Thị trường ô tô những tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017 chứng kiến nhiều biến động về giá khi nhiều loại xe nhập, xe lắp ráp giảm giá nhanh và sâu. Việc giá xe mới giảm mạnh khiến kinh doanh ô tô cũ hiện hết sức nghẹt thở. Cuộc chiến giảm giá xe cũ cũng trở lên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Điểm qua thị trường xe mới, hiện giá các dòng xe mới của các hãng đều giảm so với cùng kỳ năm trước, thậm chí nhiều loại xe còn giảm mạnh gần 100 triệu đồng so với mức giá 1 tháng trước Tết.
Theo nhiều người kinh doanh xe ô tô, khơi mào trong đợt giảm giá xe là các doanh nghiệp, đại lý nhập khẩu xe nguyên chiếc nhỏ và vừa, sau đó là các liên doanh sản xuất, lắp ráp xe trong nước và gần đây là các hãng nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc.
Những dòng xe cũ hạng sang được cho là đang mất giá nhanh do tiêu thụ nhiên liệu nhiều, khấu hao lớn đặc biệt xe đời sâu rất khó cạnh tranh với xe mới cùng tầm tiền |
Năm 2017, cuộc chiến giảm giá xe mới vì thuế
Bước sang năm 2017, nhờ có chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt mới có lợi cho các dòng xe dung tích nhỏ, nên nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, nhập khẩu xe mới có dung tích dưới 2.0L ồ ạt nhập hàng, giảm giá xe.
Theo nhận định của nhiều DN, có lẽ năm 2017 sẽ là năm giá xe có thể có nhiều biến động nhất vì đây là năm cuối trước khi Việt Nam bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với ô tô nguyên chiếc có xuất xứ từ các nước ASEAN.
Theo lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (CBU) từ các nước ASEAN của Hiệp định ATIGA từ năm 2015, mức thuế nhập khẩu CBU, linh phụ kiện được áp mức thuế 50%, năm 2016 còn 40%, năm 2017 là 30% và năm 2018 sẽ giảm xuống còn 0%.
Điều kiện để ô tô CBU, linh phụ kiện được giảm thuế theo lộ trình hàng sản xuất tại các quốc gia khi và chỉ khi có tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên. Với điều kiện này, thì Thái Lan có tỷ lệ nội địa hóa nhiều dòng xe từ 70 - 90% như pick up (xe bán tải) và xe dưới 9 chỗ của các hãng như Toyota, Mitsubishi, Ford đều có thể nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam được.
Còn đối với các nền sản xuất xe hơi tương tự hoặc nhỉnh hơn Việt Nam như Malaysia, Indonesia, chỉ một số dòng xe chiến lược của các nước này đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% - 70%. Tuy nhiên, hiện chỉ có Indonesia nhập xe nguyên chiếc về Việt Nam nhiều, còn Malaysia vẫn chủ yếu là nhà cung cấp linh kiện.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bình luận: Thuế 0% đối với ô tô, ở ASEAN, chúng ta lo ngại nhất Thái Lan, bởi nước này, nhiều mẫu xe tỷ lệ nội địa hóa từ 70% đến hơn 90% linh kiện xe hơi. Còn các nước như Indonesia, Malaysia, vốn chỉ gia công lắp ráp như Việt Nam, cũng chỉ vài dòng sản phẩm có nội địa hóa mà chúng ta đáng lo ngại, còn hầu hết họ nhập vào Việt Nam là linh kiện, phụ tùng.
Mức giá xe mới giảm nhanh, trong khi nhiều mẫu xe mới được nhập về tiếp thêm sự đa dạng cho thị trường và tăng lựa chọn xe cùng phân khúc, giá tiền cho khách hàng. Giá các loại xe cũ vì thì cũng nhanh chóng giảm xuống, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh xe cũ hạng sang, dung tích lớn đã bắt đầu cảm thấy khó thở hơn so với trước.
