầy Cương mất đi sẽ là khoảng trống không nhỏ trong lòng nhiều người. Đặc biệt, với những ai quan tâm, trăn trở đến giáo dục”.
“Với tôi, Hà Nội sẽ rất trống vắng khi nghĩ về ngôi trường Lương Thế Vinh thiếu vắng thầy Cương”.
Thực hiện: Lê Văn – Hạ Anh – Minh Thuỵ - Thu Thuỷ
Ảnh: Lê Anh Dũng