Ô tô Trung Quốc "chào hàng" tiền tỉ
Nếu như cách đây hơn 10 năm, các thương hiệu ô tô Trung Quốc như Lifan, Chery, Zotye, BYD... lựa chọn cách giới thiệu những mẫu xe giá rẻ để chinh phục khách hàng Việt thì trong 2 năm vừa qua, màn "chào sân" của các hãng xe Trung Quốc đã cho thấy một chiến lược rất khác.
Thay vì tiếp tục tập trung vào phân khúc xe giá rẻ để thu hút khách hàng, hàng loạt các mẫu ô tô Trung Quốc mới được giới thiệu tại Việt Nam lại hướng đến phân khúc giá cao, ngang tầm với các đối thủ Nhật, Hàn. Ví dụ như Haima 7X có giá 865 triệu đồng, Haval H6 HEV là 1,096 tỷ đồng hay Lynk & Co 01 và 09 lần lượt là 999 triệu đồng và 2,199 tỷ đồng.
Nhìn chung, hầu hết mức giá của những mẫu xe Trung Quốc đưa ra đều trái với dự đoán của số đông, hay nói cách khác là cao hơn nhiều so với kỳ vọng của người tiêu dùng Việt. Thậm chí, nhiều người còn đặt dấu hỏi về chất lượng xe có thật sự tương xứng với mức giá kể trên hay không.
Một số chuyên gia cho rằng các thương hiệu ô tô Trung Quốc đang chuyển hướng sang phân phối những chiếc xe đắt tiền hơn nhằm mục đích dần xóa bỏ định kiến trước đó của khách hàng Việt về chất lượng xe Trung Quốc. Thế nhưng, việc đặt vị thế của ô tô Trung Quốc ngang bằng với các đối thủ xe Hàn, xe Nhật lại khiến cho chính những mẫu xe này gặp bất lợi lớn tại thị trường Việt Nam.
Điển hình là mẫu MG HS khi ra mắt vào tháng 7/2020 với giá bán suýt soát 1 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ là đối thủ đáng gờm trong phân khúc C-SUV, cạnh tranh cùng Hyundai Tucson, Honda CR-V hay Mazda CX-5. Nhưng sau gần 2 năm tồn tại, mẫu xe này do quá ế ẩm nên đã phải tạm ngừng kinh doanh.
Ngay cả khi bán trở lại vào tháng 1/2024 bằng phiên bản mới với giá bán thấp hơn (699-749 triệu đồng), MG HS vẫn chưa thể cải thiện được doanh số bán hàng khiến các đại lý phải tung ra chương trình ưu đãi lên tới 120 triệu đồng cho mẫu xe này. Hiện tại, giá của MG HS đã rẻ hơn cả những chiếc xe ở phân khúc B-SUV.
Không chỉ MG HS, mẫu xe hybrid Haval H6 HEV cũng có tình cảnh tương tự khi gia nhập thị trường vào tháng 8/2023 với giá bán 1,096 tỷ đồng, đắt hơn bản cao nhất của Mazda CX-5 (999 triệu đồng) hay Hyundai Tucson (959 triệu đồng) ở thời điểm đó.
Chỉ sau 2 tháng mở bán với doanh số không được như kỳ vọng, nhà phân phối thương hiệu Haval đã buộc phải giảm 244 triệu đồng để đưa giá bán của H6 HEV xuống còn 852 triệu đồng. Tuy vậy, Haval H6 HEV vẫn đang rất chật vật trong việc tìm khách hàng dù giá xe hiện tại chỉ còn dao động từ 840-862 triệu đồng.
Trong khi đó, Haima 7X ra mắt thị trường vào cuối tháng 12/2023, được định vị ở phân khúc xe MPV cỡ trung. Thế nhưng, với giá bán 865 triệu đồng, cao hơn đối thủ Toyota Innova Cross tới 55 triệu đồng, Haima 7X gần như không được ai ngó ngàng. Mới đây, các đại lý của Haima đã phải giảm tới 140 triệu đồng nhằm cải thiện tình hình kinh doanh của mẫu xe MPV này.
Theo chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng (Whatcar Việt Nam), giá bán cao của các mẫu xe Trung Quốc có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, phần lớn những mẫu xe Trung Quốc đưa về Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc nên phải chịu thuế nhập khẩu cao, từ 47-70% tuỳ loại.
Thứ hai, hàm lượng công nghệ, cấp độ tiện nghi và vật liệu chế tạo trên các mẫu xe Trung Quốc hiện nay đều đã có chất lượng tốt hơn đáng kể. Thứ ba là chiến lược chủ động trong việc định vị thương hiệu của các hãng xe. Cuối cùng là muốn xóa bỏ định kiến của người dùng về thương hiệu ô tô Trung Quốc chỉ có thể sản xuất ra những chiếc xe chất lượng thấp, giá rẻ
Cơ hội nào cho ô tô Trung Quốc?
Lợi thế lớn nhất của các thương hiệu ô tô Trung Quốc khi vào thị trường Việt Nam chính là giá bán. Có thể thấy, giá bán của hầu hết các mẫu xe Trung Quốc dù có cao hơn kỳ vọng của người dùng nhưng vẫn đang thấp hơn so với những mẫu xe của Nhật, Hàn.
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận trong những năm gần đây, các hãng xe Trung Quốc đã đầu tư nghiêm túc vào quá trình nghiên cứu phát triển, cộng thêm thế mạnh về công nghệ đã giúp cho họ có thể cung cấp tới tay khách hàng những mẫu xe hiện đại, tiện nghi và an toàn không thua kém các thương hiệu ô tô lâu năm.
Theo giới chuyên môn đánh giá, người Trung Quốc vốn luôn nhạy bén trong kinh doanh và sự đổ bộ ồ ạt của các thương hiệu xe Trung Quốc vào Việt Nam trong 2 năm qua cho thấy họ đã và đang nhìn thấy những cơ hội cho riêng mình tại thị trường ô tô Việt vốn còn nhiều tiềm năng.
Trên thực tế, vấn đề mà các hãng xe Trung Quốc đang gặp phải và cần giải quyết khi muốn bước chân vào sân chơi Việt không chỉ nằm ở giá cao, chất lượng sản phẩm mà còn là việc xây dựng hệ thống phân phối và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng. Nếu giải quyết được điều này, cơ hội chinh phục thị trường ô tô Việt sẽ ngày một lớn.
Hiện nay, ô tô đã ngày một trở thành phương tiện đi lại phổ biến nhưng đồng thời vẫn được xem là một tài sản có giá trị đối với nhiều người. Dựa trên tâm lý của người tiêu dùng trong giai đoạn này, lựa chọn an toàn của nhiều người chắc chắn vẫn sẽ là các thương hiệu xe Nhật, Mỹ và Hàn đã định vị và gắn bó với khách hàng Việt trong nhiều năm qua bằng những sản phẩm chất lượng.
Chính vì vậy, các thương hiệu ô tô Trung Quốc chắc chắn sẽ phải mất thêm một thời gian nữa để khẳng định chính mình, cũng như để người tiêu dùng Việt đón nhận một cách cởi mở hơn đối với các mẫu xe đến từ quốc gia tỷ dân.
Hiện nay, lượng khách hàng trẻ mua xe để trải nghiệm sản phẩm ngày một nhiều. Họ cũng không quá định kiến với những thương hiệu mới, và đây có thể là nhóm đối tượng khách hàng mà các hãng xe Trung Quốc có thể nhắm tới.
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!