Liên tục chậm tiến độ
Sau khi được cấp giấy chứng nhận điều chỉnh lần thứ 10 vào năm 2020, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Thủ tướng báo cáo về hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hồ Tràm của Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm.
Dự án Hồ Tràm được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu từ năm 2008, với số vốn đầu tư ban đầu 4,23 tỷ USD, địa điểm xây dựng dự án tại hai xã Phước Thuận, Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng và kinh doanh khu du lịch nghỉ dưỡng, giải trí phức hợp và trung tâm hội nghị quốc tế Hồ Tràm, gồm nhiều hạng mục như: Khu khách sạn 5 sao và tiện ích quy mô 9.000 phòng, khu biệt thự thấp tầng, sân golf 18 lỗ, trung tâm hội nghị quốc tế, khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài…
Song, 15 năm đã qua, dự án mới hoàn thành và đưa vào hoạt động khu C, E2 (sân golf và khu kỹ thuật) với hơn 1.100 phòng và một số công trình tiện ích khác.
Trong khi theo quy định tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, dự án đã phải hoàn thành và đưa vào hoạt động nhiều khu với tổng số gần 5.000 phòng khách sạn và các tiện ích.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) khẳng định, dự án Hồ Tràm chậm tiến độ so với cam kết.
Bộ này cho biết, việc điều chỉnh tiến độ của dự án đã được chấp thuận qua nhiều lần điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
So với tiến độ yêu cầu hoàn thành dự án vào năm 2014 quy định tại giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2008, dự án đã được điều chỉnh thêm 11 năm nhưng Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm vẫn chưa thực hiện tiến độ đúng với cam kết.
Lý do chậm tiến độ dự án, theo giải trình của Công ty TNHH Hồ Tràm là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giao thông kết nối giữa TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa thực sự thuận lợi, thời gian thực hiện các thủ tục pháp lý về xây dựng, thiết kế bị kéo dài.
Vì vậy, Công ty TNHH Hồ Tràm xin điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2027.
Do đề nghị điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án như trên, nhà đầu tư cũng đề xuất điều chỉnh thời hạn kiểm tra việc đáp ứng điều kiện kinh doanh khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài từ quý IV/2025 sang quý IV/2027.
Theo đó, tới thời điểm quý IV/2027 nếu không hoàn thành 9.000 phòng khách sạn thì sẽ xin rút số bàn chia bài xuống tương ứng với tỷ lệ không quá 2 bàn chia bài/100 phòng khách sạn.
Ngoài ra, nhà đầu tư còn đề xuất điều chỉnh hạng mục công trình tại các phân khu D, B và A theo hướng bỏ các hạng mục triển lãm và tổ chức hoạt động văn hoá nghệ thuật, khu biểu diễn, rạp chiếu phim, quảng trường trung tâm, bến xe khách…; điều chỉnh tăng, giảm số lượng phòng khách sạn bổ sung chủ yếu các hạng mục có chức năng khách sạn, căn hộ, biệt thự.
Thua lỗ nhiều năm
Bộ KH-ĐT cho biết, theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2020, 2021 và 2022 ghi nhận Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm phát sinh lỗ liên tiếp.
Tại thời điểm 31/3/2023, công ty đã lỗ luỹ kế bằng 68% vốn sở chủ sở hữu (449 triệu USD/660 triệu USD).
Về khả năng huy động vốn, hồ sơ của doanh nghiệp không có thông tin về phương án huy động vốn và việc đảm bảo năng lực tài chính để thực hiện tiếp các giai đoạn tiếp theo của dự án.
Mặt khác, tính đến nay, nhà đầu tư dự án mới giải ngân khoảng 1,3 tỷ USD vốn đầu tư vào dự án, tương đương khoảng 30,9% tổng vốn đầu tư dự án, trong đó vốn góp của chủ đầu tư khoảng 660 triệu USD, nên số vốn còn lại để thực hiện dự án là lớn (khoảng 2,921 tỷ USD).
Với tình hình tài chính của nhà đầu tư, Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng trong trường hợp dự án được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải chịu trách nhiệm yêu cầu nhà đầu tư góp đủ số vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án, cụ thể phương án huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, đảm bảo tính khả thi của dự án.
Dự án Hồ Tràm là một trong số ít những dự án quy mô lớn được cấp phép tổ chức kinh doanh casino cho người nước ngoài. Những năm qua khi casino Phú Quốc, casino Vân Đồn được cho phép thí điểm cho người Việt vào chơi, chủ đầu tư dự án này cũng từng đề xuất được thí điểm cho người Việt vào chơi casino Hồ Tràm nhưng chưa được chấp thuận. |