Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

Một trong những nội dung quan trọng nhất của Hiệp định này là đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.

{keywords}
Thuế nhập khẩu ô tô từ các nước EU sẽ giảm sau khi Hiệp định EVFTA được ký kết.

Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

Đối với mặt hàng ô tô, xe máy xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết đưa thuế nhập khẩu về 0% sau từ 9 tới 10 năm; riêng xe máy có dung tích xy-lanh trên 150 cm3 có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu là 7 năm.

Được biết, mức thuế nhập khẩu hiện nay đang được áp dụng lên tới 70%. Vì vậy, trong lộ trình 7 - 10 năm tới, thuế nhập khẩu ô tô, xe máy (tùy từng phân khúc) cũng như linh kiện ô tô từ EU sẽ giảm và tiến tới miễn thuế xuống 0%.

Việc cắt giảm thuế nhập khẩu xuống 0% đối với các dòng xe nhập khẩu từ EU về cơ bản sẽ giúp giá xe giảm mạnh.

Trong số các hãng xe EU, có thể kể tới Mercedes-Benz, BMW, Audi, Porches, Volkswagen (xe Đức); Peugeot, Bugatti (Pháp); Ducaiti, Ferrari, Fiat... (Ý).

Đây đều là những "ông lớn" trong ngành sản xuất ô tô thế giới. Tuy nhiên, điểm chung của các thương hiệu ô tô châu Âu là rất đắt và không phục vụ số đông người Việt. 

Hiện tại, các dòng xe nhập khẩu từ châu Âu hoặc các sản phẩm thương hiệu châu Âu được bán ra tại Việt Nam đều nằm ở phân khúc hạng sang hoặc siêu sang. 

(Theo VTC News)