Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang ngày càng tăng trưởng mạnh. Năm 2018, doanh số tiêu thụ toàn ngành ô tô trong nước đã đạt khoảng 280.000 xe. Chỉ tính riêng phân khúc xe du lịch, tốc độ tăng trưởng trong 5 năm qua đạt mức ấn tượng, tới 30-40%. Dự báo năm 2025, doanh số xe hơi tại Việt Nam có thể đạt mức 1 triệu xe/năm.
Tuy nhiên, trong sân chơi hấp dẫn này, nếu các nhà sản xuất ô tô trong nước không tranh thủ cơ hội tăng tốc thì rất có thể, sẽ phải nhường sân cho xe nhập khẩu. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2019, Việt Nam nhập khẩu tới 75.437 chiếc ôtô nguyên chiếc các loại, gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, một trong những yếu tố quyết định lớn tới sự cạnh tranh của ngành ô tô Việt Nam chính là phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Tín hiệu tích cực từ thị trường này là gần đây, các DN ô tô tại Việt Nam đã chủ động và quyết liệt hơn, không chỉ là tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện phụ tùng mà còn chủ động đầu tư, sản xuất các sản phẩm này cho chính mình.
Điển hình như tháng 7 vừa qua, Vinfast đã chính thức liên kết với Tập đoàn An Phát Holdings, đơn vị sở hữu Công ty CP Nhựa Hà Nội để thành lập Công ty linh kiện nhựa Vinfast- An Phát (VAPA) với tỷ lệ vốn sở hữu 50-50. Theo kế hoạch, nhà máy VAPA sẽ là chủ lực cung cấp linh kiện nhựa cho 3 mẫu xe của Vinfast, số lượng lên tới 200-300 chi tiết.
Hệ thống máy móc hiện đại được đầu tư trong nhà máy sản xuất linh kiện nhựa Vinfast- An Phát |
Sản phẩm linh kiện nhựa mới nhất là tấm chắn bùn cung cấp cho xe Fadil. Đây chỉ là một trong khoảng 10 nhà cung cấp linh kiện phụ tùng cho Vinfast.
Ngay bên cạnh nhà máy Vinfast, khu Công nghiệp phụ trợ phức hợp đã được đầu tư với những tên tuổi các nhà cung cấp như ZF, Lear, Faurecia, và AAPICO.
Chia sẻ với báo chí, James DeLuca - Tổng giám đốc VinFast cho biết, quan điểm của hãng là cùng với tất cả các nhà cung cấp làm thế nào để hai bên cùng có lợi khi hợp tác với nhau. Điều này chắc chắn sẽ tác động tích cực để Vinfast hoàn thành mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa 60% vào năm 2020.
Trước Vinfast, các doanh nghiệp ô tô dẫn dầu thị trường Việt cũng đều đã đặt các mục tiêu phát triển gắn với chiến lược nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và song hành với phát triển CNHT.
Đơn cử như Thaco là một đại diện điển hình. Theo chia sẻ từ lãnh đạo Tập đoàn này, trước bối cảnh hội nhập khu vực ASEAN từ năm 2018, Tập đoàn đã chọn lựa hợp tác tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Kia, Mazda, Peugeot,… (chưa có cơ sở sản xuất tại ASEAN) để phát triển sản xuất, lắp ráp ô tô và phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm đạt tỉ lệ nội địa hóa tổng thể 40%, xuất khẩu sản phẩm sang khu vực ASEAN để hưởng thuế suất 0%.
Nhà máy phụ tùng điện Thaco |
Trong giai đoạn 1, lĩnh vực CNHT được Thaco chú trọng mạnh mẽ. Bên cạnh việc sản xuất lắp ráp, kinh doanh ô tô, Tập đoàn này đã có 14 nhà máy sản xuất linh kiện để giảm giá thành nhằm định vị sản phẩm cạnh tranh được trong thị trường.
