Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm những nước ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thế giới, chỉ số ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM luôn ở mức báo động.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong số 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam thì 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Bộ Tài nguyên và Môi trường ước tính, chỉ riêng khu vực nội thành Hà Nội đã thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng/năm cho các chi phí khám, chữa bệnh về hô hấp.
Tuy nhiên ít ai biết rằng ô nhiễm không khí trong nhà còn cao hơn nhiều lần so với không khí ngoài trời. Theo WHO, hàng năm có khoảng 4 triệu ca tử vong mà thủ phạm là ô nhiễm không khí ngoài trời và trong nhà. Đặc biệt, theo nghiên cứu tại Mỹ, không khí trong nhà ô nhiễm gấp 2 - 5 lần không khí ngoài trời.
Không khí trong nhà ô nhiễm gấp 2,5 lần không khí ngoài trời |
Có một thực tế là một số nguồn ô nhiễm tồn tại ngay trong ngôi nhà chúng ta đang ở hàng ngày. Ô nhiễm không khí trong nhà thường do bên ngoài xâm nhập hoặc được thải ra trong quá trình sinh hoạt hàng ngày. Do đã quen với môi trường trong nhà, chúng ta khó cảm nhận được các khí độc này mà không biết rằng khi tiếp xúc với chúng con người có thể bị kích ứng, tích tụ trong thời gian lâu dài sẽ gây ra các căn bệnh nghiêm trọng.
Các nhà khoa học cho biết, môi trường trong nhà có khoảng 100 hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC) từ sàn, bàn ghế, mỹ phẩm, vật liệu xây dựng… có thể gây ra kích ứng. Đặc biệt, Formaldehyde là một chất có khả năng gây ung thư tồn tại trong đồ gia dụng chạy bằng gas, bông cách nhiệt, vải, thảm, mỹ phẩm… gây ra kích ứng mắt, mũi, họng, buồn nôn khi tiếp xúc.
Con người cũng có thể vô tình tạo ra các chất độc hại trong quá trình sinh hoạt. Khi hút thuốc, người hút thuốc tạo 40 hợp chất có tác hại gây ung thư. Bên cạnh đó, các sản phẩm có mùi nồng như sơn, nước xịt phòng, chất tẩy rửa cũng đều thải ra các khí gây hại âm thầm.
Ngoài các khí độc hại như trên, các nghiên cứu cũng chỉ ra môi trường ẩm ướt, không đủ khô thoáng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi trong nhà. Phần lớn trong số đó gây dị ứng và có thể gây ra các bệnh như hen suyễn, sốt.
Các nguồn ô nhiễm luôn tồn tại ngay trong nhà |
Các nguy cơ luôn tồn tại ở mức cao là thế, song lại có ít người quan tâm đến việc loại bỏ các chất khí và khói trong nhà. Đáng chú ý, con người thường dành 90% thời gian để sinh hoạt trong nhà nên khả năng tiếp xúc với các chất gây hại luôn ở mức cao. Trong khi đó, các biện pháp hiện tại mới chỉ tập trung vào việc hút bụi thường hoặc bụi mịn bằng các thiết bị hút và lọc bụi.
Trong khi chúng ta đang tích cực tránh sự ảnh hưởng của ô nhiễm không khí bằng khẩu trang khi ra đường nhưng ở nhà, hầu như không có biện pháp nào để bảo vệ cơ thể khỏi các chất gây hại. Đã đến lúc cần chú ý hơn đến việc nâng cao chất lượng không khí trong ngôi nhà mình đang sống bằng các biện pháp phù hợp, giúp đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình.
Thúy Ngà