- Bà ngoại tôi có hai người con gái, trong đó mẹ tôi là con đầu, dưới là dì út đã lập gia đình. Sau khi kết hôn, dì tôi ra ở riêng, gia đình tôi cũng tách hộ ra khỏi hộ khẩu của bà ngoại (do ba tôi lập nghiệp xa quê nên khi kết hôn nhập khẩu cùng vợ). Chỉ còn duy nhất mình tôi thuộc hộ khẩu của bà. Nay mẹ tôi mất, nếu xét theo luật thừa kế thì tôi sẽ được hưởng quyền lợi thế nào? Rất mong luật sư tư vấn.
Mẹ tôi mất, tôi có được hưởng phần thừa kế của bà? (Ảnh minh họa) |
Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho những người còn sống. Theo quy định tại Điều 634 Bộ luật dân sự: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”
Di sản thừa kế có thể là hiện vật, tiền, giấy tờ trị giá được thành tiền, quyền tài sản thuộc sở hữu của người để lại di sản.Việc xác định di sản thừa kế mà người chết để lại căn cứ vào giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp đối với khối tài sản đó. Đối với trường hợp di sản thừa kế là tài sản thuộc sở hữu chung thì việc xác định tài sản chung của người để lại di sản có thể dựa trên những thỏa thuận đã có từ trước hoặc căn cứ vào văn bản do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Ở đây thông tin câu hỏi nêu không rõ là bà bạn đã để lại di sản thừa kế hay chưa nên có thể có các trường hợp như sau.
Trường hợp thứ nhất: Nếu bà ngoại bạn đã mất và mất trước mẹ bạn.
Theo nguyên tắc chung, nếu người mất có di chúc thì tài sản sẽ được chia theo di chúc; nếu không có hoặc di chúc không hợp pháp, tài sản của người mất sẽ được chia theo pháp luật.
Điều 676 Bộ luật Dân sự quy định cụ thể các hàng thừa kế bao gồm:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Như vậy, nếu bà ngoại bạn mất để lại di chúc và di chúc đó hợp pháp thì di sản thừa kế sẽ được chia theo di chúc. Nếu bà ngoại bạn mất không để lại di chúc thì di sản được chia theo pháp luật.
Bạn không nói ông ngoại bạn còn sống hay đã mất. Nếu ông ngoại bạn còn sống thì theo đó di sản của bà ngoại bạn sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất: ông ngoại bạn, mẹ bạn, dì bạn. Mỗi người được hưởng phần di sản bằng nhau.
Trường hợp thứ hai: bà ngoại bạn vẫn còn sống, mẹ bạn đã mất trước.
Theo quy định, người thừa kế phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
“Điều 633. Thời điểm, địa điểm mở thừa kế
1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trong trường hợp Toà án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này.
2. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ hoặc phần lớn di sản.”
Mẹ bạn qua đời trước thời điểm mở thừa kế - thời điểm người có tài sản chết thì việc thừa kế tài sản của bà ngoại bạn căn cứ theo quy định tại Điều 677 Bộ luật Dân sự 2005. Điều 677. Thừa kế thế vị
Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”
Do đó, các con của mẹ bạn sẽ được hưởng phần di sản mà mẹ bạn được hưởng từ bà ngoại bạn nếu còn sống.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc