Không ít người tiêu dùng xem YouTube, TikTok, tin lời nhận xét, đánh giá có cánh của các chủ kênh nổi tiếng và mua phải hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng.
Trả tiền là có đánh giá tốt
Nhiều người - nhất là người trẻ - đang có xu hướng xem đánh giá (review) trên các mạng xã hội trước khi mua hàng, trải nghiệm dịch vụ ăn uống, giải trí. Nắm được xu hướng này, rất nhiều chủ kênh YouTube, TikTok, tài khoản Instagram đổ xô làm video ẩm thực. Chủ quán ăn, nhà cung cấp dịch vụ chỉ cần trả phí để được các “nhà sáng tạo nội dung” trên các mạng này đánh giá tốt về đồ ăn, dịch vụ của mình.
Trong vai một chủ quán chè vừa mới kinh doanh, chúng tôi muốn cửa hàng được đánh giá tốt trên các trang ẩm thực nổi tiếng thì được Huy - chủ một website chuyên thực hiện các dịch vụ viết quảng cáo - cho biết, sẽ hỗ trợ với điều kiện là được cung cấp địa chỉ.
Theo Huy, nếu chọn gói 10 triệu đồng, Huy sẽ cho người đến quán quay phim và phát trực tiếp (livestream) để giới thiệu địa điểm lên trang diadiemanuong.com. Cùng mức phí này, Huy cũng có thể cử người viết một bài nhận xét về quán, đăng lên trang diadiemanuong.com, chia sẻ link trên Facebook (fanpage). Nếu chọn gói 8 triệu đồng, Huy sẽ tạo cho quán một khung giới thiệu trên diadiemanuong.com, chủ quán tự viết một bài giới thiệu về quán không quá 1.000 chữ và 20 ảnh, Huy sẽ viết chú thích ảnh, chia sẻ link quảng cáo bài lên fanpage của trang web này.
Có nhiều mức giá để đăng bài đánh giá trên trang Foody (trang chuyên giới thiệu các địa điểm ăn uống). Nếu chỉ tạo địa điểm quán trên trang và trên ứng dụng (app), được giới thiệu tối đa ba bài, chủ quán phải trả 3,5 triệu đồng; muốn đăng ảnh bìa lên trang, chủ quán trả 7,8 triệu đồng, đăng video lên bìa thì trả 9,5 triệu đồng. Nếu tạo điểm quán, viết bài đánh giá, có người đến trải nghiệm thực tế tại quán ăn, chụp 100 tấm ảnh, tạo bản đồ trên Google Maps, đăng bài viết lên fanpage, Instagram của Foody thì có giá từ 12 - 15 triệu đồng (đăng dạng ảnh hoặc video).
Anh Khắc Thủy - chủ quán The Journey Tea trên đường Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TPHCM - cho biết, quán anh từng được Foody liên hệ để họ làm kênh giao hàng với chiết khấu là 20% trên hóa đơn. Đây cũng là một hình thức quảng cáo bởi quán sẽ được đăng hình ảnh giới thiệu trên Facebook, được đăng bài đánh giá chất lượng, thái độ phục vụ, không gian quán. Theo anh Thủy, đợi người nổi tiếng đến quay phim, chụp hình, bình luận sẽ lâu, lại có thể chỉ toàn đánh giá không tốt nên một số quán phải nhờ dịch vụ quảng cáo để tăng nhanh lượng tương tác, có được lời nhận xét tốt.
Khi liên hệ với quản lý của một chủ kênh TikTok về ẩm thực đang có hơn 400.000 lượt theo dõi, chúng tôi được báo giá 25 triệu đồng/video. “Tùy lượng người theo dõi nhiều hay ít mà giá cao hay thấp. Các tiktoker khác cũng thu mức giá từ 10 - 25 triệu đồng. Còn mức phí quảng cáo bình thường trên TikTok cũng từ 10 - 50 triệu đồng nhưng phải mua gói đắt tiền mới được quay video. “Bên này sẽ bao trọn gói từ A đến Z. Em cứ suy nghĩ rồi báo sớm. Quảng cáo qua mấy trang ẩm thực vừa tốn tiền, vừa không hiệu quả bằng tiktoker vừa ăn vừa review đâu” - người quản lý này nói.
Không nên tin lời các "sao" trên mạng
Theo một số người chuyên làm dịch vụ review, khách hàng của dịch vụ này chủ yếu là các quán ăn mới mở hoặc người kinh doanh đồ ăn vặt phục vụ giới trẻ. Những quán ăn lớn, chuỗi nhà hàng kinh doanh lâu đời, đã có uy tín không thích quảng bá qua dịch vụ này.
Nhiều người tiêu dùng phản ánh sự thất vọng về chất lượng dịch vụ ăn uống quá tệ, bị chặt chém… hoàn toàn khác với review của các tiktoker, youtuber - ẢNH: T.H
Ông Lý Nhất Hiếu - chủ hệ thống nhà hàng Hàng Dương Quán - kể, đại diện một số trang web ẩm thực nổi tiếng cũng liên hệ, đặt vấn đề quảng cáo nhưng ông từ chối vì cho rằng, những đánh giá từ dịch vụ này không khách quan: “Tôi cũng từng chọn quán ăn theo đánh giá trên mạng xã hội nhưng kết quả khiến tôi thất vọng”.
