Một thế giới mà xe hơi bay chiếm lĩnh bầu trời có thể mang lại nhiều điều tồi tệ hơn chúng ta tưởng.
Cao trên bầu trời đầy khói bụi của Los Angeles, hàng trăm chiếc xe bay vận chuyển hành khách qua lại liên tục giữa các bãi đáp trên những tòa nhà chọc trời. Đó là cảnh mở đầu của bộ phim giả tưởng Blade Runner, công chiếu vào năm 1982.
Chiếc xe bay trong phim Blade Runner. Ảnh: YouTube |
35 năm sau, chuyện tưởng như chỉ có trong phim đã dần trở thành hiện thực khi Dubai thử nghiệm chiếc taxi bay đầu tiên. Ngoài ra, các nhà đầu tư mạo hiểm của thung lũng Silicon theo đuổi công nghệ tự động và một số hãng xe đang lấn sân vào lĩnh vực hàng không.
Tuy nhiên, có 2 nhà phân tích kinh tế đưa ra những dự báo trái ngược với viễn cảnh tốt đẹp về một thế giới xe hơi bay làm chủ bầu trời.
Những trở ngại
Kimberly Harris-Ferrante và Michael Ramsey, hai nhà phân tích của công ty tư vấn công nghệ toàn cầu Gartner, bác bỏ quan điểm xe hơi bay sẽ thịnh hành trong tương lai gần. Họ cho rằng các rào cản kỹ thuật và quy định sẽ hạn chế việc xe hơi bay trở nên phổ biến.
Tất nhiên, đây có thể thể là một điều tốt, vì nếu thế giới thực sự giống như trong Blade Runner, sẽ có không ít điều tồi tệ kèm theo.
Đầu tiên là về thiết kế. Những mẫu xe hơi bay mới nhất hiện nay đều chạy bằng pin. Ví dụ như chiếc taxi bay không người lái có hai chỗ ngồi được thử nghiệm tại Dubai ngày 25/9/2017.
Buồng lái của máy bay điện được thử nghiệm tại Dubai. Ảnh: Volocopter |
Động cơ điện có thể phù hợp cho những màn trình diễn như thế này. Nhưng đối với các chuyến bay dân dụng, khối lượng của bộ pin sẽ giới hạn số hành khách và quãng đường đi. Những chiếc xe hơi bay chạy bằng nhiên liệu truyền thống thì lại đối mặt với vấn đề khác - ô nhiễm môi trường.
Tiếp theo, những quy định về khoảng cách tối thiểu trên không sẽ giới hạn số lượng xe hơi bay. Gần đây, Cục Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ đã ra một số luật dành riêng cho xe hơi bay. Đây là dấu hiện cho thấy cơ quan này đang thích nghi với sự phát triển của công nghệ.
Hai nhà phân tích của Gartner đưa ra nhận định thận trọng hơn, họ tin rằng cả tất cả phương tiện bay và không phận đều sẽ được quy định rất chặt chẽ. Số lượng chuyến bay cũng sẽ được giới hạn để đảm bảo việc kiểm soát tốt không lưu và không phận.
Nếu những chiếc xe hơi bay tự động này có thể vượt qua rào cản về hậu cần, vẫn còn một số vấn đề hạ tầng đô thị khó giải quyết hơn. Các khoản đầu tư dành cho cơ sở hạ tầng giao thông truyền thống vốn mang lại nhiều lợi ích xã hội hơn sẽ bị cắt giảm, thay vào đó là hệ thống kiểm soát không lưu hiện đại và bãi đáp cho xe hơi bay.
Thực tế phũ phàng
Không chỉ vậy, các nhà phân tích cho rằng: “Một thế giới tràn ngập xe hơi bay không phải điều chúng ta thực sự mong muốn”. Blade Runner chỉ là một bộ phim viễn tưởng, nhưng các ảnh hưởng của xe hơi bay lên đời sống sẽ giống trong thực tế: sự đô thị hóa hàng loạt và thúc đẩy sự phân hóa giàu nghèo.
Những tiến bộ về trí tuệ nhân tạo và công nghệ đã giúp các hãng sản xuất xe biến chuyện viễn tưởng thành sự thật. Có ít nhất 19 công ty, lâu đời lẫn khởi nghiệp, đang có kế hoạch chế tạo xe hơi bay. Nổi bật là các hãng Volocopter, AirBus, Uber, Toyota, Geely và Kitty Hawk, công ty khởi nghiệp được tài trợ bởi Larry Page, người sáng lập Google.
Udacity, một chương trình giáo dục trực tuyến thành lập bởi Sebastian Thrun, vừa thông báo việc mở khóa học về các kĩ năng phần mềm cần thiết để chế tạo hệ thống lái tự động cho các chuyến bay.
