- Nữ đại gia bị chủ nợ làm đơn tố cáo. Sau thời gian điều tra, cơ quan tố tụng lại ra lệnh bắt giam con trai của bà vì cho rằng anh này mới có hành vi lừa đảo, nạn nhân lại chính là nữ đại gia.
Lừa tiền của mẹ?
Theo bản án sơ thẩm, Tạ Tấn Lộc (SN 1976) sống cùng cha mẹ là ông Tạ Tấn Tài (SN 1950) và bà Tô Thị Ngọc Nên (SN 1954) tại TP Tân An, tỉnh Long An. Hàng ngày, Lộc đi lái xe tải cho gia đình, chở phế liệu thuê, thu nhập hàng tháng đem hết về giao cho mẹ quản lý để trang trải cuộc sống gia đình, nuôi 2 con nhỏ.
Cuối tháng 2/2013, Lộc sang Campuchia đánh bạc thua hết 900 triệu đồng dẫn đến mắc nợ và hẹn nửa tháng sau sẽ mang qua trả. Đầu tháng 4/2013, không có tiền trả nợ, sợ chủ nợ bên Campuchia qua đòi, Lộc nói dối bà Nên là có người bạn cần vay 2,8 tỷ đồng để đáo hạn ngân hàng và bảo mẹ lo giúp.
Bị cáo đứng nghe tòa tuyên án. |
Nghe lời con, do chỉ có 800 triệu nên bà Nên điện thoại cho người quen từng vay tiền nhiều lần là bà Nguyễn Thị D. (SN 1962, ngụ huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) vay thêm 2 tỷ đồng nói là để đáo hạn ngân hàng, 4 ngày sau sẽ trả.
Ngày 8/4/2013, chồng bà D. đem 2 tỷ đồng đến cho vay nhưng bà Nên đi vắng nên Lộc ký nhận thay. Lộc nhận tiền từ chồng bà D. và cũng làm biên nhận nhận 2 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền, Lộc đem toàn bộ 2,8 tỷ đồng sang Campuchia đánh bạc và thua hết.
Riêng bà Nên hôm sau đã ký lại giấy biên nhận nhận vay của bà D. 2 tỷ đồng nói trên. Hai ngày sau, bà Nên mới tá hỏa biết con ôm tiền đi đánh bạc.
Đúng hẹn, bà D. đến gặp bà Nên để đòi tiền. Lúc này, bà Nên kể lại sự việc và xin khất nợ, chỉ thanh toán trước 40 triệu đồng tiền lãi. Ngày 22/4/2013, bà D. làm đơn tố cáo bà Nên chiếm đoạt tiền của mình.
Những “nút thắt” vụ án
Vụ án được khởi tố nhưng sau đó cơ quan CSĐT công an tỉnh Long An thấy không đủ cơ sở khởi tố bị can với bà Nên. Sau đó, không ngờ chính Lộc bị khởi tố.
Suốt quá trình tố tụng, ngay từ đầu bà Nên đã khẳng định bà không phải là bị hại trong vụ án, tiền trong gia đình chủ yếu là do con trai bà - tức Lộc trực tiếp lao động tạo lập ra tài sản chính cho gia đình, bất cứ lúc nào Lộc có nhu cầu sử dụng bà đều đưa tiền…Bà Nên cũng khai rằng tài sản mà con trai góp phần tạo lập vào khối tài sản của cha mẹ từ năm 1995 đến năm 2012 khoảng 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, VKSND tỉnh Long An giữ nguyên quan điểm truy tố Lộc về tội lừa đảo với số tiền 2,8 tỷ đồng và đề nghị tuyên phạt bị cáo từ 8 đến 10 năm tù. Nhưng sau khi xem xét một số chứng cứ, tòa sơ thẩm xác nhận Lộc đã đóng góp và nhờ cha mẹ giữ giùm 2,48 tỷ đồng. Do vậy, số tiền bị cáo lừa của mẹ chỉ còn 320 triệu đồng và tuyên phạt bị cáo 3 năm tù.
Tại phiên phúc thẩm, bà Nên và Lộc đều kháng cáo kêu oan. “Tôi già rồi có làm được gì đâu, hàng chục năm nay nó là lao động chính trong gia đình, nó còn làm để nuôi bố mẹ, tiền đó là tiền của nó, mỗi khi nó cần là tôi đưa. Tôi cũng không tố cáo con tôi lừa, không yêu cầu con tôi trả lại tiền (bà đã trả cho bà D. 1,7 tỷ đồng), tôi không phải là bị hại trong vụ án, mong tòa xem xét”, bà Nên khẩn thiết trình bày.
Còn Lộc, Lộc thừa nhận có nói dối mẹ nhưng bị cáo không phạm tội lừa đảo. Sau khi xem xét, HĐXX nhận định để xác định bị cáo có phạm tội không cần xác định rõ căn cứ khởi tố vụ án và yếu tố cấu thành tội phạm.
Căn cứ đầu tiên cơ quan CSĐT khởi tố vụ án là đơn tố cáo của bà D. Tuy nhiên, sau khi khởi tố vụ án thì Cơ quan CSĐT thấy không có cơ sở để khởi tố bị can với bà Nên nên quay qua khởi tố bị can đối với Tạ Tấn Lộc, trong khi giữa Lộc và bà D. không có quan hệ gì. Vậy liệu căn cứ khởi tố vụ án đã hợp pháp hay chưa?
Thứ 2, việc cơ quan tố tụng áp đặt buộc bà Nên là bị hại trong khi người này nói mình không bị thiệt hại, tiền là của bị cáo. Hơn nữa, bị cáo Lộc và cha mẹ sống chung, tài sản đóng góp giữa các bên rất khó xác định một cách rõ ràng và cấp sơ thẩm đã xác định trên cơ sở những chi tiết rất mơ hồ.
Từ đó, HĐXX tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cho VKSND tỉnh Long An điều tra, xét xử lại từ đầu.
M.Phượng