Theo quy định của Hiến pháp Mỹ, tổng thống phải đọc Thông điệp liên bang hàng năm để cung cấp thông tin cho Quốc hội về hiện trạng đất nước và các ưu tiên cho tương lai.

Vào 21h giờ miền đông nước Mỹ ngày 7/3 (9h giờ Việt Nam sáng 8/3), Tổng thống Biden đã đọc bài diễn văn quan trọng này lần cuối trong nhiệm kỳ của ông trước phiên họp chung của Hạ viện và Thượng viện cũng như đông đảo khán giả truyền hình.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của viện trợ cho Ukraine

Mở đầu Thông điệp liên bang lần thứ 3 của mình với tư cách lãnh đạo Nhà Trắng, ông Biden cho biết Mỹ đang phải đối mặt với một “thời điểm chưa từng có”. Ông kêu gọi Mỹ tiếp tục viện trợ cho Ukraine, viện dẫn tự do và dân chủ đang bị tấn công “cả ở trong và ngoài nước”.

CNN dẫn lời ông Biden nói, mục đích bài diễn văn hôm nay của ông là “thức tỉnh Quốc hội và cảnh báo người dân Mỹ” về mối đe dọa. “Nếu bất kỳ ai trong khán phòng này nghĩ Tổng thống Nga Vladimir) Putin sẽ dừng lại ở Ukraine, tôi xin đảm bảo với các bạn ông ấy sẽ không dừng lại”, tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Ông Biden cũng nhắc lại rằng, Kiev đang đề nghị hỗ trợ quân sự và vũ khí, chứ không phải binh lính để giúp chống lại Nga trong cuộc xung đột đã bước sang năm thứ 3. Ông đồng thời khẳng định Mỹ sẽ không điều quân tới Ukraine.

Dù không nhắc trực tiếp đến tên cựu Tổng thống Trump, nhưng ông Biden đã đổ lỗi cho người tiền nhiệm về việc Quốc hội không chuyển thêm viện trợ cho Kiev. Ông Biden còn chỉ trích phát biểu trước đây của ông Trump, có nội dung khuyến khích Nga tấn công bất kỳ nước NATO nào không đáp ứng yêu cầu chi tiêu quốc phòng của liên minh quân sự này là “thái quá, nguy hiểm và không thể chấp nhận được”.

Thông báo thiết lập cảng tạm thời cho viện trợ tới Gaza, yêu cầu Israel bảo vệ dân thường

Ông Biden cho biết, ngay trong buổi tối đọc Thông điệp liên bang, ông đã chỉ đạo quân đội Mỹ “dẫn đầu một nhiệm vụ khẩn cấp nhằm thiết lập một bến tàu tạm thời ở Địa Trung Hải, bên bờ biển Gaza để có thể tiếp nhận các chuyến hàng lớn chở thực phẩm, nước uống, thuốc men và lều bạt trú ẩn tạm thời” cho người dân trong khu vực.

Theo lãnh đạo Nhà Trắng, Israel có quyền thực hiện các biện pháp trả đũa Hamas vì vụ đột kích đẫm máu của nhóm vũ trang Hồi giáo này vào lãnh thổ của họ hôm 7/10/2023. Tuy nhiên, Tel Aviv phải có trách nhiệm bảo vệ dân thường trong chiến dịch quân sự chống Hamas ở Dải Gaza.

biden doc thong diep lien bang 3.jpg
Ảnh: CNN

Lên án ông Trump và phe Cộng hòa vì vụ bạo loạn 6/1

Ông Biden nhắc lại sự cố xảy ra ngày 6/1/2021, khi những người biểu tình quá khích ủng hộ ông Trump đã gây bạo loạn tại trụ sở Quốc hội Mỹ trên Đồi Capitol nhằm ngăn chặn các nhà lập pháp phê chuẩn kết quả bầu cử tổng thống năm 2020.

Lãnh đạo Nhà Trắng gọi đây là “ngày đen tối nhất, khi những kẻ nổi dậy kề dao găm đe dọa nền dân chủ Mỹ”. Ông Biden cũng cáo buộc ông Trump và đảng Cộng hòa cố gắng “chôn vùi sự thật” về sự cố này.

Cam kết khôi phục quyền nạo phá thai

Ông Biden công kích ông Trump vì vụ Tòa án tối cao Mỹ đảo ngược phán quyết công nhận quyền nạo phá thai của phụ nữ hồi năm 2022. Ông cũng cam kết khôi phục quyền này của phái yếu trong các bộ luật của Mỹ.

Theo lãnh đạo Nhà Trắng, đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều cử tri trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 và sẽ tiếp tục là chủ đề quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay.

Ca ngợi các thành tựu kinh tế Mỹ

Ông Biden dành nhiều thời gian ca ngợi các thành tựu kinh tế đất nước đạt được trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Ông tuyên bố, nền kinh tế Mỹ “khiến thế giới ghen tị”, trong bối cảnh châu Âu gần lâm vào suy thoái và Trung Quốc đang phải chật vật thúc đẩy tăng trưởng.

Theo nhiều số liệu, nền kinh tế Mỹ đang phát triển mạnh mẽ với thị trường việc làm tăng mạnh, người tiêu dùng chi tiêu trở lại và lạm phát đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm. Điều đó khiến ông Biden đã phải liên tục hỏi các cố vấn của mình vì sao có quá nhiều người Mỹ vẫn không cảm thấy hài lòng về nền kinh tế. Tới 48% người Mỹ tin kinh tế đất nước vẫn đang trong thời kỳ suy thoái, theo cuộc thăm dò dư luận mới nhất của CNN.

Giới quan sát nhận định, sự mất kết nối đó có khả năng ảnh hưởng lớn đến triển vọng chính trị của đương kim tổng thống. Các cố vấn Nhà Trắng và chiến dịch vận động tái tranh cử của ông thừa nhận, cảm nhận của cử tri về vấn đề này có thể quyết định việc ông Biden có đắc cử nhiệm kỳ 2 trong cuộc tổng tuyển tháng 11 hay không.

Trực tiếp nói về vấn đề tuổi tác

Ông Biden hiếm khi nói về tuổi tác của mình, nhưng khi kết thúc Thông điệp liên bang năm nay, ông đã trực tiếp đề cập đến vấn đề bị coi là “nhạy cảm” này.

“Khi bạn ở độ tuổi của tôi, một số điều trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Tôi biết câu chuyện của người Mỹ. Hết lần này đến lần khác, tôi đã thấy sự tương phản giữa các lực lượng cạnh tranh trong cuộc chiến vì linh hồn của đất nước chúng ta, giữa những người muốn kéo nước Mỹ quay về quá khứ và những người muốn đưa nước Mỹ tiến vào tương lai”, vị tổng thống 81 tuổi nói.

“Người ta nói tôi đã quá già. Nhưng dù già hay trẻ… tôi luôn biết điều gì sẽ trường tồn. Tôi biết ngôi sao bắc đẩu của chúng ta, ý tưởng của người Mỹ, rằng tất cả chúng ta sinh ra đều bình đẳng, xứng đáng được đối xử bình đẳng trong suốt cuộc đời. Chúng ta chưa bao giờ thực hiện được đầy đủ ý tưởng đó. Chúng ta cũng chưa bao giờ rời xa nó. Và tôi sẽ không rời bỏ nó bây giờ”, ông Biden quả quyết.