Vượt xe sai quy định nói chung và vượt phải nói riêng là hành vi rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn tới tai nạn giao thông. Đồng thời, hành vi vượt phải có thể bị lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý rất nặng.
Theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ và Quy chuẩn kỹ thuật 41:2016/BGTVT: “Vượt phải là tình huống giao thông trong đó một phương tiện vượt phương tiện khác về phía bên phải của phương tiện bị vượt trên cùng một chiều đường tại các đường chỉ có một làn xe cơ giới mỗi chiều”.
Chỉ có 3 trường hợp sau đây được phép vượt phải mà lái xe cần nắm rõ để lưu thông được an toàn, đồng thời tránh bị lực lượng chức năng xử phạt “oan”.
1. Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái:
Nếu xe phía trước rẽ trái hoặc có tín hiệu rẽ trái, bạn có thể vượt phía bên phải |
Khi vượt xe mà chiếc xe phía trước đang rẽ trái hoặc đang có tín hiệu rẽ trái thì lái xe được vượt xe ở phía bên phải. Trường hợp này rất hay xảy ra trong thực tế như tại các ngã ba, ngã tư khi xe phía trước chuẩn bị rẽ trái, lúc này, xe phía sau bắt buộc phải vượt phía bên phải, đồng thời tuân thủ các quy tắc về an toàn giao thông khi vượt.
2. Khi xe điện đang chạy giữa đường:
Trường hợp này có thể hiểu là tại các đường có bố trí xe điện (tàu điện) tham gia giao thông cùng mức với các phương tiện khác và chạy cố định ở vị trí giữa đường thì ô tô có thể vượt về phía bên phải. Tuy vậy, đây là trường hợp ít gặp trên thực tế tại Việt Nam hiện nay.
3. Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được:
Khi có xe chuyên dùng đang làm việc ở sát mép bên trái, lái xe có thể vượt phía bên phải. |
Đây là trường hợp xảy ra khá phổ biến trên thực tế tại các đô thị khi những xe chuyên dùng như xe sửa chữa đường, xe cắt tỉa cây xanh, xe thu gom rác, xe thoát nước, xe cảnh sát,… đang làm việc ở giữa đường hoặc phía bên trái làn đường xe chạy mà ô tô không thể vượt trái được, lúc này các lái xe có thể vượt phải.
Ngoài 3 trường hợp trên, ở tất cả các tình huống khác, lái xe đều phải vượt xe về phía bên trái.
Cũng theo các quy định hiện hành, hành vi vượt phải chỉ cấu thành khi diễn ra trên đường chỉ có một làn xe cơ giới mỗi chiều; còn đối với đường cao tốc hay đường quốc lộ có hai làn xe trên mỗi chiều thì hành vi vượt này không được coi là vi phạm vượt phải. Đây là điểm đã gây ra khá nhiều tranh cãi giữa lái xe và lực lượng chức năng trong quá trình xử lý vi phạm.
Đối với việc vượt xe, theo điều 14, Luật giao thông đường bộ 2008 quy định cụ thể: Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.
Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.
Không được vượt xe khi có một trong các trường hợp sau đây: Không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Giao thông đường bộ 2008; Trên cầu hẹp có một làn xe; Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế; Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt; Xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.
Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.
Hoàng Hiệp
Trân trọng mời bạn đọc gửi tin bài, video, hình ảnh về Ban Ô tô - xe máy, báo VietNamNet qua email: [email protected]. Những nội dung phù hợp sẽ được đăng tải, xin trân trọng cảm ơn!
Hai phút “liếc mắt” quanh xe, bạn sẽ có hành trình an toàn hơn
Với những chuyến đi bằng ô tô dù ngắn hay dài thì bạn cũng nên quan sát một vòng trước khi nổ máy di chuyển. Việc này thường chỉ mất không quá 2 phút nhưng sẽ giúp bạn có một hành trình an toàn hơn.