Không ít tài xế giật mình khi phát hiện ô tô của mình vi phạm lên đến hàng chục lỗi với số tiền trên trăm triệu đồng.
Phản ánh với phóng viên, anh V.N.T (ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) cho biết mới đây, anh truy cập Cổng thông tin điện tử Công an TP HCM để xem danh sách phương tiện tham gia giao thông bị xử phạt qua hình ảnh (còn gọi là "phạt nguội").
CSGT thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm thông qua hình ảnh. |
Kiểm tra xe của mình, anh T. sững sờ khi thấy vi phạm tới 49 lượt, hầu hết là chạy quá tốc độ tại hầm vượt sông Sài Gòn. Theo đó, tổng số tiền anh phải nộp phạt là 148 triệu đồng.
"Từ trước đến giờ, tôi không nhận được giấy mời hay thông báo vi phạm nào của CSGT, hôm nay xem mới giật mình. Xe tôi hiệu KIA Moring, giá chỉ 350 triệu đồng nhưng giờ nộp phạt gần bằng nửa giá trị chiếc xe. Chỉ còn 3 tháng nữa, xe tới hạn đăng kiểm" - anh T. nói.
Theo anh T, lâu nay, anh dùng xe này để kinh doanh dịch vụ Uber và luôn tuân thủ theo quy định tốc độ. "Hiện tôi không thể có số tiền lớn như vậy, chắc chắn phải bán xe may ra có lời thêm một ít" - anh T. phân trần.
Qua kiểm tra danh sách "phạt nguội" do Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP HCM cung cấp, phóng viên Báo Người Lao Động nhận thấy rất nhiều phương tiện khác cũng vi phạm với số tiền trên 100 triệu đồng. Cụ thể, ô tô BKS 60C-223... có tới 50 lượt vi phạm; xe BKS 51A-697... có 46 lần chạy vượt quá tốc độ; xe BKS 50Z-272... tới 29 lượt vi phạm giao thông...
Rất nhiều trường hợp bị "phạt nguội" hàng chục lần. Trong ảnh là một trường hợp vi phạm lên đến 29 lần. |
Trung tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội Tham mưu PC67, cho biết những trường hợp vi phạm sẽ được phòng gửi thông báo nhờ công an cấp phường - xã nơi chủ phương tiện đăng ký phối hợp xác minh.
"Mỗi lần vi phạm là một giấy thông báo chứ không phải gom lại một lúc rồi mới gửi. Danh sách đăng tải vậy chứ không căn cứ bao nhiêu lần mà xử phạt. Phải xác minh cụ thể, ví dụ xe đó người khác lái hoặc chủ lái rồi mới xử phạt" - trung tá Bình giải thích.
Không có chuyện xoá lỗi vi phạm
Hiện nay, trên mạng xã hội chia sẻ thông tin: "Trong vòng một năm kể từ khi đưa ra thông báo vi phạm, chủ phương tiện không đóng phạt, không phát sinh thêm lỗi mới sẽ bị xóa lỗi". Thông tin này căn cứ vào Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Đại diện PC67 cho biết thông tin nêu trên không chính xác. Hiện tại có hơn hơn 13.000 trường hợp "chây ì" không tham gia đóng phạt.
(Theo Người lao động)