Những nỗ lực không mệt mỏi của ASEAN trong phòng chống đại dịch và hồi phục kinh tế đã giúp triển vọng tăng trưởng của các nước khu vực tương đối sáng sủa trong năm 2022.

Theo đánh giá chung của các chuyên gia, vai trò của ASEAN trong tăng trưởng bền vững toàn cầu đang và sẽ luôn “đáng kể” những năm tới đây, song khu vực cần phải tập trung hơn nữa để thực hiện các cam kết mở với thương mại và đầu tư, tăng cường bền vững và liên tục cập nhập thông qua số hóa.

Ổn định khu vực là một trọng tâm nghị sự được các nhà lãnh đạo ASEAN đặc biệt quan tâm

Trong bối cảnh đó, việc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia đối tác đối thoại là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã phát đi tín hiệu rõ ràng đến cộng đồng quốc tế rằng khu vực Đông Nam Á luôn mở với doanh nghiệp. Là sáng kiến của ASEAN, vai trò trung tâm của ASEAN trong RCEP sẽ có ý nghĩa quyết định.

Đây được đánh giá có thể là bước ngoặt giúp ASEAN thúc đẩy sự điều phối và hợp tác để ứng phó những thách thức trong thế giới hậu đại dịch, đồng thời thể hiện vai trò một khu vực mở và bao trùm với trọng tâm là ổn định khu vực và thịnh vượng kinh tế.

Ổn định khu vực cũng là một trọng tâm nghị sự được các nhà lãnh đạo ASEAN đặc biệt quan tâm, thảo luận và tìm kiếm giải pháp. Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị cấp cao lần thứ 38 và 39 thể hiện quan ngại của nhiều nhà lãnh đạo ASEAN về những hành động đơn phương và sự cố nghiêm trọng trên Biển Đông; tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường xây dựng lòng tin và tin cậy lẫn nhau, kiềm chế những hành động làm phức tạp tình hình; duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Văn Quý