Dịch giã phức tạp, liên tiếp xuất hiện các biến thể khó lường. Công ty tôi và ông xã đều làm việc tại nhà. Tuy thu nhập vẫn bình ổn nhưng hai vợ chồng cùng thống nhất, thời điểm này nên "thắt lưng, buộc bụng", "liệu cơm, gắp mắm", tiết kiệm tối đa có thể.
Ở nhà mùa dịch tốn kém hay tiết kiệm?
Câu này chắc các chị em nội trợ ngày nào cũng hỏi mình, hỏi người dăm bận. Nhưng đáp án thì mỗi lúc một khác. Cứ tới ngày 7-8 hàng tháng, cầm trên tay nào hoá đơn điện, nước, internet, truyền hình cáp, dịch vụ toà nhà..., tôi lại thở dài tự nhủ: "Ở nhà, tốn ơi là tốn". Cha mẹ làm việc tại nhà, con cái nghỉ hè sớm rồi học online... đồng nghĩa với việc cả gia đình xài hao điện nước hơn trước nên các hoá đơn "nảy tưng tưng" cũng không có gì lạ!
Chưa kể, lũ trẻ ở nhà cả ngày nên ngoài 3 bữa chính, các bữa phụ cùng đồ ăn vặt liên miên cũng khiến phụ huynh "đau ví".
Thế nhưng, vì dịch bệnh, lũ trẻ phải nói không với nhiều hoạt động ngoại khoá như học tiếng Anh, đi bơi, đi khu vui chơi... Cha mẹ từ ấy cũng tiết kiệm được tương đối.
Thay đổi thói quen, "bảo toàn" tài khoản
Dịch bệnh đúng là thay đổi cuộc sống của ối người và tôi chẳng phải ngoại lệ. Chưa bao giờ tôi nhận mình là mẹ hiền, vợ đảm nhưng vì ở nhà quá lâu, tới ông xã cũng phải thốt lên: "Mẹ của mấy đứa nhỏ thực sự có siêu năng lực" - tất nhiên, đó chỉ là lời bông đùa mà thôi!
Quan điểm của vợ chồng tôi rất rõ ràng: Tiêu dùng hợp lý không đồng nghĩa với ki bo. Những khoản phải chi thì vẫn chi nhưng cân đối để tiết giảm, còn khoản thuộc về hưởng thụ thì cắt giảm mạnh để ngân sách dự phòng "dày" hơn. Ngay trong cuộc sống hàng ngày, chúng tôi cũng lựa chọn mua tối thiểu để dùng, đủ xài thay vì ham rẻ mà mua nhiều dự trữ.
Vì hoạt động trong lĩnh vực truyền thông nên bình thường tôi khá bận, không có nhiều thời gian vào bếp. Tôi thường dành ngày cuối tuần để lên thực đơn rồi chuẩn bị sẵn những món đơn giản, dễ chế biến cho cả tuần.
Khi cần "ăn tươi", tôi ưu tiên việc đặt hàng từ các nhà hàng có tiếng. Tuy nhiên, giờ hàng quán đóng hết, tôi lại là người thích lăn vào bếp. Ví dụ như sau cả năm trời, tôi cũng "khai trương" chiếc máy làm bánh mì mà ông xã tặng. Chỉ chưa tới nửa cân bột, chút bơ, quả trứng..., cả nhà tôi đã có ổ bánh thơm ngon, nóng hổi cho bữa sáng.
Tự nấu nướng không chỉ giúp tôi làm mới cuộc sống chỉ ở trong nhà tưởng như nhàm chán mà còn gắn kết cả gia đình bởi vợ nấu cơm, chồng rửa bát, lũ trẻ ríu rít bên cạnh giúp bố mẹ. Quan trọng hơn, tôi cũng chủ động lựa chọn các thực phẩm tươi ngon, cân đo đúng với khẩu vị của gia đình, vừa bổ dưỡng lại tiết kiệm được 2-3 triệu đồng/tháng - có đúng là lợi cả đôi đường không?
Mùa dịch cũng là dịp để vợ chồng tôi điều chỉnh lại thói quen chi tiêu. Ông xã bỏ những cuộc nhậu không cần thiết, dành thời gian tập thể dục, chơi đùa hay hướng dẫn các con học tập. Tôi thì "cai" luôn chuyện mua sắm online. Thậm chí, tôi cũng dành các buổi trưa để xếp lại tủ quần áo khổng lồ: cái cần thì giữ, còn không tôi tặng lại người cần hoặc thanh lý. Thế là nhà cửa như rộng rãi, thoáng đãng hơn, chúng tôi lại có thêm một khoản để "nuôi heo đất".
Tôi cũng có một mẹo tiết kiệm muốn chia sẻ thêm cùng mọi người. Thay vì mỗi người một phòng làm việc hay học tập, tôi đề nghị chồng... chia "team". Hôm nay tôi ngồi cùng đứa lớn thì anh ấy "quản" đứa nhỏ và ngược lại. Như thế bố mẹ vẫn làm việc khi quan sát xem con học gì, chơi gì... Gia đình gắn kết và tiêu hao ít điện hơn lúc mỗi người ngồi một phòng.
Tôi cũng hạn chế việc mở điều hoà mà chỉ bật quạt và thường xuyên mở cửa sổ. Không khí thông thoáng giúp cuộc sống thoải mái, an nhiên hơn nhiều!
Độc giả Đỗ Vũ Thiên Hương (Hà Nội)
Mẹo vượt qua cảm giác cô đơn trong ngày giãn cách xã hội
Những ngày giãn cách khiến nhiều người cảm thấy cô đơn khi ở trong nhà quá lâu, giảm tương tác với xã hội. Sau đây là những mẹo để bạn và người thân vượt qua cảm giác tâm lý thông thường này.