Đăng kiểm là quy định bắt buộc đối với các loại phương tiện cơ giới đường bộ khi lưu thông trên đường. Với những tài mới ít có kinh nghiệm, việc tự đưa "xế cưng" đi đăng kiểm sẽ khá bỡ ngỡ và thường lo lắng, bất an vì không biết xe của mình có lỗi gì về mặt kỹ thuật hay không, đặc biệt là với xe ô tô cũ, vốn hay hỏng hóc.
Trao đổi với VietNamNet, kỹ sư ô tô Dương Trung Kiên - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ ô tô Kiên Phong (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, với những chiếc xe cũ trên 10 năm tuổi, nếu không được giữ gìn đúng cách và bảo dưỡng thường xuyên sẽ có rất nhiều vấn đề về kỹ thuật. Nếu "trượt" đăng kiểm sẽ khiến chủ xe mất thời gian, tiền bạc để khắc phục.
Tuy vậy, anh Kiên cũng cho rằng, các chủ xe cũng không nên quá lo lắng bởi thực chất đăng kiểm cũng chỉ là hoạt động kiểm tra kỹ thuật xe bình thường và có quy trình rõ ràng, theo đúng quy định.
"Nếu chiếc xe của bạn trong trạng thái hoạt động tốt, được bảo dưỡng, thay thế phụ tùng theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất, không vi phạm các quy định hiện hành như phạt nguội, độ chế các chi tiết quá mức,... sẽ không có gì đáng ngại", kỹ sư Kiên nói.
Với kinh nghiệm thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng cho các dòng "xe cỏ" đã sử dụng nhiều năm, vị chuyên gia này chỉ ra 5 bộ phận, hạng mục quan trọng mà chủ xe cần "soi" trước khi mang ô tô của mình đi đăng kiểm:
1. Hệ thống đèn
Hệ thống này bao gồm đèn chiếu sáng và các loại đèn xi-nhan, đèn lùi, đèn phanh, đèn soi biển số,... đều phải đảm bảo hoạt động tốt bởi chỉ cần 1 trong số các bóng đèn không hoạt động thì quá trình kiểm định của bạn sẽ dừng lại và có thể phải quay lại vào ngày hôm sau.
Để kiểm tra, chủ xe có thể khởi động, bật hết các đèn rồi đi một vòng quan sát xem có bóng đèn nào bị cháy hoặc hoạt động kém hay không. Đối với đèn pha, nên kiểm tra kỹ chất lượng, hướng ánh sáng bằng cách đỗ xe vuông góc và rọi đèn vào một bức tường, nếu hai bên không cân đối thì có thể tự điều chỉnh cho phù hợp.
2. Lốp xe
Lốp xe cũng là bộ phận rất dễ nhận biết và có thể tự kiểm tra trước khi đưa xế cưng đi đăng kiểm. Một trong những lỗi bị "đánh trượt" hay gặp là một hoặc nhiều lốp bị quá mòn, không đạt thông số về ma sát lăn khi đưa lên máy kiểm tra chuyên dụng.
Trường hợp xe đã tăng kích cỡ la-zăng và sử dụng lốp xe sai so với thông số ghi trong sổ đăng kiểm cũng chắc chắn bị từ chối. Lúc này, bắt buộc phải thay la-zăng và lốp về đúng chuẩn.
Nếu lốp xe đã quá mòn hoặc có dấu hiệu nứt, gãy, phồng rộp..., đừng tiếc tiền thay một bộ lốp mới để đảm bảo an toàn và yên tâm khi đi đăng kiểm.
3. Hệ thống phanh
So với các bộ phận khác được nêu ở trên, các vấn đề về phanh thường khó nhận biết hơn, nhất là đối với những lái xe ít kinh nghiệm. Dấu hiệu cho thấy phanh xe có vấn đề là khi đạp phanh có tiếng kêu rít, không ăn, hành trình phanh dài hơn, phanh nặng, xe bị rung lắc khi phanh và nặng hơn là phanh không nhả (bó phanh),...
Khi gặp các vấn đề về phanh, chiếc xe của chúng ta nhiều khả năng bị phía đăng kiểm "trả về", quan trọng hơn là gây mất an toàn trên đường. Do đó, hệ thống phanh cần được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên bởi những gara ô tô uy tín.
4. Kim phun, cảm biến khí thải
Các vấn đề về khí thải cũng là một trong những lỗi hay bị "dính" khi đăng kiểm ô tô cũ. Nguyên nhân có thể đến từ nhiều bộ phận như kim phun nhiên liệu kém, lỗi cảm biến oxy, bộ lọc gió có vấn đề hoặc cũng có thể do các nguyên nhân khác xuất phát từ động cơ, thường đi kèm với nhiều hiện tượng khác như xe bị rung giật, tốn nhiên liệu, hiện đèn "Check Engine",...
Các chuyên gia khuyên rằng, với một chiếc xe đã cũ, cần đưa xe đến gara định kỳ để bảo dưỡng hệ thống kim phun, họng hút và bu-gi để quá trình đốt cháy nhiên liệu được hiệu quả nhất. Đồng thời, các chi tiết như cảm biến oxy, lọc gió cần được thay thế theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất.
5. Các loại decal, phụ kiện
Nhiều chủ xe có sở thích dán decal kín xe hoặc dán nóc ô tô màu đen để tạo điểm nhấn cho xế cưng. Tuy vậy, nếu dán decal toàn bộ hoặc phần lớn diện tích xe có thể bị từ chối đăng kiểm vì lỗi làm thay đổi màu sơn. Còn xe có nóc đen nhưng trong giấy đăng ký xe không ghi xe có màu sơn đen thì hoàn toàn có thể phải bóc ra mới được đăng kiểm.
Ngoài ra, những phụ kiện như giá nóc, cản trước/sau, cánh lướt gió, mặt ca-lăng,... cũng là những chi tiết cần kiểm tra kỹ trước khi đưa xe đi đăng kiểm. Nếu lắp những phụ kiện này trái phép, chủ xe không chỉ bị từ chối đăng kiểm mà còn có thể bị lực lượng chức năng như CSGT xử phạt.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận. Mời bạn đọc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!