Theo chiến lược của tập đoàn này, khi nắm bắt được thị trường, có doanh số và sản lượng ổn định, Thaco tiến đến bước kế tiếp là triển khai nội địa hóa các linh kiện phụ tùng theo các nguyên tắc như lựa chọn các linh kiện dễ sản xuất, có kích thước lớn, cồng kềnh như: thùng xe, khung chassis, lốp xe, ắc-quy, kính xe, thùng dầu, ống xả,...
Để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu sử dụng và thị hiếu của khách hàng trong nước, Thaco cũng sản xuất ghế, linh kiện nội ngoại thất, máy lạnh, linh kiện cao su kỹ thuật,…
Ngoài ra, dựa trên công nghệ sản xuất được chuyển giao từ Hàn Quốc, Thaco còn sản xuất các sản phẩm như bộ dây điện, nhíp xe, linh kiện nội ngoại thất,… từ đó định vị sản phẩm xe tải Thaco có chất lượng cao hơn Trung Quốc nhưng thấp hơn Hàn Quốc, Nhật Bản và có giá thành cạnh tranh.
Nhờ đó, đây là đơn vị có nhiều mẫu xe đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, như các dòng xe con của Thaco đạt tỷ lệ nội địa hóa 25%, xe tải 35-40%, xe khách từ 55-60%. Năm 2018, tổng giá trị linh kiện mà Thaco xuất khẩu đã đạt 8 triệu USD. Dự kiến năm 2019, Tập đoàn này đặt mục tiêu xuất khẩu linh kiện phụ tùng đạt 17 triệu USD.
Đơn vị thứ ba phải kể đến là TC Motor (trước kia là Hyundai Thành Công) đơn vị có sản lượng sản xuất lắp ráp ô tô lớn thứ 2 Việt Nam.
Tập đoàn này cũng đang nỗ lực mở rộng quy mô, đầu tư lớn với mục tiêu vượt ngưỡng 100.000 xe/năm và 160.000 xe năm 2025. Nhà máy thứ hai tại Ninh Bình đã được khởi động. Cùng đó, TC Motor Tập đoàn cũng đang đề xuất xây dựng tổ hợp sản xuất công nghiệp, dịch vụ và công nghiệp hỗ trợ tại Quảng Ninh để nhập cuộc đua giảm giá thành sản phẩm, tiến tới xuất khẩu ô tô.
Ngoài ra, hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, một loạt các hãng xe liên doanh như Toyota, Honda, Ford… cũng đang nỗ lực tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước để tăng tỷ lệ nội hóa. Trong đó, phải kể đến những nỗ lực không nhỏ của hai hãng xe Nhật Bản như Toyota và Honda trong việc đã đồng hành, hỗ trợ cho chính các DN Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất để sau đó, trở thành vệ tinh cho chính mình.
Đơn cử như hãng xe Honda đang xúc tiến các quan hệ hợp tác với DN Việt Nam làm linh kiện cung cấp cho xe Honda City, mẫu xe được coi là chủ lực để tăng nội địa hóa. Hay như Toyota cũng đang tăng cường hợp tác với các đối tác Việt Nam để tăng tỷ lệ nội địa hóa cho xe Innova, Vios, Fortuner.
Đây chính là tiền đề, cơ hội, cũng là thách thức đối với ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam phát triển.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Lê Xuân Hiệp, Phó TGĐ Công ty xuất khẩu dụng cụ cơ khí EMTC cho rằng, thị trường ô tô đang rất tiềm năng và sẽ là mảnh đất cho ngành CNHT Việt Nam phát triển.
Quy mô thị trường đang dần lớn, sự chủ động của các doanh nghiệp ô tô trong chiến lược nội địa hóa đang thể hiện mạnh mẽ, nếu tận dụng tốt, các doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam sẽ có thể bắt kịp với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong khu vực và trên thế giới.
Phạm Huyền