Ồn ào tranh chấp chỉ vì tên gọi 

Những ngày qua, lùm xùm về mâu thuẫn tên gọi Hoa hậu Biển Việt Nam giữa 2 đơn vị trên gây xôn xao mạng xã hội. 

Ông Lý Minh Tuấn - đại diện Công ty Phương Nam nói đã gửi kiến nghị đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan chức năng khẳng định mình là tác giả và chủ sở hữu hợp pháp của tên gọi "Hoa hậu Biển Việt Nam".

4858_Ynh_VH.jpg
Hoa hậu Biển Việt Nam 2016 Phạm Thùy Trang (giữa) và các á hậu.

Ông Tuấn cũng nộp đơn khiếu nại đối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận khiếu nại việc chấp thuận cho Công ty Hoàng Duy được phép tổ chức cuộc thi với tên gọi tương tự. 

Theo ông Tuấn, cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam đã được công ty ông tổ chức năm 2016, năm 2018 tại Quảng Ninh và Kiên Giang. 

"Tên gọi cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam đã được chúng tôi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ với Cục Sở hữu Trí tuệ vào năm 2015 và được công bố vào năm 2016", phía Phương Nam cho biết. 

Theo ông Tuấn, việc đơn vị khác - Công ty TNHH truyền thông giải trí quốc tế Hoàng Duy - tổ chức cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam 2024 diễn ra cuối tháng 12 năm nay tại Bình Thuận là vi phạm bản quyền sở hữu tên gọi.

Trong khi đó, Công ty Hoàng Duy cho rằng tên gọi “Hoa hậu Biển Việt Nam” không thuộc đối tượng được bảo hộ độc quyền và mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền sử dụng theo quy định pháp luật. 

"Hoa hậu Biển Việt Nam" không được bảo hộ độc quyền

Theo tra cứu từ Cục Sở hữu trí tuệ, Công ty Phương Nam đã đăng ký nhãn hiệu là logo Hoa hậu Biển Việt Nam nhưng dưới dạng tổng thể bao gồm hình ảnh, màu sắc và kiểu dáng.

Vì vậy, tên gọi "Hoa hậu Biển Việt Nam" không được bảo hộ độc quyền dưới dạng nhãn hiệu. Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có quyền sử dụng tên gọi, miễn sao không xâm phạm quyền lợi hợp pháp khác.

batch_c2deee800c7ab124e86b.jpg
Ông Trung Hoàng, đại diện Công ty Hoàng Duy - đơn vị tổ chức Hoa hậu Biển Việt Nam 2024. 

"Việc Công ty Phương Nam sở hữu nhãn hiệu Hoa Hậu Biển Việt Nam dưới hình thức tổng thể (bao gồm cả hình vương miện) và việc Công ty Hoàng Duy sở hữu logo Hoa hậu Biển Việt Nam là hai vấn đề hoàn toàn tách biệt, minh bạch và không có sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giữa hai bên", phía Hoàng Duy cho biết. 

Đơn vị này thực hiện thủ tục đăng ký với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận để tổ chức cuộc thi và đã được Sở phê duyệt theo Giấy phép số 85/SVHTTDL-QLVHGĐ ngày 14/8/2024. 

Ông Trung Hoàng, đại diện công ty khẳng định những cáo buộc vừa qua về việc Công ty Hoàng Duy vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khi chưa có đủ căn cứ pháp lý và việc lan truyền thông tin sai lệch gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị.

Hành vi này không chỉ tạo ra tranh cãi không đáng có mà còn làm tổn hại danh tiếng của cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam 2024, đặc biệt trong giai đoạn chuẩn bị bước vào vòng chung kết.

09 sv.jpg
Các người đẹp dự thi "Hoa hậu Biển Việt Nam" 2024. 

Phía Hoàng Duy yêu cầu Công ty Phương Nam dừng hành vi lan truyền các thông tin sai sự thật, thiếu căn cứ pháp lý liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam 2024; đồng thời cần đính chính và công khai xin lỗi công ty về các thông tin sai lệch đã đưa ra. 

"Trường hợp Công ty Phương Nam và các cá nhân, tổ chức liên quan không có thiện chí phối hợp để giải quyết, chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp pháp lý để đảm bảo quyền lợi", đại diện Công ty Hoàng Duy phản hồi. 

Ảnh: Tư liệu