Olympic 2012 được tổ chức ở Luân Đôn, điều này ai cũng biết. Nhưng nhiều người lại muốn so sánh nó với Olympic Bắc Kinh 2008, thay vì tập trung vào hiện tại. Thực hư câu chuyện này đến đâu...

Olympic 2012 vẫn là của Trung Quốc?

Sau đêm mở màn ấn tượng, đặc sắc, đậm chất Anh dưới sự đạo diễn tài ba của Danny Boyle, người Anh hoàn toàn có thể tự hào về kỳ Olympic lần thứ ba nhưng độc nhất vô nhị được tổ chức trên quê hương của họ.

Nhưng khác với dấu ấn Anh có phần khiêm tốn tại Olympic Bắc Kinh 2008, tại Olympic lần này người ta thấy bóng dáng Trung Quốc ở khắp mọi nơi.

Trước hết là đoàn vận động viên 380 người hùng hậu của Trung Quốc tham gia tranh tài trong 23 bộ môn khác nhau. Như vậy chỉ có 3 bộ môn là không có sự tham gia của các vận động viên Trung Quốc.

Đó là về số lượng. Còn về chất lượng, chuyên gia Olympic nổi tiếng thế giới Luciano Barra đã đưa ra dự đoán rằng năm nay Trung Quốc lại tiếp tục chiếm vị trí số một trên bảng tổng sắp với gần 100 huy chương vàng. Nhiều môn thi đấu được cho là thuộc ưu thế của Trung Quốc, đặc biệt với bóng bàn, đội tuyển Trung Quốc sẽ không có đối thủ.

Tiếp đến là sự hiện diện đông đảo của giới doanh nghiệp và sản phẩm "Made in China" tại kỳ Olympic lần này. Trước lễ khai mạc bắt đầu chỉ vài hôm đích thân Thủ tướng Anh David Cameron dù rất bận rộn nhưng phải dành thời gian tiếp một đoàn doanh nghiệp Trung Quốc, bao gồm các doanh nhân hàng đầu như Liu Chuanzhi - Chủ tịch Tập đoàn Lenovo và Zhu Xinli - Chủ tịch Tập đoàn nước giải khát Huiyuan. Trước đó, chính đoàn doanh nghiệp này đã có cuộc thảo luận chi tiết về các dự án đầu tư với Thị trưởng Luân Đôn Boris Jonhson. Các doanh nhân Trung Quốc đến Luân Đôn lần này để tranh thủ đà "đang lên" của Luân Đôn nhờ hiệu ứng Olympic.

Trong khi mọi con mắt đổ dồn vào sự kiện lần này đội tuyển Olympic Mỹ mặc trang phục "Made in China", ít người để ý rằng các nhà may và hãng thời trang nội địa của Trung Quốc còn cung cấp trang phục cho nhiều đội tuyển khác.


Tờ ChinaDaily ngày 29/7 còn tỏ ra đầy tự hào vì các trang phục này không chỉ được sản xuất mà còn thiết kế ở Trung Quốc. Tỷ lệ may và thiết kế hiện nay ở nhiều công ty Trung Quốc là 50/50. Trang phục của đội tuyển Hà Lan hoàn toàn được thiết kế từ Trung Quốc. Riêng hãng Peak, một công ty nội địa Trung Quốc đã vươn lên vị trí số 3 trong số các hãng tài trợ trang phục thi đấu, chỉ sau hai gã khổng lồ Nike và Addidas. Thậm chí do thời gian đặt gấp, hãng Peak còn từ chối tài trợ cho 10 đội tuyển khác.

Xếp ngay sau Peak là Li-Ning, hãng trang phục thể thao mang tên vận động viên từng dành huy chương vàng Thế vận hội của Trung Quốc. Năm nay, Li-Ning tài trợ cho 600 vận động viên từ 17 quốc gia trên cả 5 châu lục. Ngoài hai hãng trên là các tên tuổi "quen thuộc" khác của Trung Quốc như Adivon, Qiaodan, Erke, 361 and Xtep. Điều này không gây ngạc nhiên. Từng là một nước "dệt may" lớn, nhưng một thập kỷ lại nay, Trung Quốc đã cho ra lò hàng trăm nghìn công ty thời trang, trên cơ sở "bắt tay" với các hãng thời trang lớn của thế giới.

