Tuy nhiên, ý kiến này lập tức nhận được nhiều chỉ trích từ chính các nhà văn trẻ, nhìn nhận “lười đọc sách” như vậy thì tốt nhất đừng nên đọc. Sử dụng AI để “đọc thay” là điều không thể chấp nhận được, “nếu bạn muốn nuôi dưỡng những tâm hồn”.

Để đơn giản hóa việc đọc sách?

Những người ủng hộ việc sử dụng AI tranh luận rằng không phải ai cũng có thói quen đọc sách, nhưng việc học tập, nắm bắt các tác phẩm văn học ở nhà trường là cần thiết. Sử dụng những bản tóm tắt của AI là cách đơn giản hóa việc đọc sách của các bạn trẻ.

Đặc biệt, với những tác phẩm kinh điển đồ sộ (như “Chiến tranh và hòa bình” chẳng hạn), yêu cầu đọc trọn vẹn tiểu thuyết là “hơi khó” với nhiều bạn trẻ, “khi họ chỉ quen xem video ngắn và đọc truyện tranh”. “Thời đại nào, con người đó. Trong bối cảnh hiện nay, đời sống công nghệ lan tỏa, dùng AI để giúp mấy đứa nhỏ biết được các cốt truyện, nội dung cơ bản, để chúng có hứng thú đọc sách hơn thì cũng tốt”, một người bày tỏ ý kiến. 

Đắk lắk 10.jpg
Đọc sách không đơn giản là đọc câu chuyện, biết về câu chuyện đó, mà còn phải đọc được văn chương chữ nghĩa. Ảnh minh họa: Hữu Hùng

Một số phụ huynh cũng cho rằng, với bọn trẻ lười đọc, việc đưa sách để bắt buộc phải đọc là không phù hợp. Cho nên, dùng phần mềm AI tạo nên những bài tóm tắt, trông có vẻ thô kệch nhưng vẫn giúp bạn trẻ có hiểu biết về những cuốn sách đó.

Với các em thích các môn khoa học tự nhiên hơn thì việc biết sơ nội dung một vài tác phẩm văn học vẫn là cần thiết. Do đó, khéo léo dùng AI giúp các bạn nắm bắt văn học, sách vở sẽ là một cách thức tiết kiệm thời gian.

Hơn nữa, theo một số bạn trẻ, không gian thông tin trên mạng hiện nay rất lớn, quan niệm rằng đọc sách nhất định phải đọc từng trang giấy có vẻ không phù hợp nữa.

Các bạn trẻ thời nay có thể tiếp cận văn chương qua hình ảnh, đoạn phim, tệp tin âm thanh, trò chơi… Nên những bản tóm tắt văn học từ AI có tính hữu ích, để các bạn nhận đúng nhu cầu thông tin của mình, chọn được tác phẩm phù hợp rồi đọc sau cũng là một cách tiếp cận nên nghĩ tới.

Thậm chí với những người thích đọc sách hiện nay, thói quen đọc sách cũng chưa chắc có thể được duy trì tốt khi công việc hằng ngày rất bận rộn, việc có những bản tóm tắt giúp họ phân loại được sách cần đọc, nhất là sách mới xuất bản, cũng là cần thiết.

Lợi bất cập hại!

Khi vấn đề “đọc sách bằng AI” được đưa ra, các nhà văn là những đối tượng phản ứng mạnh nhất. Theo một số nhà văn trẻ, đọc sách chính là một biểu hiện tiếp nạp thông tin qua cái hay, cái đẹp của câu chữ, thể hiện những yếu tố tâm lý, trí tuệ của người viết, nắm bắt những vấn đề ẩn chứa, chia sẻ từ chính các câu chuyện, có khi phải đọc trực tiếp, ngẫm nghĩ mới nhận ra những bài học phía sau. Vậy nên, đọc sách bằng cách vắn tắt thông tin như đọc các bản luận văn, báo cáo, tất nhiên sẽ không chỉ phản cảm mà còn “đi ngược” lại bản chất văn hóa đọc.

Một số nhà văn lớn tuổi thì phản ứng điềm tĩnh hơn nhưng cũng không chấp nhận sử dụng AI tìm hiểu các tác phẩm văn học. “Nếu các bạn cần làm một điều tra, nghiên cứu nào đó, thống kê nắm bắt dữ liệu sách vở, việc vắn tắt là cần thiết, phục vụ khoa học. Nhưng để đọc sách mà không tự mình nghiệm thấy vấn đề, cảm nhận qua câu chữ, đọc rõ từng đoạn văn để cảm thụ yếu tố mỹ học trong đó, thì việc ấy là vô dụng”, nhà văn Trần T. (Đà Nẵng) chia sẻ.

Còn nhà văn Nguyễn Một (TP. Hồ Chí Minh) nhận xét rõ hơn: “Đọc sách văn học mà làm như vậy là không nên. Bởi đọc sách không đơn giản là đọc câu chuyện, biết về câu chuyện đó, mà còn phải đọc được văn chương chữ nghĩa. Nếu vắn tắt cuốn sách thì làm sao cảm thụ được cái hay, cái đẹp tinh tế trong hành văn, mô tả kể chuyện của nhà văn?”.

Thực tế, theo một số nhà nghiên cứu văn học, yêu cầu tóm lược các nội dung tác phẩm văn học cũng đã từng được giới học thuật thực hiện. Qua một giai đoạn nhất định, giới học thuật sẽ có các ấn phẩm thống kê, giới thiệu tinh gọn danh mục những tác phẩm, đầu sách xuất bản, với các bài viết tóm tắt tác phẩm. Lĩnh vực văn học nước nhà đã từng có những tổng tập tác phẩm như vậy.

Nên ý tưởng tóm lược các nội dung văn học không hề mới, chỉ là từ tính chất thời đại, công nghệ số được áp dụng sẽ giúp việc thống kê, giới thiệu đó đa dạng, hiệu quả hơn. Sử dụng các phần mềm AI để thực hiện thao tác này cũng là điều cần thiết, thậm chí còn rất khoa học trong việc theo dõi, nắm bắt tình hình văn học.

Nhưng rõ ràng, “học văn là học đời, dạy văn là dạy người”, việc tiếp cận các tác phẩm văn học, đọc sách văn chương của mỗi người nhất định không thể “cào bằng” với các loại sách vở thông tin khác.

Với thế hệ trẻ hôm nay, thực tế phải nhận thấy là nhu cầu tiếp cận sách vở văn chương ngày càng kém đi, thói quen đọc sách không được duy trì tốt thì vấn đề cảm thụ sách vở, hiểu rõ văn học nghệ thuật lại càng phải nên tinh tế hợp lý.

Sức mạnh công nghệ số có thể phát huy ở nhiều lĩnh vực nhưng với văn chương, cảm xúc nghệ thuật, tính mỹ thuật của con người thì quy trình “số hóa” không thể thực hiện được. Đây là lý do để xu hướng sáng tác, biên tập bởi chính con người vẫn luôn được đề cao trong cuộc sống hiện đại hôm nay.

Theo THỤY BẤT NHI (Báo Đắk Lắk)