Trên các diễn đàn về ẩm thực, không ít khách hàng bày tỏ sự thất vọng khi tin vào các video đánh giá trên mạng xã hội. Mới đây, một người tiêu dùng là chị Ngọc đã đăng bài trên Facebook, phản ánh việc bị một quán mì vịt tiềm ở Q.Phú Nhuận, TPHCM “chặt chém”. Chị viết: “Lướt YouTube, TikTok, thấy review quán này ngon lắm, gia truyền mấy đời nhưng vào quán rồi mới thất vọng. Quán không để giá trên thực đơn, khi tính tiền thì một tô mì vịt tiềm giá 115.000 đồng, phần há cảo 5 viên đi kèm bình thường bị tính 100.000 đồng. Chất lượng món ăn cũng tệ, chủ quán để thức ăn trên bàn như kiểu dằn mặt khách, nhân viên ghi sai món và quán làm lại món khác nhưng tính tiền hai món”.
Ngày 7/8 vừa qua, một nam thanh niên tại Hà Nội cùng bốn người bạn đi ăn chè tại một chuỗi tiệm chè có tiếng ở Q.Đống Đa, Hà Nội, từng được nhiều tiktoker giới thiệu. Sau khi ăn, hai người trong nhóm có biểu hiện ngộ độc thực phẩm với biểu hiện nôn mửa, đi ngoài, chóng mặt.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) - cho hay, những đánh giá của những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội rất dễ tác động đến hành vi của khách hàng, nhất là giới trẻ. Để có những đánh giá tốt, một số điểm kinh doanh phải nhờ vào các dịch vụ, người nổi tiếng đến quay clip, có khi mời hoa hậu, người mẫu, ca sĩ. Chỉ cần họ đến nơi, ăn thử một món nào đó rồi đăng ảnh lên Facebook, đăng video lên TikTok là ngày hôm sau, giới trẻ rần rần xếp hàng chờ mua. Người nổi tiếng chỉ cần được thuê là đến, không cần tìm hiểu kỹ trong sản phẩm có gì, cơ sở được cấp phép hay chưa, thực phẩm có ảnh hưởng gì đến người dùng hay không.
Thời gian qua, một số người nổi tiếng đã quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, nước uống sử dụng nguyên liệu quá hạn, chứa chất cấm gây ảnh hưởng tim mạch, huyết áp hoặc chưa được kiểm chứng về công dụng, hiệu quả. Cũng có một số cạnh tranh không lành mạnh bằng cách mua sản phẩm, dịch vụ của đối thủ rồi đánh giá không tốt. Ông Nguyễn Ngọc Dũng nói: “Nếu người tiêu dùng chỉ dựa vào đánh giá “5 sao”, các video của người nổi tiếng rồi cho rằng sản phẩm đó tốt hoặc kém chất lượng để quyết định dùng hoặc không dùng là không chính xác. Để biết đánh giá đó trung thực hay không, cần đối chiếu nhiều nguồn”.
Nhiều nhà hàng đã cấm cửa tiktoker
Tại một số nước, vì không muốn bị chi phối bởi các bài đăng trên các nền tảng trực tuyến mà một số chuỗi nhà hàng đã ra lệnh cấm các tiktoker chuyên review ẩm thực. Chẳng hạn năm 2019, nhiều nhà hàng tại Úc và Hàn Quốc đã treo biển cấm youtuber, tiktoker, mukbang (người phát sóng cảnh ăn uống) vì những người này xem mình là sao và có những đòi hỏi vô lý như nhà hàng phải chuẩn bị không gian quay phim, bữa ăn miễn phí, trả chi phí quay. Năm 2020 thì một quán cà phê tại Đài Loan (Trung Quốc) cũng thông báo cấm cửa tất cả những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đến quay phim, chụp hình. Năm 2021, một chuỗi nhà hàng sushi tại Mỹ và Canada đã treo biển cấm khách quay TikTok khi đến dùng bữa.
Gần đây nhất vào tháng 8/2022, một quán ăn có tiếng tại Việt Nam cũng đã dán ảnh miễn tiếp hai tiktoker review có tiếng khi họ có nhiều nhận xét tiêu cực khiến quán gặp không ít khó khăn vì mất khách.
Nhận biết review giả khi mua hàng
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), thói quen tìm kiếm và đọc bài, xem video đánh giá trước khi mua hàng hiện khá phổ biến, nhất là khi mua trực tuyến (online). Một số điểm để nhận biết lời đánh giá không trung thực là: dẫn link hoặc cung cấp mã hàng để người xem mua hàng; nội dung và hình thức nhận xét không hợp lý. Chẳng hạn nói sản phẩm có giá rẻ nhưng chất lượng tương đương sản phẩm cao cấp hoặc nhận xét quá tiêu cực nhưng không đưa ra lý do; nhận xét quá tích cực về sản phẩm, dịch vụ mới ra mắt kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, rầm rộ; nhiều người nổi tiếng nhận xét về cùng một sản phẩm, dịch vụ và cùng thời điểm trên mạng xã hội; đăng bài nhận xét trên trang mập mờ về thông tin cá nhân.