Một công ty khác của Trung Quốc, Kings Industrial, từ tỉnh Triết Giang, cung cấp hầu hết quốc kỳ sử dụng trong kỳ Olympic 2012. Một con số kỷ lục 40 triệu lá cờ đã được công ty này bán ra. Trong khi đó Quanzhou Epoch Travelling Goods ký hợp đồng cung cấp hơn 1/5 túi nhựa cho các đội tuyển dự Olympic.

Tổng thể, các công ty của Trung Quốc chiếm hơn 65% các sản phẩm thương mại bán tại Olympic Luân Đôn lần này, từ các linh vật đến cốc tái chế, từ túi đựng đến trang phục thi đấu.

Một thống kê khác cho thấy trong khi chưa đầy 70% người Anh theo dõi sát kỳ Olympic tổ chức ngay trên quê hương của họ thì có đến hơn 90% người Trung Quốc cho biết họ sẽ theo dõi ít nhất một vài môn đấu. Quả thật không quá lời khi nói ở một vài phương diện nào đó Olympic lần này lại là của Trung Quốc.

Không hẳn như vậy

Thị trưởng Luân Đôn, ông Boris Johnson, người có vinh dự đến Bắc Kinh cách đây 4 năm để nhận lá cờ chuyển giao nước chủ nhà, cách đây hai hôm đã phát biểu với báo giới rằng ý định của Anh là so đo độ hoành tráng với nước chủ nhà trước, nhưng theo "một cách khác biệt".

Rõ ràng nếu nhìn vào đặc thù văn hóa-lịch sử, nước Anh không thể là Trung Quốc. Cũng như nhiều nước trên thế giới, người Anh có thể học nhiều điều và ngưỡng mộ nền văn minh Trung Quốc ngay từ những ngày đầu họ đặt chân đến quê hương của Khổng Tử.

Nhưng người Anh cũng có nhiều điều để gây ấn tượng không kém đối với người Trung Quốc. Trên đường từ sân bay về Bắc Kinh hôm nay, mặc dù người lái taxi không nói được tiếng Anh nhưng tôi vẫn thấy anh ta nghe Hey Jude, siêu phẩm âm nhạc của Beattle được Ngài Paul McCartney trình diễn lại trong đêm khai mạc Olympic 2012.

Cũng tại Bắc Kinh, trước khi tôi đến một ngày đã diễn ra trận đấu giữa Arsenal và Manchester City trong khuôn khổ Cup Winoly. Hàng chục nghìn người hâm mộ Trung Quốc đã kéo đến sân vận động Tổ chim để chứng kiến các thần tượng của họ từ các đội bóng Anh.

Nhìn rộng hơn, thế giới chưa hoàn toàn "bị thuyết phục" bởi hình tượng nước lớn của Trung Quốc. Một giáo sư tại Đại học Triết Giang cho biết nếu so với Mỹ trên nhiều phương diện, Trung Quốc chỉ mới "trông như một siêu cường" chứ chưa hẳn đã là một siêu cường thực thụ.

Nhìn vào bên trong, hiện Trung Quốc vẫn còn gặp nhiều thử thách khá nghiêm trọng. Khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, ví dụ giữa duyên hải và nội địa ngày càng rộng ra, một bài toán không dễ giải quyết trong ngắn hạn theo các lý thuyết quản lý.

Trong khi đó, nền kinh tế đang phát triển chậm lại, năm nay dự kiến chỉ khoảng 7,6%. Đối với một nền kinh tế đang phát triển, tốc độ như vậy nghĩa là tăng trưởng không đáng kể. Chi phí nhân công đang tăng lên gấp 2-3 lần và đây chính là điều khiến nhiều công ty quốc tế đang phải chuẩn bị cho chiến lược Trung Quốc+, nghĩa là sẵn sàng chuyển dự án sang một nước trong khu vực một khi tình hình kinh doanh tại Trung Quốc xấu đi.

Ngoài bóng bàn, phải chăng "dư chấn" của Olympic 2008 cũng không hoàn toàn lấn át Luân Đôn như nhiều người tưởng?

Thạch Hà (tường thuật từ Bắc Kinh)