Thị trường sụt giảm mạnh vì dịch bệnh
Sản xuất đình trệ, kinh doanh sụt giảm mạnh khiến cho các hãng xe và đại lý gặp nhiều khó khăn là điểm chung trong các báo cáo về những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh mà Honda Việt Nam và Toyota Việt Nam vừa gửi đến Bộ Kế hoạch Đầu tư.
Honda Việt Nam cho biết, quy mô sản xuất của hãng này dự kiến giảm 30% trong năm 2020 đối với ô tô. Còn đối với xe máy, dự kiến giảm 43% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6. Đại diện hãng xe máy chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam cho biết, do phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh nên doanh thu cũng giảm tương ứng với mức giám sản lượng.
Thị trường đầu ra gặp khó khi các đại lý tạm dừng kinh doanh trong thời gian giãn cách cũng như tác động từ suy thoái kinh tế vì dịch bệnh. Điều này khiến thị trường ô tô giảm 32% so với cùng kỳ và thị trường xe máy cũng ảnh hưởng từ tháng 4/2020. Theo đánh giá của Honda Việt Nam: “Với tình hình này, thị trường ô tô, xe máy có thể tiếp tục suy giảm kéo dài sang các năm tiếp theo và công ty khó có thể khổi phục sản xuất như kế hoạch đề ra”.
Honda Việt Nam cũng cho biết “Sản lượng ô tô sản xuất trong nước sẽ giảm do khó khăn trong việc khôi phục sản xuất, trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn còn. Dẫn đến việc có khả năng sẽ chuyển đổi mô hình kinh doanh từ sản xuất sang nhập khẩu”.
Cũng theo Toyota, sản lượng của hãng xe này trong tháng 3 giảm khoảng 8% so với kế hoạch (do việc tạm dừng sản xuất từ ngày 30/3). Trong khi đó, từ tháng 4 sản lượng giảm tới 78% do với các tháng hoạt động bình thường (khoảng 3.000 xe) do khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất.
Doanh số bán hàng của Toyota Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề do 46/57 đại lý tạm dừng bán hàng. Theo con số của hãng xe này đưa ra, doanh số quý I của Toyota giảm 10% (tương đương 1.500 xe). Còn sang tháng 4 doanh số có thể giảm tới 80% (tương đương giảm 4.800 xe). “Điều này dẫn đến lượng xe tồn kho ở đại lý cao, còn đại lý cũng khó khăn về dòng tiền và mất thanh khoản nên không đủ nguồn tiền chi trả cho công ty”.
Thực tế, theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) thì tính đến hết quý I/2020, doanh số bán ra của VAMA đạt 50.009 xe, giảm 33% so với cùng kỳ 2019. Nếu cộng thêm doanh số của Hyundai (do TC Motor phân phối) thì toàn thị trường trong quý I/2020 tiêu thụ tổng 65.371 xe, giảm tới 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hầu hết các thương hiệu ô tô đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn khi doanh số bán hàng sụt giảm mạnh. Báo cáo của VAMA cho thấy doanh số của Ford Việt Nam sụt giảm 48%, Toyota giảm 28%, Lexus giảm 45%, Mazda giảm 49%, Nissan giảm tới 58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp vẫn muốn giảm thuế, phí để kích cầu
Theo báo cáo của Bộ Công thương, sản lượng ô tô sản xuất tháng 4 đạt 6,9 nghìn chiếc, giảm 61,4% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, sản lượng ô tô sản xuất đạt khoảng 61,4 nghìn chiếc, giảm 23,8% so với cùng kỳ năm trước.
Dẫu các hãng xe đã nối lại hoạt động sản xuất nhưng công suất ở mức thấp do lượng hàng tồn kho còn cao. Hầu hết các nhà sản xuất phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh mới.
Số liệu báo cáo của Bộ Công thương, lượng ô tô sản xuất, lắp ráp còn tồn kho trong quý I/2020 tăng 122,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng nói là tháng 3, tháng 4 cũng là thời điểm giá xe giảm mạnh nhất kể từ cuối năm ngoái. Đây được xem như điều tất yếu bởi tất cả các hãng xe đều phải có các giải pháp kích cầu trong bối cảnh người tiêu dùng “thắt lưng, buộc bụng” khi kinh tế suy giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Từ đầu năm đến nay, người dùng liên tiếp nhận các thông tin giảm giá, khuyến mại, tăng quà từ các thương hiệu ô tô từ bình dân đến cao cấp. Ngoài chương trình từ hãng xe, các đại lý cũng phải hi sinh lợi nhuận để giảm giá, tặng quà cho khách với kì vọng có thể thúc đẩy doanh số bán hàng. Tuy nhiên trên thực tế, lượng hàng tiêu thụ vẫn không đạt được như mong muốn.
Các doanh nghiệp ô tô, xe máy vẫn kiên trì với đề xuất giảm 50% thuế GTGT và lệ phí trước bạ cho khách hàng mua xe như giải pháp kích cầu để “cứu” thị trường.
Ngoài ra, hãng xe cũng kiến nghị Chính phủ “nới lỏng” chính sách để tạo điều kiện cho xe lắp ráp trong nước như: Có ưu đãi đặc biệt về thuế TTĐB theo hướng trừ đi phần GTGT trong nước; Giảm yêu cầu về sản lượng riêng và sản lượng chung tối thiểu theo yêu cầu của Nghị định 125 (năm 2017) và có thể xem xét hỗ trợ cả năm 2021 để hỗ trợ cho sản xuất trong nước.
Honda Việt Nam cũng kiến nghị đưa ngành nghề sản xuất mô tô xe máy; sản xuất linh kiện phụ tùng cho mô tô, xe máy; các doanh nghiệp bảo dưỡng, sửa chữa... vào đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuế đất do cũng đang đối mặt phải các khó khăn do dịch bệnh.
Toyota Việt Nam cũng đề xuất Chính phủ miễn giảm phí lưu kho tại cảng do tồn kho tăng cao nên có thể lưu kho tại cảng lâu hơn.