Để nâng cao năng suất của làng nghề truyền thống nuôi tằm lấy kén, người nông dân ở Nghệ An đã áp dụng kỹ thuật mới trong việc chăm sóc tằm ở phòng điều hoà.
Nuôi tằm lấy kén là nghề truyền thống ở xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn (Nghệ An) nhưng dần bị mai một. Sự xuất hiện của các loại vải sản xuất công nghiệp đã khiến ngành dệt tơ gặp rất nhiều khó khăn.
Năm 2020, UBND huyện Nam Đàn có đề án khôi phục làng nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Khánh Sơn. Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp dâu tằm Đồng Tiến ra đời và trở thành đơn vị đầu tiên nuôi tằm theo quy mô công nghiệp.
Chăm sóc tằm trong phòng điều hoà
Giám đốc HTX Ngô Duy Khánh cho biết, HTX đã xây dựng hệ thống chuồng trại ươm, nuôi tằm hiện đại. Tại đây, tằm được nuôi theo kỹ thuật mới, trong phòng điều hòa, không dùng nong như kiểu truyền thống.
Theo ông Khánh, thời tiết ở Nghệ An rất khắc nghiệt, nắng mưa thất thường, nếu áp dụng cách nuôi truyền thống, tằm dễ gặp bệnh tật, ảnh hưởng đến năng suất.
“Mỗi lứa tằm nuôi truyền thống kéo dài 20 - 22 ngày, trong khi nuôi trong phòng điều hoà là 19 ngày. Việc sử dụng điều hoà sẽ tạo môi trường đảm bảo cho con giống phát triển, sinh trưởng tốt, ngừa bệnh, tạo năng suất cho tằm nhả kén chất lượng” - ông Khánh kể.
Do nguồn thức ăn từ cây dâu bản địa dần già cỗi, suy thoái nên HTX thay thế bằng loại dâu lấy từ Viện Tơ tằm Trung ương. Sau khi trồng thử nghiệm, cây dâu phát triển tốt, lá to nên năng suất cao hơn so với giống dâu bản địa.
Mỗi lần trồng, cây dâu có thể sống được từ 15 đến 20 năm. Mỗi năm chỉ cần cắt tỉa cây đúng chu kỳ, những chồi mới sẽ mọc lên, lá tươi tốt hơn.
Việc trồng, chăm sóc dâu hoàn toàn theo quy trình sản xuất sạch, bởi tằm là loài sống rất nhạy cảm và "khó chiều". Lá dâu phải được hái khi khô sương và không để ướt. Sau khi hái, lá được thái nhỏ và cho tằm ăn.
Ngoài cây dâu, HTX còn chọn giống tằm trắng, được nhập khẩu từ Trung Quốc về nuôi với quy mô lớn. Giống tằm này được đánh giá có khả năng chống chịu được khí hậu khắc nghiệt ở Nghệ An, cho chất lượng tơ tốt.
Chu kỳ sinh trưởng của tằm trải qua 5 tuổi đời, mỗi tuổi kéo dài 3 - 4 ngày. Qua một lần lột xác, tằm sẽ thêm một tuổi. Trứng tằm sau khi ấp nở ra, được đưa vào một khu vực nuôi riêng, với những tiêu chuẩn về môi trường khắt khe. Thức ăn cho tằm ở giai đoạn này phải được thái sợi và luôn đảm bảo độ tươi.
Từ độ tuổi thứ 2 trở đi, tằm ăn rất nhiều lá dâu. Trong giai đoạn này, phải liên tục bổ sung thức ăn cho tằm. Sau 5 lần lột xác, tằm đã ở độ tuổi thứ 5, lượng dinh dưỡng đã đủ, tằm sẽ không tiếp thức ăn.
Con tằm sẽ được đưa vào các "né" gỗ để tự làm tổ. Mỗi con sẽ chui vào một ô, nhả tơ, tạo thành chiếc kén.
Nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng của tằm nhỏ là 23 - 26 độ C, tằm lớn từ 25 - 30 độ C. Nếu nhiệt độ không đạt chuẩn sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của tằm, dễ phát sinh bệnh, năng suất kén giảm.
Giữ gìn nghề truyền thống giúp người dân đổi đời
Ngoài sản phẩm chính là kén, việc nuôi tằm còn cho nhiều sản phẩm phụ có giá trị cao như nhộng tằm, phân tằm. Nhộng sẽ được cung ứng làm thực phẩm cho các chợ đầu mối, nhà hàng trên địa bàn. Đây là món ăn có giá trị dinh dưỡng cao.
Trung bình mỗi tháng, HTX xuất bán trên 1 tấn kén cho các nhà máy sản xuất tơ, vải ở Lâm Đồng, Nam Định, Yên Bái với giá 180.000 đồng/kg. Nhộng tằm bán ra thị trường làm thực phẩm có giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, mỗi năm hợp tác xã thu lãi trên 500 triệu đồng.
HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động, với mức lương từ 4,5 - 8 triệu đồng/người/tháng, đảm bảo cuộc sống cho người dân ở vùng quê.
Bên cạnh đó, HTX cũng đang thí điểm ươm tơ để hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải nhằm tăng giá trị kinh tế. Hướng đi sắp tới là nuôi thêm giống tằm ré (tằm vàng).
'Buôn bán phát đạt, bố mẹ tôi mua được 4 căn nhà phố cổ. Họ đi đâu cũng có xe đưa rước. Mỗi lần đi học, tôi đều diện áo trắng, quần tây ngồi trên chiếc xe ô tô sang trọng để gia nhân đưa đi, đón về'.
Cụ Nguyễn Thị Dần (phường Quảng An, Tây Hồ) đã bước sang tuổi 100 và là người cao tuổi nhất đang làm nghề ướp trà sen tại Hà Nội. Mỗi cân trà sen truyền thống, gia đình cụ Dần bán giá 7 hoặc 10 triệu đồng.