Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 03 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đề ra mục tiêu đến cuối năm 2025 huyện có từ 10 - 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Quan điểm chỉ đạo của huyện là phát huy nền tảng sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết, vai trò làm chủ của nhân dân; không nóng vội, chạy theo thành tích, không huy động quá sức dân, khắc phục bằng được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thụ động vào sự hỗ trợ của cấp trên.
Thực hiện Nghị quyết số 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, UBND huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đề ra các nhóm giải pháp trọng tâm để phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao. Đồng thời, chỉ đạo đảng ủy, UBND các xã tập trung cao, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện xây dựng NTM nâng cao; ban hành nghị quyết về xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng kế hoạch thực hiện với các mục tiêu, lộ trình cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, bảo đảm tính khả thi. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự đồng thuận, thống nhất cao của nhân dân, mục tiêu xây dựng NTM nâng cao của huyện bước đầu đạt kết quả tích cực. Đến tháng 10/2021, huyện có 2 xã Thụy Chính, Thụy Liên đạt chuẩn NTM nâng cao, xã Thụy Ninh đã được đoàn thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao tỉnh thẩm định đạt 11/11 tiêu chí.
Tháng 8/2020, Thụy Chính là xã đầu tiên của Thái Bình được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Từ những thành công đã đạt được, tiếp tục tạo nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, huyện tích cực triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến các địa phương, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn.
Hiện Thái Thuỵ có 40 sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu được công nhận sản phẩm OCOP. Mỗi sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Hầu hết các chủ thể khi tham gia chương trình OCOP đã khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để sản xuất sản phẩm đặc trưng, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Theo ông Lê Xuân Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Xuân, chương trình OCOP đã tạo động lực để địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Mang đặc trưng vùng quê ven biển, huyện tăng cường tuyên truyền, vận động đến các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh ở địa phương cùng tham gia và tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể phát triển các sản phẩm OCOP từ biển. Trong đó, quan trọng nhất là góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân và quảng bá được sản phẩm của địa phương, thúc đẩy phát triển mạnh dịch vụ hậu cần nghề cá.
Điều đáng ghi nhận, khi được lựa chọn tham gia chương trình OCOP, các HTX, hộ dân đều khai thác hiệu quả thế mạnh của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường; thay đổi tập quán sản xuất, phát huy tinh thần sáng tạo của nhân dân và ngành nghề truyền thống, mở rộng sản xuất cho khu vực nông thôn.
Năm 2024, huyện phấn đấu có thêm 5 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, bao gồm: khoai tây lốc xoáy, chả cá viên chiên, xúc xích (xã Dương Phúc); trà sen (xã Thụy Văn); lạc đỏ (xã Hòa An). Khắc phục khó khăn, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng sản phẩm OCOP; hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh hoàn thiện hồ sơ sản phẩm OCOP; chú trọng tạo điều kiện cho các chủ thể về hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm, góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí “tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.