Và có những đoạn trích ra, xin dành tặng cho mình và những bạn bè còn mải mê cãi nhau liên quan tới chiếc váy đụp hay áo dài ngoài phố.
Có hai người bạn, cũng được tiếng hay ho, tài năng và hiểu biết nhiều, bỗng trở mặt thành thù, nói nhau nặng lời vô cùng trên mạng. Hoá ra, chỉ vì bất đồng quan điểm liên quan tới cái đang được gọi là “áo dài cách tân” được các cô gái sổ lồng dịp tết vừa rồi.
Kẻ khen, người chê. Ông bảo rằng mất gốc, bà bảo cũng vui mắt đỡ hơn mặc váy siêu ngắn…
Cứ lâu lâu, giang hồ internet, cụ thể là cư dân Facebook, lại có một đợt xao xác, từ mặt nhau không thèm nói chuyện nữa, vì những việc bất đồng ý kiến liên quan tới chuyện gì đó, mà thường là… hơi tào lao. Chẳng hạn, có người viết lên Facebook, yêu cầu một nhân vật nọ đi giám định tâm thần, thế là cả một hội xông vào mắng, sao lại bảo một người đường đường chính chính giành được ngôi cao chức trọng là bị tâm thần. Chẳng hạn khác, ủng hộ nghỉ Giỗ tổ bốn ngày hay một ngày cũng gây nên một cơn địa chấn mạnh mẽ, làm bao nhiêu bạn thân vạch đất phân lô trên mạng.
Bỗng nhớ rằng, trên chính trường nước Mỹ có hai ông khác nhau về ý kiến, lý tưởng đến vô cùng, nhưng vẫn không hề nói nặng lời nhau câu nào. Đó là hai ông cựu và đương kiêm Tổng thống Mỹ. Bèn giở lại bài diễn văn chia tay của ông Obama, phiên bản tiếng Việt của dịch giả Anh Phạm – người chuyển ngữ của cựu Tổng thống Mỹ trong lần sang thăm Việt Nam năm 2016. Đó là một bài diễn văn mà bất kỳ câu nào trong suốt đoạn hội thoại dài 55 phút ấy, cũng đều có thể tách ra thành một đầu đề cho một… hội thảo thú vị vì tính khái quát của nó.
Và có những đoạn trích ra, xin dành tặng cho mình và những bạn bè còn mải mê cãi nhau liên quan tới chiếc váy đụp hay áo dài ngoài phố, hãy nghe những bình luận của Obama về việc này:
Đầu tiên, là câu chuyện về giấc mơ Mỹ: “Món quà tuyệt vời mà những vị khai quốc đã trao cho chúng ta: quyền tự do theo đuổi những mơ ước cá nhân của chúng ta bằng mồ hôi, sức lao động, óc tưởng tượng của chúng ta, và sự xác quyết là cần phải cố gắng cùng nhau để đạt được lợi ích chung, lợi ích lớn hơn”.
Tiếp theo, là cách ứng xử với những thay đổi, những ý kiến trái chiều: “Nhưng nếu chỉ có luật thay đổi không thôi thì chưa đủ. Chính trái tim cũng phải thay đổi. Nhưng trái tim không thay đổi một sớm một chiều. Các thái độ trong xã hội thường mất vài thế hệ mới thay đổi được. Nếu như bạn cảm thấy mệt mỏi khi tranh cãi với những người lạ trên mạng internet, hãy thử nói chuyện với một người trong số họ trong đời thực xem sao. Nếu thấy có điều gì đó cần được sửa, hãy xỏ giày vào và bước đi tổ chức mọi người. Nếu như bạn thất vọng bởi những quan chức dân cử, hãy tự cầm sổ đi thu thập chữ ký và ra ứng cử. Hãy đến, hãy tham gia, và hãy ở lại đến tận cùng”.
Và cuối cùng, là thông điệp về tương lai trong những ngày “còn sắc xuân” như hiện nay. Đặc biệt, sự độc đáo của việc chuyển ngữ từ “drive” thành “chí tiến thủ” quả là rất ngầu: “Sức trẻ, chí tiến thủ, sự đa dạng và cởi mở của chúng ta, năng lực bất tận của chúng ta chấp nhận rủi ro và tái tạo đồng nghĩa với việc tương lai thuộc về chúng ta”.
Obama mà nhìn thấy cái áo dài cách tân, chắc sẽ ứng xử khác, chẳng có block Facebook của Trump đâu, nhỉ!
T.Nguyên/ theo TGTT