Trao đổi với PV VietNamNet, ông Hoàng Văn Thư, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Vinh cho biết, các hoạt động tại sân bay đã trở lại bình thường từ sáng 4/7.
Theo ông Thư, quy trình kiểm tra an ninh, an toàn sân bay tuân thủ theo quy định được xây dựng và phê duyệt bởi các cơ quan có chuyên môn. Theo đó, việc kiểm tra được tiến hành ở nhiều hạng mục, trong đó có đường cất hạ cánh (đường băng).
“Về kiểm tra an toàn đường cất hạ cánh, chúng tôi xây dựng quy định kiểm tra định kỳ 2 lần/ngày và kiểm tra đột xuất khi có yêu cầu. Hai lần kiểm tra trong ngày được thực hiện vào khoảng thời gian giãn cách lớn giữa các chuyến bay, lần 1 vào đầu ngày và lần 2 vào buổi chiều.
Ngoài ra, sau mỗi lần cất hạ cánh, anh em trực tại đường băng có nhiệm vụ trực tiếp quan sát.
Do quá trình hoạt động tàu bay lên xuống liên tục nên khi máy bay ra, anh em trực đã quan sát, phát hiện và dừng kịp thời”, ông Thư cho hay.
Trả lời câu hỏi "sau sự cố có tăng cường công tác kiểm tra không?", ông Thư cho biết, sân bay đã xem xét lại quy trình kiểm tra an toàn. Kết quả cho thấy quy trình vẫn có hiệu lực, hiệu quả nên sẽ không thay đổi.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, một chuyên gia hàng không cho rằng, đường băng bằng bê tông xi măng rất dễ bị nứt cạnh, tạo ra các miếng vỡ nhỏ.
“Theo tôi, cần phải có quy trình kiểm tra đường cất hạ cánh định kỳ nhiều lần trong ngày. Đặc biệt là trước chuyến bay đầu tiên trong ngày”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Khẳng định sự cố xảy ra tại đường băng sân bay Vinh không phải do khí hậu, nhưng vị chuyên gia hàng không cũng nhấn mạnh không vì thế mà “đổ lỗi cho sân bay”. Bởi vì đến giờ chúng ta chưa có nghiên cứu, quy định nào về trám vá.
“Việc trám vá và bảo trì công trình hạ tầng khu bay, đặc biệt là đường cất hạ cánh là hết sức quan trọng, cần được nghiên cứu kỹ. Nếu dùng phương pháp thông thường lấy xi măng đông cứng nhanh để trám vá, sau một thời gian xi măng sẽ bị tách lớp và tạo ra các mảnh vỡ.
Các vật ngoại lai (FOD) từ các mảnh bê tông có thể làm hỏng động cơ, thậm chí có thể gây ra tai nạn”, vị chuyên gia dẫn chứng.
Vị chuyên gia cho biết, Cơ quan Hàng không Mỹ rất hạn chế sử dụng bê tông xi măng do vấn đề vỡ cạnh và nứt dọc rất khó xử lý. Xu hướng là sử dụng bê tông nhựa, nhưng phải được nghiên cứu kỹ thành phần để phù hợp với từng loại khí hậu.
Còn tại Việt Nam, việc trám vá đường cất hạ cánh thường là việc nhỏ, xảy ra thường xuyên nên ít được quan tâm nghiên cứu sâu.
“Ít ai nghiên cứu dùng chất liệu gì để trám vá nhanh, đông cứng trong vòng vài giờ mà chịu được tải trọng lớn, không bong tróc theo thời gian.
Ngành hàng không đòi hỏi những yêu cầu nghiêm ngặt và phải luôn có tư duy tiên lượng trước các vấn đề về an toàn có thể xảy ra”, vị chuyên gia nói.
Như VietNamNet đưa tin, sáng 3/7, đường băng sân bay Vinh bất ngờ gặp sự cố khi lớp bê tông nhựa bề mặt bị bong một mảng lớn.
Sự việc đã khiến nhiều chuyến bay phải thay đổi lịch trình hoặc hủy chuyến. Một số chuyến bay của các hãng hàng không đến sân bay Vinh buộc chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa.
Cục Hàng không Việt Nam sau đó cho biết, nguyên nhân ban đầu được xác định có thể do nhiệt độ cao gây phồng rộp, bong bật mảng bê tông nhựa bề mặt đường cất hạ cánh.
Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã ban hành quyết định đóng tạm thời sân bay này. Sau khi khắc phục sự cố, sân bay Vinh hoạt động trở lại lúc 7h ngày 4/7.