Những ngày cuối cùng của tháng 12 sắp trôi qua cũng là lúc để nhìn lại thị trường ô tô năm 2020. Đây là một năm đầy khó khăn không chỉ với Việt Nam mà cả thế giới bởi đại dịch covid-19 đã phủ “bóng đen” lên toàn cầu, ảnh hưởng mọi lĩnh vực trong đó có kinh doanh ô tô.
Sức mua ô tô đi xuống vì dịch bệnh
Trong quá khứ, thị trường ô tô Việt Nam thăng trầm đa phần là vì câu chuyện thuế phí, điển hình là giai đoạn 2008 khi thay đổi phí trước bạ tăng đến 12% và điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô phân loại theo chỗ ngồi và dung tích xi-lanh (2009), khiến tiêu thụ xe “lao dốc” từ nửa cuối 2008 sang đến tận 2009. Nhưng với năm 2020, cuộc giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 trong tháng 4/2020 đã khiến cho thị trường ô tô Việt Nam gần như chững lại.
Trải qua 6 tháng đầu năm, dung lượng tiêu thụ ô tô theo số liệu VAMA chỉ đạt 107.183 xe, giảm 30,5% so với cùng kỳ năm ngoái (bán 154.273 xe). Đây là mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây (6 tháng đầu năm 2018: 125.659 xe; năm 2017: 134.268 xe; năm 2016: 135.863 xe).
Nguyên nhân của việc giảm tiêu thụ xe bên cạnh các yếu tố trực tiếp từ giãn cách xã hội thì gián tiếp là sự khó khăn kinh tế đè nặng lên các doanh nghiệp và người lao động, dẫn tới chi tiêu cần thắt chặt. Các chuyên gia từng dự đoán tiêu thụ ô tô đến cuối năm sẽ không được như kỳ vọng, thậm chí xuống thấp nhất sau nhiều năm tăng trưởng.
Nửa đầu 2020 là thời gian khó khăn của nhiều hãng xe với sức mua sụt giảm |
Ngay sau khi Việt Nam trở lại trạng thái “bình thường mới”, trong tháng 4 và tháng 5 hầu hết các hãng xe đều tung khuyến mãi giảm giá “khủng”, mức giảm lên tới cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, sức ỳ của thị trường vẫn còn rất lớn.
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban Chính sách VAMA thậm chí còn bi quan cho răng mức giảm tiêu thụ xe của năm 2020 sẽ cao hơn dự đoán 15% hồi đầu năm. Giữa lúc bí bách, nhiều nhân viên bán xe không có doanh số đã tính tới việc chuyển nghề hoặc tạm kiếm công việc khác để duy trì cuộc sống như chạy xe ôm công nghệ, ship hàng online.
Giảm thuế phí - “công tắc” thần kỳ cứu cả thị trường
Bức tranh thị trường ô tô Việt Nam dần sáng hơn sau khi chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ được thi hành từ 28/6 bằng Nghị định 70/2020/NĐ-CP và kéo dài đến hết năm. Đối tượng được hưởng là các loại xe ô tô lắp ráp CKD.
Kết quả ngay lập tức được thể hiện bằng các con số. Theo VAMA, lượng tiêu thụ đã tăng dần đều từ tháng 9 đến tháng 11 liên tục lập đỉnh tháng tiêu thụ nhiều nhất năm và ở trong tình trạng tháng sau luôn cao hơn tháng trước. Chỉ tính riêng 5 tháng cuối 2020, tổng tiêu thụ đã đã đạt 141.585 xe, đã tăng 32,1% so với nửa đầu năm 2020. Đấy là còn chưa tính thêm số liệu từ TC Motor, Mercedes-Benz và Vinfast đều là những thương hiệu có tiêu thụ xe rất tốt càng về cuối năm. Dự kiến tổng dung lượng thị trường sau khi kết thúc tháng 12 sẽ vẫn vượt mốc 400 ngàn xe, tương đương năm 2019.
Chuyên gia ô tô Vĩnh Nam, người có nhiều năm nghiên cứu về thị trường xe, cho rằng lượng xe nội bán tăng đột biến là cú hích khiến thị trường sôi động hẳn lên, kéo theo xe nhập khẩu cũng vào cuộc đua “tặng” khách lệ phí trước bạ. “Mỗi xe tiết kiệm từ 80 triệu đến 200 triệu đồng làm tăng động lực cho khách hàng đổ xô đi mua. Một số dòng xe đang hot lắp ráp trong nước hiện nay không còn nhiều và sẽ không có khuyến mại thêm từ hãng, thậm chí khách hàng phải mua thêm một số dịch vụ đi kèm để được nhận xe”, ông Nam chia sẻ.
Thực tế trong quý cuối năm 2020, nhiều dòng xe đang xảy ra tình trạng khan hàng, khách phải tranh mua nếu không muốn qua “thời điểm vàng” hưởng ưu đãi trước bạ, hoặc phải chờ vài tháng mới có xe. Những mẫu xe xuất hiện tình trạng thiếu cung trầm trọng gồm có Mercedes-Benz GLC, Hyundai Accent 2021, Vinfast Fadil, Kia Seltos, Kia Cerato.
Anh Nguyễn Văn Bình (Yên Mô, Ninh Bình) chia sẻ với VietNamNet về sự khó khăn khi tìm xe cuối năm, anh nói: “Tôi muốn mua mẫu Kia Seltos nhưng đại lý ở Ninh Bình và lân cận là Thanh Hóa đều nói hết xe lấy sẵn, phải chờ đến tháng 1 hoặc tháng 2 năm sau. Tôi nhờ cả bạn ở Hà Nội tìm mua nhưng cũng không rõ ràng về thời gian giao xe. Có lẽ sẽ phải chuyển hướng sang mẫu xe khác sẵn hàng hơn”.
Cuộc đua ưu đãi cuối năm đang diễn ra ở cả xe lắp ráp lẫn xe nhập khẩu |
Ở tháng cuối cùng của năm, trạng thái “chạy nước rút" đang diễn ra với cả người bán lẫn người mua. Với các mẫu xe không quá khan hàng, các mức khuyến mãi cũ đều được duy trì hoặc tăng thêm nhằm đẩy doanh số.
Trên thực tế, thời điểm tháng 12 chính là cơ hội để người tiêu dùng có thể mua được xe ô tô với chi phí thấp nhất. Cững nhờ đó sức mua ô tô đang tăng trưởng đáng kể, dự kiến “chốt” doanh số đẹp cuối năm tạo nên bức tranh sáng sủa hơn hẳn so với nửa đầu “u ám”.
Đình Quý
Bạn có trải nghiệm gì về việc đi mua ô tô chạy trước bạ? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Mua ô tô gần Tết: Khách mòn mỏi chờ xe, méo mặt lo mất phí trước bạ
Nhiều khách hàng than vãn chuyện tranh thủ đặt mua xe sớm trước khi quy định ưu đãi 50% phía trước bạ hết hạn tuy nhiên vẫn phải "dài cổ" đợi nhận xe vì đại lý kêu hiếm hàng, xe không về kịp.