Giới kinh doanh ô tô nhìn nhận vẫn khó trông chờ giá xe sang châu Âu giảm sâu dưới tác động của Hiệp định EVFAT với lộ trình thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ châu Âu giảm 0%.
Hãng xe của Cộng hòa Séc (Czech) là Skoda sẽ chính thức vào Việt Nam từ năm 2023 theo một thỏa thuận hợp tác mới ký với TC Motor cuối tuần trước. Theo đó, xe Skoda sẽ chủ yếu bán dưới dạng nhập khẩu, sau đó mới tiến tới lắp ráp.
Nhà máy sản xuất ô tô Skoda dự kiến đặt tại Quảng Ninh. Đây cũng là nơi đặt trụ sở nhà phân phối mới của Nissan Motor tại Việt Nam, gần tổ hợp Công nghiệp hỗ trợ do TC Motor đầu tư từ năm 2020. Mô hình đầu tư này khá giống lựa chọn của Trường Hải khi đặt tổ hợp nhà máy ô tô ở KCN Chu Lai, Quảng Nam.
Với tư cách là nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Séc, Škoda Auto chia sẻ chiến lược chọn Việt Nam làm cứ địa sản xuất ô tô cho khu vực Đông Nam Á là dựa trên nền tảng mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Cộng hòa Séc và Việt Nam. Do đó, thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân sẽ trở thành cửa ngõ cho nhãn hiệu ô tô Séc tiến vào thị trường ASEAN, đích đến hấp dẫn hơn với tổng số 10 quốc gia trong khu vực thương mại tự do và cơ hội tiếp cận hơn 600 triệu khách hàng tiềm năng.
Skoda là cái tên vẫn còn khá xa lạ với người dân Việt bởi đây là thương hiệu xe chỉ phổ biến ở Trung và Đông Âu. Tuy nhiên, Skoda được ví như "Toyota của châu Âu" bởi hướng đến phân khúc xe giá rẻ cho người có thu nhập thấp ở châu Âu.
Skoda Auto thành lập năm 1925, trụ sở chính hiện ở Mladá Boleslav, Cộng hòa Czech. Năm 2000, Skoda được tập đoàn Volkswagen AG mua lại, chính thức nằm "chung nhà" với Porsche, Audi, Ducati, Seat, Scania, Lamborghini, Bentley...
Chính vì thuộc sở hữu của "gã khổng lồ" Volkswagen nên Skoda có thể sử dụng nguồn cung cấp phụ tùng, thiết kế và tài chính để tập trung cho thị trường Đông Âu. Ngoài 3 nhà máy ở Czech, Skoda còn sản xuất ở Trung Quốc, Nga, Slovakia, Ấn Độ và Ukraine. Việt Nam chính là điểm đến mới và là nhà máy đầu tiên mà Skoda đặt ở Đông Nam Á.
Skoda đang sản xuất 11 mẫu xe, trải rộng ở nhiều phân khúc gồm cả xe chạy xăng, dầu lẫn điện. Hiện tại, Octavia đang là chiếc xe bán chạy nhất của Skoda với doanh số năm 2021 đạt hơn 200.000 chiếc, tiếp đến là Skoda Kamiq bán hơn 120.000 xe và mẫu Karoq bán hơn 119.000 xe.
Sự xuất hiện của Skoda sẽ làm phong phú thêm thương hiệu ô tô châu Âu tại Việt Nam. Đây là thương hiệu xe Âu thứ 3 lắp ráp trong nước, sau Mercedes-Benz và Peugeot.
Đối thủ chính của Skoda sẽ là Peogeot và Volkswagen. Dù chưa có thông tin về dải sản phẩm và giá bán nhưng phân khúc giá xe mà Skoda hướng đến chính là thị phần mà Peogeot và Volkswagen đang nắm giữ tại Việt Nam.
Hiện tại, cả Peogeot và Volkswagen đều có xe cỡ B, C và SUV cỡ D giá trên dưới 1 tỷ đồng, trong đó xe Peugeot đang bán khá tốt nhờ chính sách giá của Trường Hải cũng như có được thời gian đầu tư dài từ trước. Riêng Volkswagen có thị phần khá thấp bởi là xe nhập khẩu, đại lý ít và giá còn cao nên thường xuyên áp dụng chính sách khuyến mại hạ giá để kéo doanh số.
Thuận lợi của Skoda khi bán xe và lắp ráp tại Việt Nam sẽ đến từ đối tác TC Motor có kinh nghiệm phân phối và sản xuất xe Hyundai hơn chục năm, tuy nhiên khó khăn cũng không nhỏ vì là thương hiệu mới, ít quen thuộc, sẽ cần thời gian để chứng minh.
Đình Quý
Bạn có góc nhìn hay đánh giá như thế nào về hãng xe Skoda? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Giới kinh doanh ô tô nhìn nhận vẫn khó trông chờ giá xe sang châu Âu giảm sâu dưới tác động của Hiệp định EVFAT với lộ trình thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ châu Âu giảm 0%.