Hết thời sốt đất, bất động sản Quảng Ninh giảm sâu
Đây là đánh giá được Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nêu ra tại Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) quý III/2020.
Theo khảo sát của Hội Môi giới, mặc dù là thị trường lớn và có quãng thời gian sôi động trước đó, nhưng hiện nay, thị trường bất động sản Quảng Ninh cho thấy có dấu hiệu chậm phát triển và ít giao dịch.
Trong quý III/2020 chỉ ghi nhận khoảng 10 dự án có hoạt động bán hàng tại Hạ Long. Riêng tại khu vực huyện Hoành Bồ (có quy hoạch sát nhập vào đô thị Hạ Long) là nơi có hoạt động chào bán đất đai sôi động hơn nhưng các nhà đầu tư mới dừng lại ở mức đi tìm hiểu.
Thị trường bất động sản Quảng Ninh cho thấy có dấu hiệu chậm phát triển |
Ghi nhận trên thị trường, nhiều dự án điều chỉnh giá bán, giảm sâu so với thời gian sốt trước đây từ hơn 30 triệu/m2 xuống còn 23-27 triệu/m2.
Hội Môi giới cho rằng, nguyên nhân chính bởi ảnh hưởng dịch bệnh Covid khiến các nhà đầu tư tâm lý e ngại, thăm dò, chờ đợi cơ hội và sự giảm giá. Quan điểm của các chủ đầu tư tại thời điểm này cho rằng, "nếu đưa hàng ra thị trường trong giai đoạn này kể cả giảm giá cũng rất khó bán". Vì vậy, các hoạt động chào bán tại Quảng Ninh 9 tháng đầu năm 2020 cũng rất hạn chế.
Trước đó, khoảng gần cuối năm 2019, trên địa bàn phường Hà Khánh (TP Hạ Long) và xã Thống Nhất, Lê Lợi (huyện Hoành Bồ) đã diễn ra tình trạng đầu cơ tích trữ, mua bán, giao dịch đất rầm rộ…
Đơn cử, tại Khu quy hoạch dân cư tập trung Yên Giang (phường Yên Giang, TX Quảng Yên) trong khi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ngay tại phiên đấu giá, mỗi lô đất đều được đẩy cao gấp từ 3 - 4 lần so với giá khởi điểm chỉ từ 4 - 5 triệu đồng/m2. Kết quả, đất tại khu vực phường Yên Giang được đấu giá bán với mức giá từ 1,6 - 2 tỷ đồng/lô, diện tích từ 100 m2 đến hơn 200m2. Tuy nhiên, rất ít người dân có nhu cầu mua đất để ở đấu giá thành công. Phần lớn, đất thuộc về tay các "cò" và ngay sau đó, giá bán được giới đầu tư đẩy lên giao bán với mức từ 18 - 22 triệu đồng/m2. Trước những diễn biến trên, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định tạm dừng đấu giá đất nền trên địa bàn TX Quảng Yên.
Hồi đầu năm 2019 trên địa bàn huyện Vân Đồn, huyện Hoành Bồ cũng xuất hiện tình trạng giá đất sốt ảo, tăng phi mã. Đáng chú ý, tình trạng "cò đất", thổi giá diễn ra khá phổ biến, làm cho thị trường tại đây rơi vào tình trạng sốt ảo, khó kiểm soát, nguy cơ bong bóng buộc cơ quan chức năng vào cuộc, tiến hành thanh tra làm rõ.
Đất nền Bắc Ninh khoảng 90% giao dịch đất nền là đầu cơ
Trong khi thị trường bất động sản ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM gặp không ít khó khăn về quỹ đất hạn hẹp, giá đất tăng cao thì không ít người trong giới đầu tư bất động sản lại kiếm được những khoản lợi nhuận từ chính các thị trường tỉnh lẻ, các thành phố mới nổi.
Tại các tỉnh phía Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc… được coi là những “điểm nóng” hút tiền các nhà đầu tư khi ôm tiền rời Hà Nội. Tại các thị trường này cũng ghi nhận sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp lớn. Vốn là chủ đầu tư “nằm vùng” ở thị trường TP HCM, đầu năm 2019, Công ty Cổ phần Him Lam đã ghi dấu “Bắc tiến” trong đó Bắc Ninh là điểm đến mở đầu của doanh nghiệp này. Hàng loạt các dự án lớn "bung hàng" như Khu đô thị Him Lam Green Park, Khu đô thị Phúc Ninh, Khu đô thị Dabaco Vạn An, Khu đô thị Vườn Sen, Khu đô thị Dabaco Lạc Vệ, Khai Sơn City Thuận Thành, Khu đô thị Sing Garden thuộc VSIP Bắc Ninh…
Tại báo cáo thị trường bất động sản quý III/2020, Hội môi giới Bất động sản Việt Nam nhìn nhận, thị trường giao dịch mạnh ở phân khúc đất nền nhất là khu vực trung tâm thành phố và ven các khu công nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang. Lượng giao dịch, giá đất nền tăng mạnh so với quý I và II.
Tuy nhiên, Hội môi giới cảnh báo, giao dịch chủ yếu là hoạt động mua đi bán lại, lượng sản phẩm mới rất hạn chế. Đặc biệt, có hiện tượng các môi giới và một số nhà đầu tư thổi giá, lướt sóng.
"Theo thống kê có khoảng 90% giao dịch trên thị trường Bắc Ninh là đầu cơ nên thị trường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, khó lường. Vì vậy, các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường cần hết sức thận trọng", báo cáo Hội Môi giới cảnh báo.
Ngoài đất nền, phân khúc về chung cư vẫn đứng giá, giao dịch chậm không đáng kể. Không có dự án mới, sản phẩm mới chào bán ra thị trường.
Thực tế đã cho thấy, nhiều thị trường tỉnh lẻ bị cò đất thao túng làm giá đất lên cao nhưng cũng hạ nhiệt nhanh chóng khi có những tác động từ nhiều yếu tố. Chuyên gia bất động sản cho rằng, chính quyền các địa phương cần phải giám sát và xử lý ngăn chặn. Các nhà đầu tư cần hết sức cảnh giác và không nên tham gia góp vốn vào các dự án. Trước khi rót vốn nên kiểm tra quy hoạch và tính pháp lý trước và phải kiểm tra biên độ tăng giá của sản phẩm bất động sản trong 1 năm. Nếu mức tăng vượt quá 20%, nhiều khả năng đây là chiêu trò thổi giá của giới cò đất.
Nhận định về thị trường bất động sản thời gian qua, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận có tình trạng đầu cơ thổi giá gây nên tình trạng sốt ảo thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.
Theo Bộ Xây dựng, giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo trên cơ sở nghiên cứu quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển cho từng sản phẩm, nắm chắc tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên cả nước.
Thuận Phong
Chi phí ‘không tên’ đẩy giá nhà cao ngất, Bộ Xây dựng đề xuất nhà 20 triệu/m2
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, Bộ đề xuất có thêm loại nhà ở thương mại giá rẻ 20-28 triệu đồng/m2, cho phép xây nhà có diện tích dưới 45m2 tạo nguồn cung cho nhà phân khúc tầm trung vừa mức hộ gia đình mua được.