- Để chứng tỏ “đẳng cấp”, sự sành điệu, không ít đại gia Việt không tiếc công sức, tiền của "rước" những con thú độc và lạ về nuôi trong nhà. Tuy nhiên, sở thích này tiềm ẩn rủi ro, đe dọa tính mạng của chính người nuôi và các thành viên khác trong gia đình.
Mốt nuôi thú dữ
Ở Việt Nam, vài năm gần đây, mốt nuôi thú dữ được giới nhà giàu ưa chuộng. Các đại gia đua nhau săn lùng những con thú lạ, càng đứng đầu danh sách đỏ càng tốt. Trong nước không có thì đánh mối bên Lào, Campuchia, Ấn Độ,... làm sao càng dữ, càng “độc” thì mới thể hiện được đẳng cấp.
Trong số đó, nhiều nhất phải kể đến là chó. Đặc biệt, xe hướng nuôi chó độc, lạ đang là mốt của nhà giàu ở các thành phố lớn. Ví như, các giống chó săn, bản tính hiếu chiến, biết tấn công kẻ thù, bảo vệ chủ nhân như chó Phú Quốc, bec-giê, pitbull, rottweiller, bulldog, ngao Tây Tạng,... Trong đó, những người thích chơi chó cảnh chuộng nhất ngao Tây Tạng và Pitbull. Đây là giống chó hung dữ, rất đắt tiền - có khi lên tới hàng trăm triệu đồng.
Hai con tê giác châu Phi của đại gia Lê Thanh Thản |
Ngoài ra, thú chơi của đại gia Việt còn thể hiện ở việc sở hữu nhiều động vật hoang dã quý hiếm. Nhiều người còn đầu tư khoản tiền lớn để nuôi hổ, gấu, tê giác... để thể hiện "chất chơi".
Điển hình là đại gia Lê Thanh Thản. Ông chủ thương hiệu Mường Thanh đang nuôi hai con tê giác trong trang trại, với số tiền bỏ ra để mua mỗi con là 500 tỷ đồng. Vị đại gia này còn sở hữu rất nhiều động vật hoang dã mua từ châu Phi như 1 cặp ngựa vằn, 1 cặp ngựa bạch, 2 con hổ vằn, 1 con gấu, vài chục con hươu, linh dương, 2 con đà điểu,... Đại gia này đang tính sẽ tậu thêm hai con hổ bạch nữa.
Đại gia Huỳnh Uy Dũng (Dũng lò vôi) cũng đang nuôi khoảng 100 loài thú quý hiếm trong vườn thú Đại Nam. Trong đó, có những loài nằm trong Sách đỏ có nguy cơ bị tận diệt trên thế giới như: Hổ Đông Dương, tê giác, các loài voọc, hà mã,...
Hai con sư tử nuôi tại Khu du lịch Đại Nam. |
Chủ 31 con hổ tại chuồng nuôi “thí điểm” ở Bình Dương là ông Ngô Duy Tân, Giám đốc Công ty TNHH Bia Thái Bình Dương Pacific. Mỗi tháng, chỉ tính riêng số hổ này và 8 con báo Hoa mai đã ngốn của ông trên 100 triệu đồng.
Một vị đại gia khác ở quận 12, TP.HCM cũng tự tậu cho mình một hồ nuôi cá sấu ở trước nhà, với mục đích thư giãn đầu óc khi nhìn những con cá sấu đớp mồi. Phía sau vườn nhà của đại gia này còn có một khu chuồng nhốt 2 con trăn, 6 con rắn độc, 3 con gấu cùng 1 con tinh tinh.
Ở vùng đất Sơn Lâm, Lương Sơn, Hòa Bình, hầu như ai cũng biết đến ông Nguyễn Công Đức, biệt danh "Đức gấu". Ông là người Hà Nội chính gốc nhưng đã chuyển lên đây sống từ nhiều năm nay. Một mình ông cai quản trang trại rộng 2 ha với hang động, núi đá, ao hồ, chuồng trại nuôi gấu, lợn rừng, cá sấu,...
Cái chết tức tưởi rình rập
Điều đáng nói, nhiều người chỉ chú ý mua được những con vật nuôi lạ, thể hiện đẳng cấp mà xem nhẹ việc huấn luyện, dẫn đến nhiều tai nạn đáng tiếc. Thực tế, đã xảy ra không ít vụ thú nuôi (kể cả thuần chủng hay hoang dã) tấn công con người. Bên cạnh đó, những nguy cơ về lây bệnh truyền nhiễm từ các vật nuôi này cũng là vấn đề phải cân nhắc kỹ.
Chuồng nuôi hổ ở Công ty Thái Bình Dương sát với nhà dân. |
Đã có một số vụ người làm công bị hổ vồ chết hay bị thương. Mới đây nhất, vào chiều 23/9, ông Lương Văn H. (40 tuổi, quê Thái Bình; là nhân viên Công ty Thái Bình Dương, từng có hàng chục năm kinh nghiệm trong việc chăm sóc hổ) đã bị con hổ trắng cái của công ty cắn chết ngay tại chỗ.
Trước đó, sáng 23/8/2015, chị Trần Thị Yến (Tân Kỳ, Nghệ An) cùng chồng và nhóm bạn tới tham quan tại khu sinh thái Trại Bò, huyện Diễn Châu. Trong lúc đứng cạnh rào sắt thì bất ngờ chị bị con hổ trắng kéo tay vào trong, gây mất cánh tay trái.
Ngày 10/9/2009, một con hổ nuôi nhốt tại Khu du lịch Đại Nam đã nhảy qua vách ngăn cao 3m rồi cắn ba công nhân trồng cây ở khu vực vườn thú. Hai người nhảy xuống ao nước tránh nạn trong khi công nhân còn lại bị tấn công tử vong.
Gần đây, nhiều vụ gấu nuôi cắn người đã xảy ra. Điển hình là vào ngày 11/1/2015, tại một biệt thự thuộc xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM, cháu bé 3 tuổi con chủ nhà khi chơi một mình ở sân vườn đã thò tay phải vào lỗ thủng chuồng đang nuôi gấu và bị gấu cắn đứt lìa bàn tay.
Tương tự, cuối tháng 4/2014, bé trai B.X.V hơn 2 tuổi (phường Hà Tu, TP Hạ Long, Quảng Ninh) khi chơi một mình đã chạy lại gần khu vực nuôi nhốt gấu, thò tay vào trong chuồng và bị con gấu ngoạm đứt lìa cẳng tay trái.
Hình ảnh một con chó ngao hung tợn. |
Không chỉ có gấu mà chó cũng là loài vật nuôi khá nguy hiểm, là thủ phạm gây ra nhiều vụ tai nạn.
Tháng 3/2016, vụ việc 4 con chó dữ (2 con chó thuộc giống Doberman và 2 con thuộc giống Rottweiler) lao vào cắn chủ nhà ở phường Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) khiến nhiều người sợ hãi.
Tháng 7/2013, bé N.V.H (16 tháng tuổi, ở Hải Dương) khi chạy tới kéo tai con chó đang ăn đã bị chó cắn rách mặt. Ngày 19/5/2011, bé V.D.N (2 tháng tuổi, ở Phúc La, Hà Đông, Hà Nội) khi đang ngủ đã bị con chó nuôi lâu năm trong nhà tuột xích tấn công, gây chấn thương nặng,...
Những sự việc trên đây là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn khi nuôi thú dữ tại nhà. Các chuyên gia khuyến cáo không nên nuôi thú dữ trong nhà, nếu muốn nuôi, cần có các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng cho người thân trong gia đình và những người xung quanh.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)