Giữ lửa cho tiếng Việt bừng sáng
Ngày 22/10, tại Thủ đô Praha của Cộng hòa Séc, Trung tâm tiếng Việt Sapa - Praha đã tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập. Trong hai mươi năm qua, Trung tâm tiếng Việt Sapa - Praha đã giữ gìn và dạy tiếng Việt cho nhiều thế hệ con em người Việt sinh ra và lớn lên tại đây.
Cộng hòa Séc là nơi có đông người Việt Nam sinh sống và làm việc. Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, tiếng Việt không chỉ được sử dụng trong giao tiếp giữa người Việt Nam với nhau mà còn là phương tiện quan trọng để lưu giữ truyền thống văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Với thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, tiếng Việt còn có ý nghĩa giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về cội nguồn dân tộc, từ đó vun đắp tình yêu với quê hương, đất nước.
Ngay từ đầu những năm 2000, lãnh đạo Hội người Việt Nam tại Cộng hoà Séc đã hỗ trợ mở lớp dạy tiếng Việt đầu tiên để giúp con em mình hiểu và yêu ngôn ngữ mẹ đẻ. Những thành công ban đầu trở thành sự khích lệ lớn lao, là tiền đề để Chi hội người Việt Nam tại Trung tâm thương mại Sapa quyết tâm thành lập Trung tâm tiếng Việt vào năm 2003.
Sau khoảng thời gian dài duy trì, vượt qua khó khăn, đặc biệt là giai đoạn dịch Covid-19, với quyết tâm và tâm huyết dành cho tiếng Việt, trung tâm đã hỗ trợ hơn 2.000 học sinh được phổ cập tiếng mẹ đẻ, nhiều cháu đã thành thạo tiếng Việt.
Đặc biệt năm 2009, Trung tâm tiếng Việt đã vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm và khẳng định tầm quan trọng của việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài, trong đó có Cộng hòa Séc. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cũng đã tặng giấy khen động viên các thầy, cô giáo đang giảng dạy tại đây.
Theo ông Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc cho biết, cộng đồng người Việt tại Séc nói chung luôn xác định nhiệm vụ quan trọng là bảo tồn và duy trì văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt bởi chỉ có duy trì ngôn ngữ mới duy trì được một cộng đồng phát triển bền vững.
Lãnh đạo các hội đoàn đã quan tâm bằng nhiều hình thức như tổ chức Trại hè tiếng Việt, Chương trình Về nguồn hay các cuộc thi để các em thể hiện tiếng Việt, qua đó giúp con em trong cộng đồng tiếp cận với tiếng Việt.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm tiếng Việt Sapa - Praha chia sẻ, gìn giữ và phát huy tiếng Việt, qua đó nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, bảo tồn truyền thống văn hóa, hướng về quê hương đất nước là niềm trăn trở và cũng là động lực đối với cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc.
Hàng chục năm qua, các lớp học tiếng Việt cho các thế hệ con em người Việt Nam được ông Sơn cùng các thầy cô giáo duy trì liên tục và mở rộng với mục đích bảo tồn văn hóa dân tộc, giữ lửa cho tiếng Việt bừng sáng.
Các lớp dạy tiếng Việt được chia làm 2 giai đoạn trong năm, gồm các lớp mùa hè (tháng 7 và tháng 8 khi các trường học tại Séc nghỉ hè) và các lớp thường xuyên từ tháng 9 năm nay đến tháng 6 năm sau. Thời gian học chủ yếu vào các ngày thứ bảy và chủ nhật, còn các lớp học mùa hè có thể được mở vào tất cả các ngày trong tuần. Quy mô mỗi lớp học không cố định, song thường xuyên duy trì trên 10 em.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, việc giảng dạy tiếng Việt tại trung tâm tập trung kiểm tra năng lực, trình độ, qua đó có phương pháp giảng phù hợp đối với từng học sinh. Các giáo viên đứng lớp tại Trung tâm tiếng Việt Sapa - Praha không được hưởng lương mà chỉ có một khoản bồi dưỡng nhỏ tính theo giờ. Ông cho biết thêm, công tác giảng dạy tiếng Việt tại Séc hiện được duy trì chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện, tấm lòng và tình yêu của các thầy cô đối với tiếng mẹ đẻ.
