Tour nội địa trầm lắng

Đến thời điểm này, hầu hết công ty du lịch đã chốt tour tuyến khởi hành dịp lễ 30/4-1/5. Như tại Vietluxtour, công ty đạt hơn 98% kế hoạch kinh doanh tour lễ. Tour nước ngoài đã khóa sổ, chỉ còn một số chỗ lẻ đi Phú Quốc, Đà Lạt, Hà Nội và các dịch vụ như free & easy (vé máy bay, phòng khách sạn), đặt xe...

Tuy nhiên, đại diện công ty Flamingo Redtours nhận xét, dịp lễ 30/4-1/5 năm nay tình hình tour tuyến tại các đơn vị lữ hành khá trầm lắng. Khách chủ yếu tự đi, nếu có chỉ đặt dịch vụ vé máy bay + phòng khách sạn. Do đó, không ít công ty du lịch đến sát ngày tour vẫn còn chỗ trống, buộc phải giảm giá, bán xả hàng. 

Ngoài ra, do lịch thi học kỳ của trẻ nhỏ cũng bị thay đổi, một số trường đẩy lên sớm nên những gia đình khởi hành sớm, từ 27-28/4 nên phải dời ngày, chấp nhận giá cao.

Khách du lịch ngày càng có xu hướng tự đi, nhờ đặt dịch vụ, không mua tour qua công ty du lịch (Ảnh minh họa: Vietravel)

Thậm chí, CEO một DN du lịch tại TP.HCM chia sẻ, du lịch dịp lễ 30/4 năm nay dự đoán khó khăn hơn do cách đây 1 tháng vé máy bay trở nên đắt đỏ, thông tin dịch bệnh quay trở lại nên một số tour đoàn khách ngâm hợp đồng không dám ký, chờ qua mùa lễ. Ngược lại, tour đi nước ngoài (outbound) thì thắng lớn.

Ồ ạt xả tour, combo du lịch giá siêu rẻ 

Sát kỳ nghỉ lễ, trên các diễn đàn, nhóm mạng xã hội liên quan đến du lịch, đông đảo thành viên rao bán tour du lịch khuyến mãi, vé máy bay giá rẻ, phòng khách sạn giảm giá giờ chót,... khiến người xem như lạc vào ‘’ma trận’’. 

Chẳng hạn, một thành viên nhóm Tour giờ chót - giá siêu rẻ, đăng thông tin: Xả lỗ 4 chỗ tour Singapore (4 ngày 3 đêm) đi 30/4, về 3/5, giá chỉ 13,99 triệu đồng do khách hết hạn hộ chiếu không làm kịp. Một người khác cho hay muốn thanh lý combo du thuyền Hạ Long dịp lễ 30/4, 2 ngày 1 đêm, giá chỉ 2.xxx triệu đồng/người.

Hoặc, có thành viên viết: “Cần thanh lý quỹ phòng: 3 phòng Flamingo Cát Bà Resort ngày 29-1/5, tòa 2, hạng đẹp, giá 3,89 triệu đồng/đêm và 2 phòng tại khách sạn Mường Thanh Luxury hạng Deluxe Hạ Long ngày 1-3/5 giá 1,95 triệu đồng/đêm”. 

Khách bán tour đi nước ngoài giảm giá dịp lễ (Ảnh chụp màn hình)

Lợi dụng tâm lý hám rẻ, thích “săn sale” các tour tuyến, voucher, combo giảm giá trên mạng nên kẻ xấu cũng tung ra đủ chiêu trò lừa đảo. 

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, cho biết, với hình ảnh uy tín, thông tin công việc rõ ràng, kẻ xấu còn đăng tải ảnh ‘check-in’ sang chảnh khắp nơi, rồi lập nick ảo và tạo tương tác. Thậm chí, có đối tượng còn sao chép website của những công ty du lịch uy tín và đặt máy chủ nước ngoài nên khách rất dễ ’sập bẫy’. 

Theo ông Đạt, có hai kiểu lừa đảo chính: lừa khách hàng mua xong thì người bán biến mất, khách hàng không hề nhận được bất kỳ dịch vụ nào; kiểu thứ hai là vẫn có dịch vụ nhưng chất lượng kém, không như quảng cáo. 

Ông dẫn chứng, đối tượng khi bán hàng là khách sạn, du thuyền,… thì quảng cáo 5 sao, nhưng thực tế chỉ từ 2-3 sao. Tour du lịch thì cắt hết các điểm chính (có mất phí tham quan) và đưa du khách đến những điểm du lịch miễn phí, đồ ăn kém và bắt khách vào các điểm mua sắm bắt buộc.

“Các tour du lịch ảo nở rộ, biến tướng, ngày càng tinh vi, nhất là trong các dịp cao điểm du lịch, ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính”, ông Đạt nhận xét.

Điển hình, trên một diễn đàn chuyên thanh lý voucher, vé máy bay và phòng khách sạn, một người rao bán tour Hà Nội - Phukhet (Thái Lan) 4 ngày 3 đêm, bay 29/4, giá 4,6 triệu đồng. Ngay lập tức, các thành viên khác phản ứng ngay, bởi giá tối thiểu cho tour này là từ 7 triệu đồng trở lên. Mức 4,6 triệu chỉ bằng giá landtour, thậm chí không đủ để mua vé máy bay. 

 Khách đừng ham rẻ quá đến vô lý, kiểu giảm giá 30-50% vào dịp cao điểm (Ảnh báo Kiên Giang).  

Tỉnh táo, đừng ham rẻ quá

Trên thực tế, không ít khách đã bị lừa, tuy rất bực tức nhưng thường không tố cáo ra công an vì số tiền không quá lớn, chỉ vài triệu tới vài chục triệu đồng, và ngại thủ tục phiền hà. Chính vì vậy làm cho loại hình lừa đảo này ‘’có đất’’ hoành hành.

Ông Nguyễn Tiến Đạt khuyến cáo, khách đừng ham rẻ quá đến vô lý, kiểu giảm giá 30-50% vào dịp cao điểm du lịch. Theo ông, đã qua thời Covid nên không còn mức khuyến mại rẻ như vậy, trong khi giá vé máy bay năm nay còn tăng mạnh.

Hơn nữa, một lời khuyên được nhắc tới thường xuyên là khách hãy liên hệ và đặt dịch vụ với các công ty du lịch uy tín, thay vì cá nhân hay cộng tác viên bán tour xuất hiện la liệt trên mạng mà không biết rõ thông tin, nguồn gốc. 

Đồng thời, trước khi chuyển tiền, cần kiểm tra kỹ về hợp đồng, phiếu thu có dấu, nên chuyển khoản vào tài khoản công ty thay vì tài khoản cá nhân. Nếu là lần đầu giao dịch, nên đến hẳn trụ sở công ty thay vì qua mạng xã hội.

Bước quan trọng, sau khi đã đặt dịch vụ có thể kiểm tra lại với khách sạn, du thuyền (đơn vị phát hành voucher) hoặc trên website của hãng hàng không để tra cứu thông tin, xem booking đó có thật không (trừ vé đoàn thì thường phải gần ngày đi mới xuất vé).

Trong quá trình giao dịch mua tour trên mạng, khách cần chụp lại màn hình trao đổi giao dịch, gọi video call và chụp lại ảnh người bán tour và thẻ căn cước công dân,… để làm bằng chứng tố cáo nếu chẳng may bị lừa đảo.