Hoạt động thể chất thường xuyên mang lại những lợi ích về sức khỏe và sự phát triển, đặc biệt là với trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, với lịch trình bận rộn của phụ huynh và sự phụ thuộc ngày càng lớn vào công nghệ để giải trí, trẻ nhỏ ngày nay khó có đủ các hoạt động thể chất ngoài trời cần thiết cho sự phát triển lành mạnh.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Nhi khoa (Australia) cho biết việc sở hữu, đi dạo và chơi với một chú chó cưng có thể khuyến khích sự phát triển về mặt xã hội và cảm xúc của trẻ.
Theo đó, nghiên cứu của nhóm tác giả tại Trường Dân số và Sức khỏe Toàn cầu, Đại học Tây Australia đã khảo sát xem liệu việc chơi đùa và đi dạo với chú chó của gia đình có liên quan đến sự phát triển cảm xúc và tương tác xã hội tốt hơn ở trẻ nhỏ hay không.
Nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát 1.646 phụ huynh để tìm hiểu về các gia đình có trẻ mẫu giáo có nuôi chó và tần suất mỗi tuần con họ dắt chó đi dạo hoặc chủ động chơi với nó.
Kết quả cho thấy trẻ em từ các hộ gia đình nuôi chó có ít hơn 30% khả năng mắc các vấn đề về cư xử, các vấn đề bạn bè và tăng khả năng có các hành vi vì xã hội so với trẻ nhà không nuôi chó.
Các vấn đề bạn bè bao gồm cách trẻ hòa đồng với những đứa trẻ khác và liệu chúng có thích chơi một mình. Hành vi vì xã hội xem xét mức độ trẻ quan tâm đến cảm xúc của người khác và giúp đỡ nếu ai đó bị tổn thương, buồn bã hay ốm yếu. Các cuộc khảo sát cũng đo lường các triệu chứng cảm xúc, hiếu động thái quá và những khó khăn tổng thể. |
Nghiên cứu cũng chỉ ra ngay cả ở độ tuổi nhỏ, trẻ mới biết đi thực sự có thể hưởng lợi từ việc tương tác với thú cưng khi được giám sát an toàn.
Dắt chó đi dạo ít nhất một lần/tuần và chơi đùa với chó của gia đình ba lần trở lên/tuần giúp làm tăng khả năng thực hiện các hành vi vì xã hội.
Việc dắt chó đi dạo ít nhất một lần/tuần cũng giúp làm giảm khả năng gặp khó khăn tổng thể trong cuộc sống.
“Hoạt động thể chất thường xuyên đóng một vai trò quan trọng trong thời thơ ấu, góp phần vào sự phát triển của trẻ nhỏ và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính bao gồm béo phì”, tác giả chính của nghiên cứu, PGS Hayley Christian cho biết.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do xuất phát từ cá nhân đứa trẻ, gia đình và môi trường mà chưa đến 1/3 trẻ từ 2-5 tuổi hoạt động thể chất 3 giờ mỗi ngày - trái ngược với khuyến nghị toàn cầu rằng trẻ mẫu giáo cần hoạt động cả ngày.
Ở tuổi mẫu giáo, thùy trán của trẻ em vẫn đang phát triển. Điều đó có nghĩa là trẻ mẫu giáo chưa hình thành đầy đủ khả năng điều chỉnh hành vi hoặc kiểm soát cảm xúc mạnh và xung động.
Vì vậy, mọi người thường cho rằng trẻ mới biết đi sẽ không được lợi khi nuôi chó vì chúng sẽ không biết cách tương tác với nó. Tuy vậy, các bậc phụ huynh có thể cân nhắc nuôi một chú cún cưng và giám sát khi cho trẻ tương tác với nó. Một chú chó con có thể có ảnh hưởng tích cực đến việc định hình hành vi của trẻ nhỏ.
Việc sở hữu một chú cún cưng có liên kết với trách nhiệm, thái độ tích cực, sự đồng cảm và tự tin của trẻ. Nghiên cứu cũng kết luận rằng trẻ trước độ tuổi vị thành niên (10-20 tuổi) sẽ hưởng lợi nhất cho sự phát triển từ việc sở hữu một chú cún cưng.
Nghiên cứu của PGS Khoa Nội tiết và Chuyển hóa Kramer tại Đại học Toronto (Canada) cho thấy việc sở hữu một chú chó cưng có liên quan đến việc giảm 24% tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân. Đối với những người mắc bệnh đau tim và đột quỵ, nuôi một chú chó giúp giảm 31% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. |
Bảo Huy