Ông Nguyễn Hữu Đông, chủ cơ sở kinh doanh ô tô cũ tại Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: "Từ khoảng giữa tháng 11/2016, xe cũ hạng sang như Mecerdes, BMW, Lexus rất ít khách hỏi. Giá dòng xe loại này có dung tích từ 3.0L đến 6.0L giảm 20% thậm chí có xe giảm 30% so với tháng trước đó nhưng xe này rất kén khách. Nếu tiếp tục mua vào những dòng xe này, chủ hàng có thể chết vốn".
Trong khi đó, theo ông Đông thay vì bỏ ra số tiền hơn 600 - 800 triệu đồng để mua xe cũ thương hiệu hạng sang, hiện nhiều người đã lựa chọn các dòng xe mới với những tiện ích thời thượng, tiết kiệm nhiên liệu hơn như Honda Civic đời 2016, Mazda 2, Kia Cerato, Toyota Altis 1.8MT...
Xe cũ dạt về quê, câu chuyện thương trường
Còn đối với những người chọn mua xe cũ vì mục đích kinh doanh, đi thử xe, theo anh Bùi Nam Khánh, nhân viên kinh doanh của cửa hàng kinh doanh ô tô cũ tại đường Tố Hữu cho biết: Mức giá từ 400 triệu đông đến hơn 800 triệu đồng/xe là tối ưu với các loại xe đã sử dụng khoảng 2 - 3 năm đổ lại, còn những loại xe đời sâu quá như 2007 hoặc 2008, hiện mức giá có thể phải giảm xuống từ 250 triệu đến 400 triệu đồng/xe. Tuy nhiên, những mẫu xe này hiện cũng khá khó bán vì lượng xe Kia Morning, Huyndai i10 mới nhập về cũng có mức giá chỉ 400 triệu đồng/xe, mức giá này cạnh tranh trực tiếp với các dòng xe cũ.
Anh Khánh cho hay: Giá xe chưa xuống đáy nên năm 2017 rất nhiều người sợ sẽ có nhiều đợt giảm giá xe mới tiếp theo. Nếu các nhà nhập khẩu và hãng xe tiếp tục cạnh tranh về giá thì ở các đô thị lớn, các cửa hàng xe cũ chắc chắn phải vật lộn với doanh thu giảm, không dám nhập nhiều xe bởi đất sống cho dòng xe này sẽ chật chội hơn trước rất nhiều. Chắc chắn việc chuyển địa điểm kinh doanh về các địa phương phải được tính đến.
Lý giải trên phần nào có cơ sở bởi theo thống kê trong năm 2016, dù các nước xuất khẩu xe lớn vào Việt Nam như Ấn Độ, Trung Quốc hay Đức, Hoa Kỳ giảm cả lượng và giá trị thì xe của Thái Lan, Indonesia vẫn tăng tốc vào Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói: Xe Thái vào Việt Nam nhiều, nhanh bởi các xe này đều có dung tích xi lanh từ 1.5L đến ngưỡng 2.5L, xe vẫn được ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), đồng thời họ được lợi khi thuế nhập theo lộ trình giảm. Còn xe các nước như Đức, Mỹ giảm là vì thuế TTĐB cao, xe chịu nhiều loại phí hơn, nên các nhà nhập khẩu giảm nhập là điều dễ hiểu. Bối cảnh thị trường xe ô tô tại Việt Nam hiện nay không khác gì năm 2010, khi Indonesia, Malaysia bỏ thuế nhập xe từ Thái Lan, phải mất mấy năm, các nước này mới điều chỉnh và ổn định được thị trường.
Theo ông Đông, để đối phó với kinh doanh xe cũ giảm mạnh, nhiều cửa hàng xe hiện phải chuyển sang kinh doanh các loại xe cỏ, xe chạy lướt với giá rất thấp, phục vụ những đối tượng khách hàng nông thôn. Nhiều cửa hàng tiếp tục bán xe cũ, nhưng đó là những xe chất lượng như mới nhập từ nước ngoài. Đây là đối tượng khách hàng khác hẳn với phần đông còn lại.
"Giá xe cũ hiện đang ở trạng thái giảm mạnh, bán cắt vốn rất dễ mua. Nếu lựa được xe tốt, đây có lẽ là thời điểm mua được xe xe ưng ý cho mình với mức khấu hao thấp nhất", ông Đông nói.
Theo Dân Trí