Tái tạo nguồn lợi thủy sản từ nuôi biển

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, hiện nay tình hình sụt giảm trữ lượng hải sản và suy thoái nguồn lợi, đa dạng sinh học biển toàn cầu đã ở mức báo động. Nhằm phục hồi, tái tạo lại nguồn lợi thủy sản, ngay từ những năm 1970, những quốc gia tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Na Uy… đã “bồi đắp” cho sinh vật biển bằng cách nuôi biển tự nhiên.

Thực tế nuôi biển tự nhiên đơn giản là thả con giống ra biển để đạt kích thước thương mại rồi mới khai thác. Việc này có 2 ý nghĩa: Một là, tái tạo lại nguồn lợi trong tự nhiên hiện đã bị khai thác quá mức, nhất là các khu vực suy giảm tới mức cạn kiệt. Hai là, quy định các điều kiện khai thác “khi và chỉ khi” các loài hải sản đã đạt kích thước thương mại. Như vậy, việc nuôi thả tự nhiên này sẽ kết hợp được giữa bảo tồn thiên nhiên cũng như giải quyết sinh kế, tăng thu nhập cho người dân và các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nuôi ở đâu (những vùng biển được chọn), nuôi thế nào (quy mô nuôi, cách thức triển khai, thành viên tham gia…) cần phải tính toán trên cơ sở quy hoạch không gian biển, định hướng chiến lược phát triển kinh tế biển của từng địa phương và mối quan hệ hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp đầu tư, ngư dân tham gia nuôi trồng và nhà nước. Bởi, không phải khu vực nào cũng có thể nuôi biển và nuôi biển tự nhiên là hình thức được khuyến khích bởi đây là giải pháp bảo tồn sinh thái biển bền vững.

Riêng tại Việt Nam, lợi ích của nuôi biển tự nhiên là không phải bàn cãi. Tuy nhiên, để nuôi biển tự nhiên cần phải quan tâm đến vấn đề sinh thái của các loài nuôi (mỗi vùng phải chọn được các loài khác nhau, ví dụ Phú Yên phù hợp với tôm hùm, Khánh Hòa phù hợp với bề bề hay Cà Mau là với con cua biển…). Sự hài hòa giữa loài nuôi, đặc điểm sinh thái và điều kiện kinh tế của mỗi vùng sẽ giúp nghề nuôi biển của các địa phương phát triển bền vững nếu có sự quy hoạch và tính toán phù hợp.

long ca.jpg
Những lồng nuôi tôm hùm và tôm mũ ni tại Khu bảo tồn biển đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. 

Trong khi đó ở Việt Nam hiện nay, nuôi biển tự nhiên vẫn ở quy mô chưa tương xứng hoặc việc thả giống hải sản trong các sự kiện thủy sản hoặc môi trường (với các loài cá cảnh, tôm sú, cá thực phẩm); di dời, quản lý đàn sinh sản kết hợp với hoạt động phục hồi rạn san hô cho tới nuôi vẹm xanh, ngao, nghêu, sò huyết… trên bãi triều và vùng nước nông ven biển mới dừng ở phương diện bảo tồn và phục hồi sinh thái và giải quyết sinh kế tại chỗ cho người dân chứ chưa hướng tới quy mô nuôi công nghiệp và khai thác bền vững. Chính vì vậy, các giải pháp nuôi biển quy mô lớn đang được tính đến và nuôi biển trong các khu bảo tồn là một hướng đi mới.

Nuôi biển trong chính các khu bảo tồn biển

Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Cục Kiểm ngư, Bộ NN-PTNT), nuôi biển tự nhiên là một trong những giải pháp nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 36-NQ/TW, về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu chiến lược là đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển và trong các giải pháp ấy, giảm khai thác và tăng nuôi biển được coi là hướng đi bền vững.

“Riêng với ngành nuôi biển tự nhiên, không có khu vực nào tốt bằng ở các Khu bảo tồn biển. Việt Nam hiện có 27 khu bảo tồn biển tự nhiên đang được phân ra làm các khu vực khác nhau: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; Phân khu phục hồi sinh thái; Phân khu dịch vụ - hành chính và vùng đệm. Điều đáng mừng là các khu bảo tồn biển đều đã được lập quy hoạch, phân ra những khu vực nào được nuôi biển và nuôi những loài hết sức cụ thể. Đây là tiền đề để các khu vực nuôi biển tự nhiên hình thành và phát triển nhanh thời gian tới”, ông Hùng cho biết.

Theo khảo sát của Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, trong 27 khu cư trú nhân tạo thuộc 149 khu vực biển khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản của 27 khu bảo tồn biển cũng là nơi thích hợp để nuôi biển tự nhiên. “Trước mắt, khi có chủ trương Hiệp hội sẽ  đưa ra báo cáo đánh giá, nhờ các bên liên quan xác định ranh giới tọa độ, phạm vi và môi trường nuôi biển có thể triển khai. Khi được các địa phương cấp phép, đây sẽ là những diện tích có thể nuôi biển rất tốt Việt Nam nên tận dụng”, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam hy vọng.

Trong khi đó, theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, bên cạnh việc mở rộng diện tích nuôi biển, nhất là nuôi trong khu vực các khu bảo tồn thì việc hoàn thiện công nghệ sinh sản nhân tạo để phục hồi các loài nguy cấp, quý hiếm rất quan trọng. “Nếu làm song song hoạt động nuôi biển gắn với bảo tồn thì việc nuôi biển sẽ thu được: một phần thương phẩm, một phần nuôi tái sinh, thả tái tạo ở vùng biển tự nhiên- hướng đi bền vững và được khuyến khích”, ông Hùng kết luận.

Quang Phong và nhóm PV, BTV