Liên quan đến hàng nghìn lít xăng máy bay phản lực (ZA1) bị tuồn ra ngoài, PGS.TS Hoa Hữu Thu cho biết: “Về mặt an toàn cho máy móc và con người thì không nên dùng ZA1. Nếu cố tình dùng sẽ làm hỏng động cơ và nguy cơ cháy nổ rất cao”.
Cũng theo PGS.TS Hoa, các phân đoạn kerosen, LPG, phần nặng của phân đoạn xăng chưng cất trực tiếp từ một số dầu mỏ parafin, dầu mỏ naphtin có thể dùng làm nhiên liệu phản lực sau không nhiều chế hoá và pha trộn các phân đoạn hoặc một số chất phụ gia.
PGS.TS Hoa Hữu Thu - Nguyên chủ nhiệm bộ môn Hóa học dầu mỏ, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) |
Hai quá trình chế hoá chủ yếu là loại hợp chất lưu huỳnh, đặc biệt là ở dạng mercaptan bằng hydrotreating và loại parafin nặng có trong phân đoạn 200-300 độ C. Thường nhiên liệu phản lực được tạo ra từ phân đoạn 145-240 độ C ít nhiều mở rộng hay thu hẹp.
Khác với xăng, nhiên liệu phản lực dồi dào hơn nhiều so với nhu cầu. Ở châu Âu nhiên liệu phản lực chỉ chiếm khoảng 6% thị trường dầu mỏ.
Về việc dùng ZA1 để pha lẫn vào các loại xăng thông thường để gian lận, PGS.TS Hoa Hữu Thu cho hay: Về nguyên tắc là hoàn toàn được. Khi pha lẫn với nhau thì chúng sẽ hòa tan vào nhau và người tiêu dùng không thể nhận biết được. Chỉ khi đưa nhiên liệu đã pha lẫn này vào phòng thí nghiệm thì mới phân tích để phát hiện được. Chính vì vậy người tiêu dùng nên vào những cây xăng có nguồn gốc rõ ràng để mua, hạn chế tối đa việc mua xăng ở những điểm bán lẻ tự phát.
(Theo Dân Trí)