Mặc dù còn những khó khăn nhất định, song phong trào dạy học tiếng Việt luôn nhận được sự quan tâm, động viên và ủng hộ thiết thực của Đại sứ quán Việt Nam, Hội người Việt Nam tại Séc, các hội đoàn, cá nhân và doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ về chính sách từ phía Bộ Giáo dục Séc. Bên cạnh đó, các phụ huynh đều rất nhiệt tình, mong muốn nâng cao trình độ tiếng Việt cho con em, còn các học sinh luôn thể hiện sự nghiêm túc và tinh thần hiếu học.
Bày tỏ mong muốn sẽ ngày càng thu hút được nhiều bạn trẻ trong cộng đồng tham gia giảng dạy và học tiếng Việt, ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng, các hội đoàn của người Việt Nam nói chung cần nghiên cứu và có kế hoạch tổ chức Trại hè tiếng Việt ngay tại Séc. Đồng thời, có các hình thức tuyên truyền rộng rãi hiệu quả về ý nghĩa và lợi ích của việc học tiếng Việt tới cộng đồng.
Trái tim hướng về Tổ quốc
Chị Trần Thị Thu Thủy đã có nhiều năm sinh sống tại Cộng hòa Séc. Tháng 8/2023, chị có dịp về Việt Nam tham dự Khoá tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Theo chị chia sẻ, dù đã tham gia dạy một số lớp tiếng Việt cho trẻ em ở Cộng hòa Séc nhưng bản thân chị muốn nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Việt hơn nữa, có cơ hội giao lưu, kết nối với những giáo viên như mình để cùng chia sẻ phương pháp dạy ngôn ngữ mẹ đẻ. Vì vậy, khi đăng ký và được chọn tham gia chương trình, chị rất vui, tự hào.
Trở về Việt Nam mang theo niềm vui được gặp lại người thân, được học hỏi những kiến thức mới nhưng chị Thuỷ cũng bày tỏ nỗi băn khoăn với việc bảo tồn, giữ gìn chữ viết, ngôn ngữ Việt ở Cộng hòa Séc. Chị cho biết, vì mưu sinh, rất nhiều giáo viên như chị phải xa xứ và làm trái ngành nghề nhưng trong lòng rất trăn trở khi tận mắt nhìn thấy thế hệ con cháu ở nước ngoài ngày càng xa lạ với tiếng Việt - tiếng của Tổ quốc, cha ông.
Chị khẳng định, việc duy trì tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ giúp cộng đồng ta trở thành một cộng đồng có bản sắc văn hóa riêng trong lòng xã hội sở tại, mà còn giúp duy trì mối liên kết thiêng liêng giữa cộng đồng với quê hương, đất nước.
Được tham gia khoá học, chị Thuỷ như được sống lại thời tuổi trẻ, được ôn luyện, trang bị thêm kiến thức, phương pháp giảng dạy tiếng Việt. Chị cảm thấy vững tin để dệt lại ước mơ gieo con chữ cho các thế hệ con cháu người Việt tại cộng hoà Séc.
“Không chỉ tôi mà tất cả bà con kiều bào đang sinh sống tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đều luôn hướng về Tổ quốc. Việc duy trì ngôn ngữ, chữ viết Việt là cách để chúng tôi tri ân, gửi gắm tình yêu Việt Nam và nuôi dưỡng lòng tự tôn dân tộc cho thế hệ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài”, chị Thuỷ tâm sự.
Em Nguyễn Thái Đại Vinh, gương mặt đạt giải U8 Cộng hòa Séc và thứ 9 U8 châu Âu Giải cờ vua thiếu niên là người được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài vinh danh trong Trại hè Việt Nam năm 2023. Dù sinh ra và lớn lên ở Séc nhưng Vinh rất thích được nói tiếng Việt.
Trong môi trường sử dụng ngôn ngữ khác, Vinh thừa nhận việc sử dụng và học tiếng Việt đôi khi gặp trở ngại nhưng với sự giúp đỡ của người thân và các cô chú trong cộng đồng người Việt Nam tại Séc, em đã nói và viết được ngôn ngữ mẹ đẻ.
"Em nghĩ đây không phải ngoại ngữ mà là ngôn ngữ nơi bố mẹ mình sinh ra, vì thế em quyết tâm phải học được. Khi tham dự các giải thi đấu thể thao, được phỏng vấn em cũng phát biểu cả tiếng Séc và tiếng Việt để khẳng định gốc gác của mình và tôn vinh Tổ quốc", Vinh nói.