Ngày 27/8, TAND TPHCM mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Văn Chinh (39 tuổi, ngụ Lâm Đồng) và Trịnh Văn Hưng (45 tuổi, cựu cán bộ Cục Hậu cần, Bộ Công an) cùng 22 bị cáo về các tội: Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên; Rửa tiền; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa hối lộ; Môi giới hối lộ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Phiên tòa dự kiến diễn ra tới ngày 30/8, do thẩm phán Phạm Viết Hùng làm chủ tọa.

Theo truy tố, khoảng 23h45 ngày 5/5/2022, Thủy đoàn II, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) tuần tra kiểm soát tại khu vực Cồn Ngựa ven biển (huyện Cần Giờ, TPHCM) thì phát hiện 12 tàu có lắp thiết bị hút cát trái phép. 

W-catlau.jpg
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: ĐN

Đồng thời, tổ tuần tra cũng kiểm tra bãi tập kết cát tại bãi cát Ngọc Thảo (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) do bị cáo Huỳnh Ngọc Thảo làm chủ. Qua kiểm tra xác định, trên bãi có 3.374m3 cát và một số sổ sách có liên quan tới việc mua bán cát.

Kết quả điều tra xác định, từ tháng 2 đến 6/5/2022, bị cáo Trương Văn Chinh điều hành đường dây khai thác cát trái phép tại khu vực biển Cồn Ngựa. Để có phương tiện khai thác, Chinh thuê 9 tàu hút cát có đăng ký tại các tỉnh thành khác nhau như Hải Dương, Hải Phòng và Đồng Nai đã hết thời hạn đăng kiểm. Những tàu này được cải tạo lại và gắn các thiết bị hoán cải để hút cát trái phép. Sau đó, Chinh giao tàu cho người điều khiển phương tiện không có giấy chứng nhận thuyền trưởng.

Để thuận lợi cho việc điều hành, quản lý, Chinh lập các nhóm zalo, mỗi khi chỉ đạo cho các thuyền trưởng đi hút cát, Chinh sẽ nhắn ám hiệu bằng tin nhắn “đi nhậu”, “tắt đèn”. 

Theo cáo buộc, tổng khối lượng cát Chinh đã khai thác là hơn 74.600m3.

Rạng sáng 6/5/2022, khi nhận được thông tin các tàu bị cơ quan chức năng kiểm tra, lo sợ bị phát hiện, Chinh đã chuyển 2,9 tỷ đồng sang tài khoản của Nguyễn Thị Chăm (vợ Chinh). 

Sau đó, vợ chồng Chinh cùng Bùi Văn Bản (cháu gọi Chinh bằng cậu) ra ngân hàng rút 6,4 tỷ đồng (bao gồm cả tiền trong tài khoản của Chăm), nộp vào tài khoản của Bản để dùng vào nhiều mục đích khác nhau. Ngoài ra, Bản còn được Chinh đưa thêm 3 tỷ đồng để giải quyết việc cho Chinh. Hành vi của Chăm và Bản đã phạm vào tội “Rửa tiền”.

Tiếp đó, Chinh còn nhờ bị cáo Trương Văn Thắng tìm người có khả năng lo lót để chỉ bị xử phạt hành chính, không bị tịch thu tàu. Sau đó, Thắng liên hệ nhờ Bùi Văn Cường tìm giúp .

Thông qua giới thiệu của người quen, Cường gặp Trịnh Văn Hưng, khi đó đang công tác tại Cục Hậu cần (Bộ Công an), nhờ giúp đỡ. Hưng đồng ý và nói sẽ cần 3 tỷ đồng để “lo lót".

Sau khi nhận tiền, Hưng đưa Cường, Thắng tới trụ sở Cục CSGT gặp một cán bộ đang thụ lý, giải quyết việc của Chinh.

Sau buổi gặp, Thắng về Hải Dương và liên hệ các chủ tàu bị giữ tàu để lấy giấy ủy quyền và cho chủ tàu ký tên vào giấy ủy quyền cho Thắng nhưng ghi lùi ngày giao tàu là 2/3/2022.

Tiếp đó, Thắng liên hệ với bị cáo Bùi Văn Song (khi đó là Phó bí thư thường trực xã Minh Hòa, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) đến gặp bị cáo Phạm Thị Hoa (là Phó chủ tịch xã) để ký xác nhận vào giấy ủy quyền.

Sau đó, Thắng cung cấp cho cơ quan điều tra những giấy ủy quyền này để đưa vào hồ sơ vụ án, gây khó khăn, ảnh hưởng hoạt động điều tra.

Ngày 24/5/2022, Thủy đoàn II chuyển toàn bộ vụ án cho Cơ quan CSĐT Công an TPHCM giải quyết theo thẩm quyền. 

Đối với bị cáo Trịnh Văn Hưng (cựu cán bộ Cục Hậu cần), cơ quan điều tra xác định bị cáo không quen biết, không có khả năng tìm gặp người có chức vụ quyền hạn để giải quyết việc xử phạt hành chính cho bị cáo Chinh. Số tiền nhận từ Chinh, Hưng sử dụng vào mục đích cá nhân. Với hành vi này, Hưng bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.