Tháp tùng ông Barack Obama đến Việt Nam còn có hàng loạt doanh nghiệp Mỹ. Nhiều tín hiệu tốt lành xuất hiện khi Việt Nam đã và đang đón nhận một loạt dự án “tỷ đô” của những nhà đầu tư Hoa Kỳ.

Ngay sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có nhiều bước tiến ngoạn mục trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại.

Bạn hàng xuất khẩu số 1

Năm 1995, khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước được thiết lập, kim ngạch xuất nhập khẩu còn rất khiêm tốn với con số chỉ vỏn vẹn hơn 450 triệu USD.

Ngọn gió thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ chỉ thực sự đổi chiều khi kể từ năm 2001, Việt Nam và Mỹ ký kết hiệp định thương mại song phương (BTA), cột mốc quan trọng mở ra cánh cửa “tỷ đô” đầy hứa hẹn.

{keywords}

Biểu đồ kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam - Hoa Kỳ từ năm 2006 đến 4/2016. Nguồn: Tổng cục Hải quan

Cùng với việc Việt Nam gia nhập WTO, số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong vòng 10 năm, tính từ 2006 đến tháng 4/2016, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt tới con số hơn 232 tỷ USD.

Không những thế, Mỹ liên tục duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam cùng thành tích xuất siêu ngày một tăng, có nghĩa kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ luôn cao hơn nhiều con số nhập khẩu.

Nếu năm 2006, con số xuất siêu vào Hoa Kỳ mới là 6,85 tỷ USD thì đến năm 2015 đã tăng gần 4 lần, vọt lên 25,67 tỷ USD.

Riêng trong 4 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ gần 9 tỷ USD, tăng 1,48 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015.

Những con số xuất siêu “khủng” này đã giúp Việt Nam cân bằng cán cân thương mại quốc tế, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ việc nhập siêu “khổng lồ” với Trung Quốc

Thời gian tới, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục. Cơ hội đang thênh thang hơn bao giờ hết khi cả hai nước cùng là thành viên của Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) ký kết vào ngày 4/2/2016.

Trong Tờ trình vừa được gửi tới Thủ tướng Chính phủ về phê chuẩn TPP, Bộ Công Thương tỏ rõ sự lạc quan về thương mại, đầu tư với Mỹ.

Đơn cử như với ngành dệt may, Bộ Công Thương thấy rằng nếu không có TPP, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dệt may vào Mỹ có thể đạt khoảng 13 tỷ USD vào năm 2018 và 14,5 tỷ USD vào năm 2020. Nhưng sau khi ký kết TPP, cơ quan này dự báo kim ngạch năm 2018 dự kiến sẽ đạt ngay 16 tỷ USD và tới năm 2020 sẽ đạt khoảng 20 tỷ USD, thêm 3-5,5 tỷ USD.

Hàng loạt dự án “tỷ đô” của Mỹ đến Việt Nam

Về quan hệ đầu tư, Mỹ cũng luôn nằm trong top các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Mỹ đang đứng thứ 8 trong số quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 806 dự án và 11,7 tỷ USD.

Tất nhiên, con số này chưa phản ánh hết dòng vốn Mỹ ở Việt Nam khi nhiều “đại gia” còn đầu tư thông qua các chi nhánh, công ty con của mình đăng ký tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác như BVI, Singapore, Hồng Kông,... Dù vậy, phải thừa nhận một điều, nếu so với số vốn doanh nghiệp Mỹ đã bỏ vào Singapore và Malaysia, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam còn khá thấp so với tiềm năng.

{keywords}
Công nhân may Việt Nam tại KCN Thuận An, Bình Dương (ảnh Bloomberg)

Tuy nhiên, nhiều tín hiệu tốt lành đã xuất hiện khi Việt Nam đã và đang đón nhận một loạt dự án “tỷ đô” của những doanh nghiệp đến từ nước Mỹ.

Một trong những dự án “khủng” của Mỹ tại Việt Nam có thể kể đến là nhà máy sản xuất chipset của Tập đoàn Intel vốn đầu tư 1 tỷ USD tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Tính đến giờ phút này, đây vẫn là dự án đầu tư lớn nhất của Mỹ ở Việt Nam đã đi vào hoạt động.

Dự định chỉ đầu tư 300 triệu USD xây một nhà máy kiểm định, lắp ráp chip tại Việt Nam, Intel đã quyết định tăng quy mô nhà máy lên 1 tỷ USD.

Đầu năm 2016, một số nguồn tin cho hay, “đại gia” công nghệ hàng đầu khác của Mỹ là Apple cũng đề xuất xây dựng một trung tâm cơ sở dữ liệu phục vụ khu vực châu Á tại Hà Nội. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Hiện Apple đang trong giai đoạn tìm kiếm địa điểm và hoàn tất các thủ tục đầu tư cần thiết.

Trong một báo cáo chuyên đề cuối năm 2015, Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH-ĐT cho hay việc chủ động tham gia Hiệp định TPP giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư Hoa Kỳ, khiến thị trường Việt Nam “khác biệt” so với các quốc gia khác tại khu vực ASEAN không phải là thành viên TPP.

Vì vậy, Việt Nam có thể là sự lựa chọn ưu tiên của các công ty Mỹ có trụ sở tại Hồng Kông trong việc dịch chuyển đầu tư ra ngoài Trung Quốc.

Cục Đầu tư nước ngoài tiết lộ, nhiều công ty, tập đoàn lớn của Mỹ từng có kế hoạch chuyển phần lớn cơ sở sản xuất sang Việt Nam, như: Tập đoàn Nike, Inc, Tập đoàn dệt may Mast Industries, Ltd, P&G,... Trong năm 2014-2015, nhiều tập đoàn danh tiếng của Mỹ như Boeing, AIG, Exxon Mobil,... cũng đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Nhắc đến Intel, Microsoft, Bộ Công Thương cho rằng các tập đoàn Mỹ đang muốn biến nước ta thành một trong những cơ sở quan trọng nằm trong chuỗi sản xuất các mặt hàng công nghệ cao như bộ vi xử lý máy tính, điện thoại thông minh,... Việc tham gia TPP được kỳ vọng sẽ đưa kế hoạch đó thành hiện thực, giúp Việt Nam dần chuyển sang giai đoạn phát triển các ngành điện tử, công nghệ cao.

“Đây là cơ hội lớn để nâng tầm kinh tế Việt Nam trong 5-10 năm tới”, Bộ Công Thương lạc quan.

Trong chuyến công du Việt Nam lần này, Tổng thống Barack Obama sẽ có buổi thảo luận về tầm quan trọng của việc phê chuẩn hiệp định TPP trong năm 2016. Tháp tùng ông Barack Obama còn có hàng loạt doanh nghiệp Mỹ, đây rõ ràng là cơ hội cho Việt Nam khi Chính phủ Obama đang nỗ lực mở cửa thị trường châu Á cho các công ty nước này.

Hà Duy