Một ví dụ điển hình cho loại hình kinh doanh xe hơi bay trong tương lai chính là trực thăng. Thực tế là một số mẫu xe bay mới đơn giản là trực thăng được cải tiến và sử dụng động cơ điện.
Tại São Paulo (Brazil), trực thăng cực kì phổ biến, đặc biệt là từ tháng 5/2017 khi AirBus đưa vào dịch vụ taxi bay. Theo ước tính của Gartner, thành phố này hiện có 193 trạm điều khiển, xử lý khoảng 500 chuyến bay bằng trực thăng mỗi ngày. Con số này vẫn đang tăng lên theo thời gian.
Dịch vụ taxi bay của AirBus có tên là Voom. Voom cho phép khách hàng đặt chuyến bay từ một ứng dụng trên điện thoại. Lịch trình, thời gian và giá cước cũng được thông báo qua ứng dụng này. Một ví dụ cụ thể là chuyến bay 10 phút từ trung tâm thành phố tới sân bay quốc tế ở São Paulo có giá 200 USD.
Dịch vụ trực thăng taxi Voom tại São Paulo. Ảnh: AirBus |
Đối với những người cần tới sân bay gấp thì mức giá này là xứng đáng cho việc tiết kiệm hàng giờ chen chúc trong dòng xe cộ. Theo Uma Subramanian, CEO của Voom, bay qua những hàng dài xe cộ kẹt cứng là ước mơ của tất cả dân cư ở các siêu đô thị như São Paublo.
Tuy nhiên, với lượng dân cư đông đúc trong các đô thị, số xe cần để phục vụ nhu cầu giao thông chắc chắn rất nhiều. Bầu trời các đô thị khi đó sẽ tràn ngập xe hơi bay cùng khói bụi và cảnh tượng dưới mặt đất thì không khác gì ngày tận thế.
Điều đáng chú ý là mô hình taxi bay bằng trực thăng đã từng được áp dụng trong suốt ba thập kỉ ở New York. Bắt đầu từ năm 1949, New York Airways đưa vào hoạt động dịch vụ này tại ba sân bay chính của thành phố với hàng chục chiếc trực thăng. Chi phí ít nhất là 4,5 USD cho một chuyến bay kéo dài chỉ vài phút. Dịch vụ này được mở rộng để cung cấp các chuyến đi từ sân bay đến một bãi đáp trực thăng trên đỉnh tòa nhà PanAm, Manhattan.
Tuy nhiên, vào ngày 16/5/1977, một chiếc trực thăng của hãng bị hỏng động cơ và lật nhào trên đỉnh tháp Pan Am. Cánh quạt quay của nó giết chết 4 người đang ngồi chờ gần đó. Mảnh vụn bê tông từ vụ tai nạn rơi xuống làm một người đi đường thiệt mạng. Vụ việc này dấy lên hồi chuông cảnh báo về mối nguy hiểm khi trực thăng bay gần các tòa nhà lớn. Hai năm sau New York Airways tuyên bố phá sản.
Ngày nay, New York chỉ còn 8 chiếc trực thăng dùng cho chở khách du lịch hoặc cư dân thành phố. Tuy nhiên, loại hình này bị một số người dân và chính trị gia phản đối do lượng khí thải, tiếng ồn và nguy cơ tai nạn của nó. Xe hơi bay trong tương lai thậm chí không có người lái. Điều gì giúp đảm bảo kết cục của nó sẽ không giống trực thăng?
Trả lời cho câu hỏi này, các hãng sản xuất đưa ra số liệu thống kê liên bang cho thấy 94% nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông đến từ lỗi của người điều khiển. Dù vậy, việc tự động hóa xe hơi bay cũng chưa thể khiến người dùng yên tâm. Nếu xảy ra tai nạn, hành khách không chỉ chịu tác động từ cú va chạm mà còn rơi từ độ cao hơn 3.000 m xuống, khả năng tử thương rất cao.
Theo Mark Rosekind, cựu quản trị viên của Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Quốc gia (NHTSA), tự động hóa phải tốt gấp đôi người lái và giảm một nửa số tai nạn mới mong được công chúng chấp nhận. Bên cạnh đó cần xem xét kĩ quy định về khoảng cách tối thiểu giữa các chiếc xe bay trên bầu trời.
Kết luận
Không thể đoán trước được dịch vụ xe bay trong tương lai có thể vượt qua khủng khoảng hay sẽ lại đi vào ngõ cụt như New York Airways. Nhưng sự không chắc chắn là nguyên nhân chính khiến các nhà phân tích của Gartner khuyên khách hàng tránh đầu tư vào lĩnh vực này.
Còn đối với những người bình thường như chúng ta, chẳng có hại gì khi hi vọng vào tương lai xe hơi bay chiếm lĩnh bầu trời, miễn sao vẫn có thể nhìn nhận thực tế vấn đề.
(Theo Zing)