Tôi cũng là một người dân tỉnh lẻ, từng sống ở Hà Nội 10 năm, đã vào Sài Gòn 2 năm. Tôi chẳng muốn so sánh giữa Hà Nội và Sài Gòn, bởi khoảng cách địa lý, văn hóa vùng miền khiến cách nghĩ của con người chẳng giống nhau. Thành phố nào cũng có nét đẹp riêng, mà những người càng gắn bó lâu thì sẽ càng dung hòa vào cuộc sống ở nơi đó.
Giống như, khi mới đặt chân vào Sài Gòn, tôi nhớ Hà Nội quay quắt. Nhớ hương vị những món ăn thân quen, nhớ những chiều lượn xe quanh Hồ Tây lộng gió, hồ sen thơm ngát chiều hè, nhớ lời mời chào của các anh chị đồng nghiệp hoặc đám bạn trước mỗi bữa ăn, nhớ cả niềm vui khi cùng đứa bạn thân bóc que kem chanh bạc hà ở Hồ Gươm…
10 năm thanh xuân tôi trao hết cho Hà Nội, bảo sao không yêu cho được! Nhưng, giá mà xen lẫn trong mùi hoa sen, hoa sữa, không phải ngửi thêm mùi ô nhiễm của dòng nước thì Hà Nội càng động lòng người hơn nữa.
Sông Tô Lịch đen ngòm, hôi thối từng ám ảnh người dân 2 bên bờ. |
Tôi còn nhớ hồi mới ra Hà Nội, với bản tính là một cô gái khá lãng mạn, tôi thường rủ bạn đạp xe ra Hồ Tây, Hồ Gươm, hoặc ven các con sông để hóng gió. Nhưng rồi, số lần chúng tôi rủ nhau cứ thưa dần, bởi hóa ra, việc đó cũng chẳng nên thơ cho lắm. Sau vài lần chọn ngồi đúng hướng gió cho mát, mùi cá chết, mùi nước hôi tanh sực vào mũi, lên tận óc khiến chúng tôi chẳng muốn mở miệng trò chuyện.
Dòng sông nơi quê tôi sinh ra tuy có dữ dằn khi mùa lũ, nhưng bình thường nó khá hiền hòa và trong lành. Mỗi buổi chiều, trẻ con trong làng lại rủ nhau đi tắm mát, lặn ngụp. Tiếng cười đùa vang cả một góc trời mùa hạ.
Còn Hà Nội, ngoài dòng sông Hồng mênh mông nước khiến tôi dễ thở hơn chút, thì những dòng sông ở trong nội thành đều kinh khủng như nhau. Trong số những lần chạy xe dọc đường Láng từ Cầu Giấy xuống Ngã Tư Sở, không ít lần tôi phải học cách nín thở. Cứ hít vào thật nhanh, thở ra từ từ, để hạn chế tối đa cái mùi hôi thối bốc lên từ sông Tô Lịch.
Giờ đây, không chỉ dòng sông mà cả hai bên bờ sông cũng được cải tạo, trồng cây xanh, làm đường đi bộ để người dân có thể tập thể dục mỗi sáng sớm hoặc chiều tối. Thế nhưng làn đường vẫn khá thưa thớt, bởi dòng sông chưa sạch mùi hôi.
Rác, rong rêu ô nhiễm phủ lớp dày trên mặt sông Lừ. |
Hay những khu vực có sông lớn khác như sông Kim Ngưu, sông Nhuệ, sông Sét… và cả những dòng kênh, mương nước nhỏ trong các khu dân cư cũng đen ngòm, thậm chí mùi còn nồng nặc hơn vậy.
Trước đây, tôi không sống sát bờ sông, nhưng cũng khá gần, đi bộ chỉ khoảng 5 phút là tới. Bạn có hình dung được không, vào mùa hè, thời tiết oi ả, trời bỗng “nhả” vài hạt mưa lác đác khiến dòng nước cạn bị xối, mùi hôi tanh của bùn, của nước thải bốc lên, khiến cánh mũi tôi khốn đốn.
Không chỉ vậy, rác ngập ngụa mặt nước, vớt hết đợt rác này, lại có đợt tiếp xô đến, bức tử những dòng sông vốn hiền hòa, dễ chịu. Nhiều lần cá chết nổi trắng sông, hồ, thậm chí có những dòng sông chẳng có sinh vật nào sống sót nổi.
Sự ô nhiễm do chính bàn tay con người gây nên, tích tụ theo thời gian, nhưng để hồi phục lại như trước quả thật rất khó. Mỗi ngày, chúng ta đều dõi theo thông tin báo chí về việc cải tạo sông Tô Lịch, để hi vọng một ngày dòng sông có thể xanh trong trở lại, để những thế hệ mai sau có thể thoải mái hít thở hương hoa sữa, hoa sen.
Hà Nội trong tôi, Hà Nội của chúng ta giờ đây vẫn đáng mến, thế nhưng thiếu đi một phần sự sống trong lành.
Ngọc Lan
Tôi đã hiểu tại sao tỷ lệ người muốn di cư đến TP. HCM cao gấp đôi đến Hà Nội
Từng có một thời gian sinh sống và học tập tại Hà Nội, tôi cảm thấy mình đã đúng đắn khi quyết định chuyển vào TP HCM làm việc. Môi trường trong đây khá phù hợp với người trẻ, năng động, có khao khát lập nghiệp.
Tại sao phải vào TP.HCM sống khi Hà Nội đã quá đủ tuyệt vời?
Xuất thân tỉnh lẻ, tính đến nay tôi đã sinh sống, học tập và làm việc ở Hà Nội được gần 20 năm. Sau một vài lần vào TP.HCM công tác, tôi lại càng cảm thấy quen thuộc, gắn bó hơn với đất thủ đô trầm mặc, nhẹ nhàng.